Vụ mua bán hóa đơn: Nhờ anh vợ, anh trai đứng tên đại diện, giám đốc hưởng lợi số tiền khủng

Bên cạnh việc trực tiếp đứng tên công ty, Đặng Văn Thắng còn nhờ vợ, anh vợ, anh trai đứng tên đại diện công ty, cửa hàng khác. Sau đó, Thắng trực tiếp xuất hóa đơn khống cho nhóm Công ty Thành An để hưởng lợi hàng tỷ đồng.

Nhờ người thân, bạn bè đứng tên đại diện công ty

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước xảy ra tại Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH thiết bị y tế Danh, Công ty TNHH thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan.

Trong đó, bị can Nguyễn Đăng Thuyết - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Đăng Thuyết là chủ mưu, đứng đầu. Ông Thuyết đã chỉ đạo cấp dưới mua hóa đơn khống (không có hàng hoá) từ 32 đầu mối (đại diện cho 110 công ty/hộ kinh doanh), gây thiệt hại cho ngân sách hơn 743 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số các "đầu mối" bán hóa đơn cho Công ty Thành An có bị can Phùng Xuân Thục, Giám đốc Công ty Trung Nguyên.

Bị can Thục bị đề nghị truy tố tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước".

Kết luận điều tra thể hiện, từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2022, bị can Thục đã sử dụng 15 công ty/hộ kinh doanh để xuất bán 2.083 hóa đơn cho nhóm Công ty Thành An với tổng số tiền trước thuế là hơn 433 tỷ đồng, thuế VAT là gần 18 tỷ đồng.

Thục biết đến Công ty Thành An thông qua Đặng Văn Thắng, Giám đốc Công ty Hoàng Dương. Hai giám đốc công ty có thỏa thuận về mức phí mua hóa đơn. Đối với hộ kinh doanh được trả 2,6%; với các công ty thì hóa đơn không chịu thuế trả 4,5%, hóa đơn chịu thuế 5% trả 6,5%, hóa đơn chịu thuế 10% trả 11,5%.

Bị can Phùng Xuân Thục xác nhận được Thắng thanh toán chi phí mua hóa đơn cho 15 công ty/hộ kinh doanh với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế đã nộp, Thục được hưởng lợi số tiền hơn 28 tỷ đồng.

Các bị can trong vụ án.

Giám đốc Công ty Hoàng Dương khai trong 15 công ty, hộ kinh doanh do Thục sử dụng để xuất bán hóa đơn, Thục trực tiếp đại diện pháp luật 2 công ty và cửa hàng, số còn lại anh ta đã mượn, nhờ người thân, bạn bè đứng tên đại diện, thậm chí đăng ký đại diện công ty từ 4 CMND nhặt được.

"Thục xác nhận việc xuất bán hóa đơn khống cho nhóm Công ty Thành An do bản thân trực tiếp thực hiện, không bàn bạc trao đổi với những người nhờ đứng tên kể trên", kết luận điều tra nêu.

Bị can Thục cũng tự ký tên các cá nhân đại diện pháp luật hoặc dùng chữ ký dấu để ký hợp đồng và xuất hóa đơn. Khi rút tiền mặt hoặc chuyển khoản trả lại cho nhóm Công ty Thành An, cũng do Thục làm.

Những "giám đốc" của hơn chục công ty trên cũng không được Thục chia lợi ích. Ngoài ra, bị can Thục còn là trung gian giới thiệu cho 6 cửa hàng, công ty xuất bán 288 hóa đơn, hưởng lợi trung gian số tiền trên 800 triệu đồng.

Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền Thục được hưởng lợi qua việc bán hóa đơn khống là hơn 28,8 tỷ đồng.

Hưởng lợi trung gian hàng chục tỷ đồng

Trong khi đó, bị can Đặng Văn Thắng cũng sử dụng 5 công ty/hộ kinh doanh để xuất bán khống hơn 1.300 hóa đơn với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế đã nộp, bị can Thắng hưởng lợi hơn 9 tỷ đồng.

Cụ thể, Đặng Văn Thắng trực tiếp đại diện pháp luật Công ty Hoàng Dương và Cửa hàng Thắng Hiền. 3 Công ty/hộ kinh doanh còn lại Thắng nhờ vợ, anh vợ, và anh trai đại diện pháp luật.

Trong đó, Đào Thị Hiền (vợ Thắng) đứng tên Công ty Anh Đức; Đặng Văn Quang (anh trai Thắng) đứng tên Cửa hàng thiết bị y tế số 10; Đào Ngọc Diệp (anh vợ Thắng) đứng tên Cửa hàng Anh Tú.

Đặng Văn Thắng xác nhận việc xuất hóa đơn khống cho nhóm Công ty Thành An do Thắng trực tiếp thực hiện, không bàn bạc trao đổi với ai.

Khi xuất hóa đơn, ký hợp đồng hoặc đi rút tiền mặt, chuyển khoản trả lại cho nhóm Công ty Thành An, Thắng chỉ đạo vợ và các anh thực hiện. Tuy nhiên, các cá nhân trên không tham gia điều hành, không biết việc xuất bán hóa đơn khống, thực hiện công việc theo chỉ đạo của Thắng và không được hưởng lợi.

Ngoài ra, Thắng còn giới thiệu bị can Dương Đình Hoàng, chủ Cửa hàng Hoàng Dương; Phùng Xuân Thục xuất bán khống hóa đơn cho nhóm Công ty Thành An.

Cơ quan điều tra xác định, bị can Đặng Văn Thắng là trung gian giới thiệu 22 công ty xuất 2.415 hóa đơn, hưởng lợi số tiền hơn 5 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền Đặng Văn Thắng hưởng lợi trực tiếp và qua trung gian là hơn 14,7 tỷ đồng.

Về nhân thân, bị can Đặng Văn Thắng không có tiền án, tiền sự. Bị can này là Giám đốc duy nhất trong vụ án nhưng chỉ học hết lớp 9.

Tương tự, bị can Phạm Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty Thành Phát cũng khai nhận đã lập và trực tiếp điều hành 7 công ty/hộ kinh doanh xuất bán 1.617 hóa đơn khống cho nhóm Công ty Thành An, hưởng lợi hơn 5,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị can Như còn thỏa thuận với Bùi Mai Hương, kế toán trưởng Công ty Danh để liên hệ, trao đổi với 9 đầu mối, hưởng lợi trung gian hơn 25,6 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền bị can Như hưởng lợi trực tiếp và qua trung gian là hơn 31 tỷ đồng.