Quy mô của vụ nổ là cực lớn, với nhiều tòa nhà cách xa khu vực cảng cũng bị đổ sập. Vụ việc kinh hoàng xảy ra trong bối cảnh tồi tệ đối với Lebanon, quốc gia đang trên bờ vực khủng hoảng tài chính.
Thủ tướng Lebanon Hassan Diab cho hay nguyên nhân của vụ nổ là 2.700 tấn ammonium nitrate - một loại chất hóa công nghiệp được sử dụng trong sản xuất phân bón và làm thuốc nổ trong khai khoáng. Lượng chất hóa học trên tạo ra sức nổ tương đương 240 tấn TNT. Ông Diab tuyên bố một ngày tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ.
Nhà kho nơi mà mà chính quyền cho là tâm điểm của vụ nổ trong năm 2014 từng nhận được nhiều cảnh báo về khả năng cháy nổ. Thủ tướng Diab tuyên bố sẽ sớm "công khai sự thật" về nhà kho này.
|
Một máy bay trực thăng chữa cháy tại hiện trường vụ nổ, sáng ngày 4/8 (Ảnh: Sky News)
|
Nhiều bệnh viện ở thủ đô Beirut vốn đã phải căng mình đối phó với dịch COVID-19 thì nay nhanh chóng bị quá tải khi tiếp nhận những người bị thương do vụ nổ; họ liên tục kêu gọi hiến máu, sử dụng nhiều máy phát điện để duy trì hoạt động trong bệnh viện.
Sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng vụ nổ kinh hoàng ở Beirut "nhìn giống một vụ tấn công tồi tệ", trái ngược với thông tin mà giới chức Lebanon đưa ra. Khi được hỏi tại sao ông lại "tự tin" cho rằng vụ nổ ở Lebanon là "một đòn tấn công chứ không phải tai nạn", ông Trump nói trước báo giới: "Vì nó nhìn giống như vậy, dựa trên chính vụ nổ". Ông Trump thêm rằng ông đã có cuộc họp với các tướng lĩnh quân đội Mỹ và họ cũng "có cảm giác" đó là vụ tấn công.
Hội đồng Quốc phòng tối cao Lebanon kêu gọi tuyên bố Beirut là khu vực thảm họa, cùng tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 2 tuần lễ tại thành phố thủ đô. Một tuyên bố mà hội đồng này đưa ra, được đọc trên truyền hình, nói rằng Tổng thống Michel Aoun đã quyết định rút 100 tỷ đồng bảng Lebanon từ ngân sách năm 2020 để khắc phục thảm họa.
|
Nhiều khu vực dân cư cách xa tâm vụ nổ cũng bị ảnh hưởng (Ảnh: CNN)
|
Hiện người dân ở Beirut đang tỏ ra hết sức hoang mang về chất lượng không khí ở thành phố thủ đô sau vụ nổ.
Đại sứ quán Mỹ tại Beirut đưa ra một tuyên bố khuyến cáo người dân mang khẩu trang và ở trong nhà, sau khi xuất hiện "nhiều báo cáo về khí độc phát ra từ vụ nổ".
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã gửi lời chia buồn tới người dân Lebanon, nói rằng ông "hy vọng những người bị thương sẽ sớm phục hồi, trong đó có một số nhân viên của LHQ đang làm việc tại Lebanon". Ít nhất 48 nhân viên của LHQ đã bị thương trong vụ nổ, ngoài ra còn có 27 thân nhân của họ.
Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã nhanh chóng đề nghị hỗ trợ Lebanon, trong đó có Anh, Pháp, Australia, Mỹ, Canada và Israel.