|
Tên lửa hành trình chống hạm KCT 15 tầm bắn 260 km Việt Nam tự sản xuất theo giấy phép của Nga |
Liệu sự kiện Mỹ bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam sẽ làm thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông hay không, tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) ngày 6/6 vừa có bài phân tích về vấn đề này.
Với thông báo mới đây của tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ đối với việc mua sắm trang bị quân sự của Việt Nam, vấn đề nổi lên – nên nhớ rằng quyết định của ông Obama được giới phân tích xem là như một động thái cân bằng với sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực – theo cách việc mua sắm vũ khí Mỹ có thể tác động tới cán cân quân sự trong vùng, nhất là ở Biển Đông, Diplomat nhận định.
Theo truyền thông nước ngoài, Việt Nam đã bày tỏ quan tâm đến một loạt các thiết bị đã qua sử dụng của Mỹ, bao gồm chiến đấu cơ F-16 A/B, máy bay tuần biển tân trang P-3C Orion trang bị ngư lôi và các máy bay không người lái có thể được dùng để giám sát các vùng biển chủ quyền cũng như giám sát Biển Đông rộng lớn hơn. Việt Nam cũng thảo luận với Mỹ về các hệ thống radar và thiết bị giám sát, cảnh báo giúp tăng cường năng lực tác chiến điện tử.
Bất kỳ thương vụ bán vũ khí nào cho Việt Nam cũng sẽ phải thực hiện theo một chương trình quốc phòng đặc biệt được Mỹ áp dụng với các quốc gia đối tác nhằm giảm giá và do Lầu Năm Góc thực thi. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang trong lộ trình tiếp nhận 6 tàu tuần tra Metal Shark do Mỹ sản xuất với gói tài chính 18 triệu USD, theo Diplomat.
Diplomat cho rằng Hà Nội mua được vũ khí Mỹ nhưng tác động đến năng lực chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ diễn ra dần dần hơn là ngay lâp tức và diễn ra trong nhiều năm vì một số lý do. Một trong những lý do là đòi hỏi hạ tầng hỗ trợ cần thiết tại chỗ cho máy bay do Mỹ chế tạo, bao gồm xây dựng cơ sở bảo dưỡng toàn bộ máy bay, cho dù việc nâng cấp lớn hơn sẽ vẫn cần thực hiện tại Mỹ.
Ngoài ra, mua vũ khí Mỹ còn đòi hỏi phải huấn luyện phi công, thủy thủ đoàn, đội ngũ kỹ thuật viên vận hành máy bay và các hệ thống vũ khí mới, sẽ cần thiết phải có các cố vấn và chuyên gia Mỹ. Tất cả những công việc này không thể diễn ra chỉ trong một đêm và đòi hỏi một cam kết nhiều năm của Mỹ.
Tuy nhiên, trong khi dòng chảy thiết bị quân sự Mỹ vào khu vực hầu hết đều có tác động, vẫn phải xem năng lực răn đe với kẻ gây hấn trên Biển Đông của Việt Nam tăng lên như thế nào – lý do hàng đầu cho bất cứ thương vụ mua sắm vũ khí nào của quân đội Việt Nam.
Điều này sẽ phụ thuộc lớn vào hai yếu tố: Trước hết là trình độ huấn luyện con người của quân đội Việt Nam đối với các loại vũ khí mới; thứ hai, khả năng quân đội Việt Nam tích hợp thiết bị Mỹ với hệ thống vũ khí còn lại, phần lớn do Nga hiện nay sản xuất và những trang thiết bị, vũ khí từ thời Liên Xô.
Theo Diplomat, kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Việt Nam nhằm chống kẻ địch ở Biển Đông mang bản chất phòng thủ và xây dựng một chiến lược chống tiếp cận khu vực, khai thác các lợi thế phi đối xứng, chẳng hạn trang bị các tàu ngầm diesel-điện mới lớp Kilo khoét vào điểm yếu chống ngầm của kẻ địch tiềm tàng. Tất cả những công việc này đòi hỏi tăng cường lĩnh vực trinh sát biển (MDA) và các hệ thống cảnh báo sớm.
Diplomat cho rằng mục tiêu tối hậu của Việt Nam là nhằm ngăn chặn kẻ địch triển khai lực lượng hải quân vào cái gọi là “vùng xám” trong các kịch bản đe dọa, liên quan đến việc sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển của đối phương hòng ngăn chặn khả năng phong tỏa các đảo và thực thể địa lý Việt Nam kiểm soát trên Biển Đông, trong khi tránh khơi mào xung đột vũ trang.
Những thiết bị như máy bay tuần tra P-3C Orion mang ngư lôi sẽ tăng cường mạnh khả năng răn đe của quân đội Việt Nam. Đặc biệt, nó sẽ hỗ trợ cho năng lực của các chiến hạm mặt nước và khả năng tác chiến chống ngầm, bằng cách bổ sung cho hạm đội tàu ngầm gồm 6 chiếc Kilo-636.
Diplomat nhìn nhận, Hà Nội cũng đã sở hữu hàng loạt các tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất, bao gồm tên lửa siêu âm 3M-14E Klub có khả năng tấn công lãnh thổ đối phương, tạo ra một sức mạnh răn đe bổ sung. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang nâng cấp các hệ thống tên lửa phòng thủ như các khẩu đội tên lửa bờ biển K-300P Bastion mua của Nga năm 2011 và hệ thống tên lửa phòng không S-300 PMU2 tầm xa năm 2012, cũng như bổ sung, nâng cấp hệ thống radar giám sát bờ biển và thiết lập một hệ thống phòng vệ tấn công đáng gờm.
Hơn nữa, Việt Nam đang vận hành ít nhất 32 chiến đấu cơ Su-30MK2V hiện đại, thích hợp cho đánh biển, được trang bị các tên lửa chống hạm Kh-31 (AS-17 Krypton). Không quân Việt Nam (VPA) cũng được nói rằng quan tâm tới việc mua một phi đội các chiến đấu cơ đa nhiệm hai động cơ Su-35S, thậm chí còn là loại máy bay chiến đấu thích hợp với việc tuần tra biển hơn cả chiến đấu cơ một động cơ F-16 của Mỹ.
Diplomat đặt câu hỏi vậy liệu các vũ khí Mỹ có thể tác động tới cán cân quân sự ở Biển Đông hay không? Như đã phác họa ở trên, điều này phụ thuộc vào cả hay yếu tố huấn luyện hiệu quả và khả năng tích hợp thành công các hệ thống vũ khí mới vào cấu trúc quân sự hiện có của Việt Nam.
Theo tờ báo Nhật Bản, Nga vẫn là một đối tác quan trọng nhất của Việt Nam về dài hạn trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự song phương. Trang thiết bị, vũ khí Nga cung cấp cho Việt Nam đã chứng tỏ rất hiệu quả trong thực tế. Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm vận hành vũ khí Nga hàng thập kỷ, trong khi hầu như có rất ít kinh nghiệm với vũ khí Mỹ.
Về huấn luyện, không quân Việt Nam có kinh nghiệm hạn chế và chỉ tiến hành một số cuộc diễn tập nhằm nâng cao trình độ, bao gồm thực hiện phối hợp tác chiến và hợp đồng quân binh chủng không quân, lục quân và hải quân. Số lượng các cuộc giao lưu huấn luyện quân sự cũng đã tăng lên và các thủy binh tàu ngầm Việt Nam hiện đang được huấn luyện học thuyết và chiến thuật chiến tranh ngầm tại trung tâm tàu ngầm INS Satavahana của Ấn Độ. Việc huấn luyện phi công cũng được cho là đang còn thiếu hụt.
Trong khi có khả năng Việt Nam sẽ tìm ra các nguồn lực để tích hợp hiệu quả các hệ thống vũ khí Mỹ vào lực lượng được trang bị chủ yếu bằng vũ khí Nga, ví dụ về Malaysia (nước sử dụng cả các hệ thống vũ khí của Nga và Mỹ) đã cho thấy thiếu hiệu quả và tốn kém khi cố sử dụng cả hai hệ vũ khí trong dài hạn. Thêm nữa, Diplomat cho rằng vẫn phải chờ xem Việt Nam có thể phát triển những học thuyết và chiến thuật mới nhằm tích hợp toàn bộ các hệ thống vũ khí mới vào chiến lược chống can thiệp hay không.
Diplomat cho rằng thêm chiến đấu cơ F-16, máy bay săn ngầm P-3C Orion, các máy bay không người lái cũng như các hệ thống giám sát biển, trinh sát và cảnh báo sớm sẽ cơ bản không thay đổi cán cân quân sự khu vực. Tuy nhiên, việc huấn luyện và tích hợp thành công các thiết bị quân sự mới của Mỹ chắc chắn sẽ tăng cường năng lực tác chiến của quân đội Việt Nam và như một hệ quả, sẽ tác động đến những diễn biến tình hình trên Biển Đông.
Theo Diplomat, khó có khả năng nổ ra một kịch bản một cuộc chiến quy mô lớn, nhưng chỉ riêng sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm Việt Nam ở Biển Đông, cho dù có hay không nằm trong thành phần một hệ thống phòng vệ tích hợp đáng sợ và được liên kết với các hệ thống vũ khí khác, cũng sẽ đủ để ngăn cản những hành động xâm lược trên biển trong tương lai.