Vụ Jong nam - Một tháng sau nhìn lại

VietTimes -- Hôm nay đã là đúng một tháng, kể từ khi vụ án công dân Triều Tiên nghi là Kim Jong-nam  bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur. Hãy cùng nhìn lại sự kiện này theo những mốc thời gian.
Những mốc thời gian trong vụ Kim Jong nam bị sát hại

Hôm nay đã là đúng một tháng, kể từ khi vụ án công dân Triều Tiên nghi là Kim Jong-nam  bị sát hại làm cả thế giới phải theo dõi sát sao, vậy mà vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy câu chuyện này, với những yêu cầu kỳ quặc nối tiếp nhau, những rạn nứt ngoại giao và một tử thi không ai nhận, sẽ mau chóng chìm xuống.

Vào ngày 13 tháng 2, Jong-nam, 45 tuổi, đã bị hai người phụ nữ tấn công đầu độc giữa ban ngày ở sân bay KLIA2 khi đang chuẩn bị bay về Macau nơi anh ta sống lưu vong cùng gia đình. Hành động này đã bị phát hiện qua camera an ninh, và Jong-nam đã chết trong vòng 20 phút sau khi bị tấn công trắng trợn đó.

Khi tin tức về vụ ám sát lan truyền, ngày hôm sau, các phương tiện truyền thông đổ xô cử phóng viên đến Bệnh viện Putrajaya, nơi Jong-nam được đưa đến để cứu chữa, nhưng đã chết trên đường đi.

Tổng thanh tra Cảnh sát Tan Sri Khalid Abu Bakar sau đó đưa ra xác nhận, nạn nhân là Kim Chol, dựa trên hộ chiếu ngoại giao trên người ông này.

Hình ảnh Kim Jong nam 

Cũng giống như nhiều vụ án nghiêm trọng khác, thi thể nạn nhân được đưa đến nhà xác của bệnh viện Kuala Lumpur để khám nghiệm dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát Đến nay, thi thể nạn nhân vẫn được bảo quản chờ những người thân gần nhất đến để nhận dạng.

Địa điểm xảy ra vụ án trở thành điểm nóng đối với các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế để hàng ngày kịp đưa tin mới nhất về sự kiện, chắc chắn là một trong những câu chuyện lớn nhất của năm 2017.

Những vụ bắt giữ được cảnh sát thực hiện rất nhanh.

Ngày 16 tháng 2, Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, đến từ Việt Nam và  Siti Aisyah, 25 tuổi, đến từ Indonesia bị bắt. Hai người phụ nữ này bị cáo buộc giết Jong-nam tại phiên tòa luận tội diễn ra vào ngày 1 tháng 3, cũng là một ngày cao điểm về an ninh đối với cảnh sát cao, với việc cả hai bị cáo đều được khoác chống đạn, đề phòng bất trắc..

Đoàn Thị Hương bị đưa đến phiên tòa luận tội

Ngày 17/2, công dân Triều Tiên Ri Jong-chol bị bắt, nhưng sau đó đến ngày 3/3 đã được thả vì cảnh sát không có đủ chứng cứ để buộc tội. Nhà hóa học 45 tuổi bị trục xuất về nước cùng ngày.

Mặc dù Đại sứ quán Triều Tiên khăng khăng một điều, rằng nạn nhân chết vì bị trụy tin, kết quả pháp y cho thấy, người này bị chết bởi loại chất độc thần kinh VX, một loại chất độc bị Liên Hợp quốc đưa vào danh sách vũ khí giết người hàng loạt.

Cảnh sát nhận dạng thêm một số nghi phạm trong đó có cả Hyon Kwang-song , 44 tuổi, Bí thư thứ hai Đại sứ quán

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị thử thách nghiêm trọng khi Kang Chol, Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia nghi vấn về mức độ tin cậy đối với kết qủa điều tra của cảnh sát, đồng thời tố cáo nước chủ nhà thông đồng với kẻ thù của Triều Tiên.

Cuộc đấu khẩu giữ ông Đại sứ và Bộ Ngoại giao Malaysia, dãn tới sự triệu hồi Mohamad Nizan Mohamad Đại sứ Malaysia tại Triều Tiên về nước .

Tuy nhiên, Kang Chol vẫn tiếp tục đưa ra những lời chỉ trích Malaysia về cách thức giải quyết vụ việc.

Malaysia đáp lại bằng việc dừng miễn thị thực cho các công dân Triều Tiên đến Malaysia, nước duy nhất có chế độ ưu đãi này đối với họ.

Tình hình không được cải thiện và kết quả là ngày 4/3, Kang Chol bị Bộ Ngoại giao tuyên bố là “nhân vật không được hoan nghênh”. Ngày 6/3, ông cùng vợ con rời khỏi Malaysia.

Ăn miếng trả miếng, Triều Tiên cũng trục xuất Đại sứ Mohamad Nizan.

Căng thẳng tiếp tục leo thang, ngày 7/3, quốc gia khép kín quyết định cấm 11 công dân Malaysia rời khỏi đất nước, thực chất biến họ thành những con tin.

Malaysia phản đòn bằng lệnh cấm tương tự đối với 315 công dân Triều Triên đang hiện diện trên lãnh thổ nước này.

Một hội nghị khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới sự chủ trì của Thủ tướng Seri Najib Tun Razak trong khi Chính phủ tìm cách bảo vệ an toàn để hồi hương những công dân của mình.

Hai trong số 11 người Malaysia, Stella Lim và Nyanaprakash Muniandy, làm việc cho Chương trình Lương thực Liên Hợp quốc đã rời Bình Nhưỡng về đến Bắc Kinh ngày 9/3

Hai người này sẽ tiếp tục làm việc tại đó.

Ngày 10/3, ông Khalid chính thức khẳng định danh tính của nạn nhân là Kim Jong nam.

Hà Khoa (Theo The Star online)