Trái với những cáo buộc của quân đội Mỹ nói rằng hành động thao dượt của các máy bay ném bom chiến thuật Su-24 của Nga bên cạnh tàu khu trục Donald Cook của Hải quân Mỹ trên Biển Baltic là nguy hiểm và khiêu khích, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra bình luận trái ngược, bác bỏ.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov tuyên bố rằng "không có gì đặc biệt về các chuyến bay của cặp oanh tạc cơ Su-24, bên cạnh các tàu khu trục Mỹ trên Biển Baltic".
Trước đó, như trong các báo cáo được Người Đưa tin đề cập, Bộ Tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ (EUCOM) cho biết trong hai ngày 11 và 12/4/2016, các máy bay Nga bay sát sườn một khu hạm của Hải quân Mỹ khi chiến hạm này vừa tiến hành tập trận ở biển Baltic trong vùng biển quốc tế.
Theo ông Igor Konashenkov, các chuyến bay của cặp Su-24 Nga bên cạnh khu trục Mỹ Donald Cook là "không có gì bất thường".
Về sự kiện này, theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao - ông John Kerry, Hoa Kỳ sẽ đích thân trao đổi với cố Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov của Nga để kháng nghị với giới chức Moscow về sự kiện xảy ra trên Biển Baltic.
Theo ông Kerry, các chuyến bay máy bay của Nga là "không chuyên nghiệp, khiêu khích và nguy hiểm.
Trong khi đó, phát ngôn viên Tổng thống Nga Putin - Dmitry Peskov đã nói rằng Điện Kremlin ủng hộ và có quan điểm giống phát ngôn từ Bộ Quốc phòng Nga về vụ việc mà Mỹ đã cáo buộc Nga.
Lập trường này của Moscow cũng tương tự như những tuyên bố của chính quyền Nga về các vụ việc có liên quan đến những va chạm phương tiện quân sự của mình với Mỹ từng được phản ánh trong quá khứ.
Theo nhận định của một nhà quan sát quân sự, vụ việc căng thẳng giữa máy bay Nga và tàu chiến Mỹ ở Biển Baltic rất có thể đang được Trung Quốc quan sát kỹ. Và, trong tương lai, Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng các làm của Nga đối với các tàu chiến và máy bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông.
Nhà quan sát ở Hà Nội cho rằng, những sự cố tương tự vụ việc của Nga - Mỹ ở Baltic đã từng được Trung Quốc áp dụng để răn đe, thử phản ứng của Mỹ ở các vùng biển, vùng không phận xung quanh lãnh thổ mà Bắc Kinh đang đòi hỏi chủ quyền.
Với Trung Quốc, quân đội Mỹ thường có phản ứng gay gắt và dường như luôn thể hiện sẵn sàng hành động đáp trả hơn so với các cuộc va chạm với máy bay, tàu chiến Nga.
Tuy nhiên, ở Biển Đông, liệu xu hướng bắt chước Nga có được Bắc Kinh tiếp tục vận dụng để đối phó với quân đội Mỹ ở Biển Đông hay không cần có thêm thời gian để kiểm chứng dù có nhiều dự đoán nói chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ hành động giống Nga để răn đe, thử "nắn gân" và "dò phản ứng Mỹ".
Hiện quân đội Mỹ đang tăng cường hiện diện ở châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông - nơi Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động đòi hỏi chủ quyền phi pháp hòng chiếm đoạt gần như toàn bộ vùng biển quan trọng với giao thương toàn cầu.
Cách đây 2 ngày, trang báo Sputnik của Nga cũng đã đăng tải một bài nhận định dẫn lời chuyên gia nói nhấn mạnh rằng vụ máy bay Nga tạt sườn chiến hạm Mỹ trên Biển Baltic là sự kiện thể hiện rằng những cam kết của Washingon đối với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới là không đáng tin, nguy hiểm.
Trang báo của Nga cũng tranh thủ viện dẫn ngay các điểm nóng khu vực mà Mỹ đã cam kết đảm bảo an ninh cho các đồng minh của mình là: Đông Bắc Á (vấn đề Bắc Triều Tiên với an ninh của Hàn Quốc, Nhật Bản); khu vực Biển Đông (với Philipines và một số đối tác khác); khu vực Trung Đông; chiến tranh ngắn ngày Nga - Gruzia; vấn đề khủng hoảng ở Ucraine...
Mục đích của bài báo trên trang Sputnik có thể được hiểu là truyền thông Nga đang cố gắng muốn nói với thế giới, đặc biệt là những nước đề cao Mỹ, dự định hợp tác với Mỹ cần suy nghĩ lại bởi các cam kết của Hoa Kỳ hoàn toàn không đáng tin.
Lê Dũng