|
Mỹ muốn kéo Trung Quốc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) hiện mới chỉ kí giữa Nga và Mỹ (Ảnh: dyhjw.com). |
Theo trang web New York Times tiếng Trung ngày 2/7, thông tin này chưa được công bố tại Mỹ và thậm chí còn chưa được chia sẻ rộng rãi với Quốc hội. Nhưng cách tiếp cận như vậy là để người Nga ủng hộ ông Trump, thúc giục Trung Quốc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) mà Trung Quốc chưa bao giờ tham gia. Trong quá trình này, chính phủ Mỹ sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhưng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc - vẫn chỉ bằng 1/5 kho vũ khí hạt nhân mà Mỹ hoặc Nga triển khai - như mối đe dọa mới mà ông Trump và Tổng thống Nga Putin cùng phải đối mặt.
Các quan chức Mỹ cho biết, trong phần đầu bản báo cáo bí mật, Marshall Billingslea, nhà đàm phán kiểm soát vũ khí mới của ông Trump, đã mô tả dự án hạt nhân của Trung Quốc là “vũ khí hạt nhân bất ngờ”, một "hành động cực kỳ gây sốc" được thiết kế để đối phó kho vũ khí của Nga và Hoa Kỳ đã vượt xa quy mô kho vũ khí của họ trong mấy chục năm qua.
Ý định của Hoa Kỳ rất rõ ràng: ông Trump sẽ không tham gia bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn nào nếu Trung Quốc không tham gia - nếu yêu cầu của Trump không được đáp ứng, ông có thể từ bỏ hoàn toàn New START. Hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, chỉ vài tuần sau khi tổng thống khóa mới tuyên thệ.
|
Tại lễ diễu binh kỉ niệm 70 năm quốc khánh năm ngoái, Trung Quốc đã trình làng tên lửa liên lục địa mới DF-41 (Ảnh: NYT)
|
Nhiều chuyên gia bên ngoài đặt câu hỏi liệu tăng trưởng vũ khí của Trung Quốc được đo lường về khả năng chứ không phải số lượng có thực sự tăng nhanh và trở thành mối đe dọa như chính quyền Donald Trump khẳng định?
Một quan chức chính phủ cao cấp cho biết những tình báo về vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh vẫn còn là điều bí mật và việc chia sẻ các dữ liệu như vậy giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới là điều bình thường. Nhưng điều này có ý nghĩa ở chỗ nó được cung cấp cho một đối thủ liên tục xung đột ở cấp độ thấp với Hoa Kỳ - những xung đột này bao gồm các cuộc tấn công mạng, trinh sát quân sự của máy bay chiến đấu và hành động của Nga chống lại Ukraine. Sau đó, lại có tin cơ quan tình báo quân đội Nga đã cung cấp tiền thưởng cho việc giết chết lính Mỹ và đồng minh ở Afghanistan.
Quan chức Mỹ này cho biết chính phủ hiện tại sẽ cố gắng giải mật và công khai một phần báo cáo đánh giá về Trung Quốc.
Vũ khí hạt nhân đột nhiên trở thành một lĩnh vực cạnh tranh mới giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và có nhiều lý do để tin rằng ngay cả khi ba siêu cường hiện chưa tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện, những gì đang diễn ra trong các phòng đàm phán ở các nơi trên thế giới, có thể sớm dẫn đến sự bắt đầu của một cuộc chạy đua như vậy.
Nga đã công khai đề nghị gia hạn New START thêm 5 năm. Việc gia hạn như vậy không cần phải có sự chấp thuận của quốc hội. Nhưng ông Trump rõ ràng đang đặt cược rằng ông có thể tìm thấy sự đồng thuận với Putin trong việc chống lại Trung Quốc.
|
Năm 2010, Mỹ và Nga đã kí Hiệp ước New START tại Prague (Ảnh: Guancha).
|
New York Times viết, không còn nghi ngờ gì nữa, người Trung Quốc đang cải thiện kho vũ khí hạt nhân của họ và có thể đang xem xét lại quan niệm về “mức răn đe tối thiểu”, tức là chỉ cần đảm bảo rằng một khi Trung Quốc bị tấn công, họ có thể phá hủy các thành phố của Nga, Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ được triển khai 300 vũ khí hạt nhân tầm xa và theo New START, hai siêu cường được phép triển khai mỗi nước 1.550 vũ khí. Do đó, các chuyên gia cho rằng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, Bắc Kinh có thể kiên trì yêu cầu được mở rộng năng lượng hạt nhân gấp thêm 5 lần, nếu không họ sẽ không đồng ý với bất kỳ hạn chế nào, đó là một khả năng rất thực tế. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn không bày tỏ ý định thảo luận về bất kỳ hạn chế nào.
"Cố gắng kéo Trung Quốc vào Hiệp định này là một ý tưởng tốt trong lý thuyết. Còn thực hành nó là điều không thể” - cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates tháng rồi đã nói tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
"Trung Quốc không có động lực để tham gia", Gates nói. Khi làm giám đốc CIA, ông đã đối đầu với Trung Quốc về việc bán tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân cho Iran. Gates nói, nếu ông Trump tiếp tục đường lối hiện tại, cuối cùng sẽ dẫn đến "Trung Quốc sản xuất thêm nhiều vũ khí hạt nhân hơn, nhiều hơn chúng ta nghĩ họ hiện có, để ngang hàng với Hoa Kỳ”.
|
Ông Donald Trump cho rằng thế giới không an toàn khi chỉ Mỹ và Nga kí New START mà không có sự tham gia của Trung Quốc (Ảnh: toutiao).
|
Trong một loạt các cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Trump đã coi các vấn đề như hiệp định thương mại, cấm sinh viên Trung Quốc và mạng 5G là vấn đề cốt lõi và bây giờ vấn đề vũ khí hạt nhân cũng đã được thêm vào.
New York Times viết, ông Trump không hiểu lịch sử hạt nhân, nhưng ở một mức độ nào đó, ông đang lặp lại tình hình những năm 1960, khi Mao Trạch Đông đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân; chính phủ của Tổng thống Lyndon B. Johnson từng cân nhắc việc mời Liên Xô tiến hành một cuộc tấn công Lop Nur, một địa điểm thử hạt nhân của Trung Quốc, để ngăn chặn Trung Quốc tham gia câu lạc bộ hạt nhân. Nhưng Hoa Kỳ đã từ bỏ ý tưởng này vì cho rằng quá nguy hiểm. Vào tháng 4 năm 1964, một nghiên cứu tuyệt mật được giải mã của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã kết luận rằng nguy cơ về khả năng hạt nhân của Trung Quốc là không đủ chứng minh cho việc áp dụng các hành động mang lại giá thành chính trị hoặc rủi ro quân sự là điều hợp lý”..
Trong 56 năm tiếp theo, Hoa Kỳ đã chấp nhận "sự răn đe tối thiểu" của Trung Quốc. Giờ đây, Marshall Billingslea cho rằng các hoạt động mới đang diễn ra tại Lop Nur, cùng với việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trong không gian và biển, một lần nữa khiến Hoa Kỳ gặp nguy hiểm. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc cho rằng trách nhiệm thuộc về Hoa Kỳ, nói rằng sự chú ý của Mỹ đối với phòng thủ tên lửa buộc Trung Quốc phải phát triển các vũ khí hạt nhân và lực lượng tên lửa đánh trả mới.
"Nếu những lo ngại của Bắc Kinh không được giải quyết, điều này có thể thúc đẩy Trung Quốc gia tăng hoạt động, hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và các khả năng chiến lược khác”. Triệu Thông, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm chính sách toàn cầu Thanh Hoa-Carnegie ở Bắc Kinh, mới đây đã viết.
Mối quan tâm về xây dựng kho vũ khí hạt nhân được khơi lại có thể bắt nguồn từ New START được ông Obama thông qua mười năm trước. Để hiệp ước được thông qua tại Thượng viện, Tổng thống Barack Obama đã đồng ý chi hàng tỷ USD để nâng cấp các cơ sở hạt nhân của Mỹ, bao gồm các cơ sở sản xuất đã bị lãng quên trong nhiều thập kỷ. Đồng thời, Joe Biden, khi đó là phó tổng thống và hiện được kỳ vọng là đối thủ của ông Trump trong cuộc đua bầu cử tổng thống, cho biết chính phủ sẽ yêu cầu Thượng viện phê chuẩn "Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện" (Comprehensive Nuclear Test Ban Treaty), hiệp ước đã được ký bởi Bill Clinton, nhưng Thượng viện đã không hành động.
Obama và Biden biết rằng họ sẽ thất bại, vì vậy họ không bao giờ yêu cầu sự chấp thuận của Thượng viện. Nhưng bốn đời tổng thống vừa qua đều tuân thủ lệnh cấm của Hiệp ước về thử nghiệm hạt nhân này. Giờ đây tình trạng này có thể kết thúc: Marshall Billingslea xác nhận rằng chính quyền Trump đã thảo luận về việc hủy bỏ việc ký hiệp ước này và tranh luận về việc Hoa Kỳ có nên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân hay không. Hoa Kỳ đã không tiến hành các vụ thử hạt nhân kể từ năm 1992. Nhưng ông nói rằng không cần phải làm như vậy.
Hoa Kỳ đã tiến hành số vụ thử hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Sau hơn 1.000 lần thử nghiệm trong nhiều thập kỷ, các nhà thiết kế bom hạt nhân của Mỹ đã nắm chắc nhiều kỹ thuật để đạt được sự thu nhỏ cực độ và có được sức mạnh hủy diệt lớn. Năm 1954, sức mạnh bùng nổ được tạo ra từ vụ thử bom hydro đầu tiên ở Hoa Kỳ lớn gấp 1.000 lần so với quả bom nguyên tử đã phá hủy thành phố Hiroshima.
Do giai đoanh lịch sử đó, nhiều chuyên gia hạt nhân hiện cho rằng nếu ông Trump bắt đầu một vòng thử nghiệm hạt nhân toàn cầu mới, nó sẽ có lợi cho đối thủ của Mỹ chứ không phải là Mỹ.
|
Thế giới ngày càng trở nên không an toàn khi số lượng đầu đạn hạt nhân mà các nước sở hữu ngày một nhiều thêm (Ảnh: wkwd).
|
"Chúng ta sẽ mất nhiều hơn thứ chúng ta nhận được", Siegfried Hecker, hiện là người đứng đầu Phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos ở New Mexico và hiện là giáo sư tại Đại học Stanford nói trong một cuộc phỏng vấn. Ông chỉ ra rằng Bắc Kinh, nơi chỉ thực hiện 45 cuộc thử nghiệm, chắc chắn sẽ khôi phục các cuộc thử nghiệm để "nâng cao độ chính xác hoặc đa dạng của kho vũ khí hạt nhân", "Điều này sẽ chỉ gây nên đe dọa an ninh quốc gia Mỹ”.
Trong những năm gần đây, đã có sự tăng đột biến trong hoạt động tại bãi thử nghiệm ở sa mạc Nevada. Tại đây có các hoạt động khoan giếng, xây dựng, thiết bị, nhân viên mới và các bài kiểm tra "cận lâm sàng" ngay dưới ngưỡng vụ nổ hạt nhân.
Trong những năm qua, một số người của đảng Cộng hòa đã hối thúc chuẩn bị cho thử nghiệm hạt nhân và đã đầu tư rất nhiều tiền cho việc này. Hiện tại, một công cụ trị giá 800 triệu USD đang được chuẩn bị trong khu phức hợp Nevada sẽ được sử dụng để thử nghiệm plutonium.
Đảng Cộng hòa nhiều năm qua vẫn đang thúc giục nâng cấp và tăng tốc bao gồm các thiết bị tổng hợp tại Nevada. Trong tháng này, Thượng nghị sĩ Tom Cotton của Đảng Cộng hòa bang Arkansas đã đề xuất một tu chính án, yêu cầu tăng thêm ít nhất 10 triệu USD dùng để "phát triển các dự án liên quan đến việc rút ngắn thời gian cần thiết để thực hiện các vụ thử hạt nhân".
Trong một lá thư gần đây, giới lãnh đạo Đảng Dân chủ đã nói với Lầu Năm Góc và Bộ Năng lượng rằng ý tưởng khởi động lại các vụ thử hạt nhân là "không thể hiểu được", là "thiển cận và nguy hiểm".
Nhưng Marshall Billingslea tin rằng ông đã thành công khi khiến người Nga nghĩ về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, chứ không phải ở sa mạc Nevada. Trong cuộc đàm phán tuần trước, người Nga vừa ghi chú nhiều về việc xây dựng quân đội Trung Quốc vừa chú trọng xem các slide bí mật của Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng người Nga muốn ngồi lại để đàm phán thêm vào cuối mùa hè. Nhưng các cuộc hội đàm này sẽ không có sự tham dự của người Trung Quốc.