Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tăng 8,8%, là mức tăng trưởng 9 tháng cao nhất trong vòng một thập kỷ qua (2011 – 2022).
Sự phục hồi này đến từ việc nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa và tăng trưởng xuất khẩu tích cực. Điều này giúp Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect), tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt đỉnh trong quý 3/2022 và sẽ chậm dần từ quý 4/2022 do cầu thế giới yếu và hiệu ứng mở cửa sau Covid-19 nhạt dần.
Các chuyên gia dự báo GDP quý 4/2022 có thể tăng 5,6%, nâng mức tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,9%.
Trong năm 2023, VNDirect kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,7% so với cùng kỳ, cao hơn một chút so với mục tiêu của Chính phủ là 6,5%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,9% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,1% so với cùng kỳ và dịch vụ tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Lãi suất huy động có thể tăng 0,5% trong năm 2023
VNDirect cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do thanh khoản bị hạn chế trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh, cùng với việc tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022, khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi.
Dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ áp lực tỷ giá giảm cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất, lạm phát được kiểm soát dưới 4,5% và Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
VNDirect dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 0,5% trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trên 2% trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.
Dự trữ ngoại hối đạt 102 tỉ USD vào cuối năm 2023
Theo VNDirect, trong 10 tháng đầu năm 2022, NHNN đã bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá (khoảng 20%). Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tức là thấp hơn 3 tháng nhập khẩu.
Trong năm 2023, VNDirect kỳ vọng thặng dư thương mại đạt mức 12 tỉ USD, từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỉ USD trong năm 2022.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư ở mức 0,4% GDP vào năm 2023 từ mức thâm hụt dự kiến là 1,3% GDP trong năm 2022.
“Do đó, chúng tôi kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỉ USD vào cuối năm 2023 từ mức hiện tại là 89 tỷ USD”, VNDirect nhận định./.