Vinaconex, Viwasupco và dự án nước sạch sông Đà

VietTimes – Nói đến đường ống nước sông Đà nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Vinaconex. Vinaconex là chủ đầu tư, là công ty mẹ của Viwasupco – pháp nhân tiếp nhận, quản lý, vận hành và khai thác dự án nước sạch này. Nhưng hiện giờ, Viwasupco và dự án nước sạch sông Đà có phải là của riêng Vinaconex?
Mỗi lần đường ống nước sông Đà có vấn đề là hàng vạn hộ gia đình lại lao đao. (Ảnh: Internet)

Câu chuyện vỡ đường ống nước Sông Đà đang nóng trở lại. Khác với các lần trước đây, lần này đường ống nước sông Đà không bị vỡ. Lần gần nhất tuyến đường ống nhiều tai tiếng này xảy ra sự cố là vào ngày 04/10/2016: Sự cố rò rỉ tại km22+900, thuộc địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội.

7 cá nhân được cho là có liên đới trách nhiệm liên quan những sai phạm xảy ra dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà của Vinaconex - thời họ còn tại nhiệm - vừa bị khởi tố.

Theo đó, ngày 22/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với một số cá nhân từng là lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại doanh nghiệp này. Trong danh sách khởi tố có cả người từng là lãnh đạo cấp cao của thủ đô, ông Phí Thái Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex.

Dự án nước sạch sông Đà - Hà Nội do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2004, đến năm 2009 được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng.

Trong quá trình vận hành khai thác tuyến ống liên tục xảy sự cố. Chỉ trong 4 năm, từ tháng 02/2012 đến 10/2016, tuyến đường ống cung cấp nước sinh hoạt của toàn bộ cư dân vùng Tây Nam thủ đô này đã xảy ra tổng cộng 20 lần vỡ, rò rỉ. Mỗi lần như vậy, cuộc sống của hàng trăm nghìn con người lại bị ảnh hưởng. Bản thân doanh nghiệp khai thác cũng phải chi ra hàng chục tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục sự cố.

Được biết, doanh nghiệp đang trực tiếp vận hành, khai thác dự án trên là một công ty con của Vinaconex: CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco; Mã chứng khoán: VWC).

Ra đời

Viwasupco tiền thân là Ban Chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước Vinaconex được thành lập theo Quyết định số 0906 QĐ/VC-TCLĐ ngày 06/07/2006 của Hội đồng quản trị Vinaconex.

Ngày 21/03/2009, HĐQT Vinaconex ban hành Quyết định số 0182/2009/QĐ-HĐQT về việc thành lập Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Công ty chính thức làm lễ ra mắt vào ngày 6/5/2009, tại Nhà máy nước Sông Đà, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

“Dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội được khởi công xây dựng từ ngày 24/4/2004, là một dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô lớn và sản phẩm mang tính đặc thù phục vụ Xã hội. Đến nay dự án đã hoàn thành giai đoạn một, có khả năng cung cấp 300.000m3 nước sạch/ ngày đêm. Công ty Viwasupco được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành, khai thác và cung cấp nước sạch cho Thành phố Hà Nội và các đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn…được ổn định, thường xuyên nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dân Hà Nội. Việc thành lập một Công ty TNHH trực thuộc Tổng công ty để đảm nhận những nhiệm vụ trên là một phương án phù hợp với xu thế phát triển tất yếu, đảm bảo quyền tự chủ, sự tập trung linh hoạt trong suốt quá trình quản lý, vận hành dự án”, trích bản tin về buổi lễ ra mắt Viwasupco trên website vinaconex.com.vn.

Nửa năm sau, ngày 22/09/2009, HĐQT Vinaconex tiếp tục ban hành Quyết định số 0661/QĐ-HĐQT, chuyển đổi Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Vinaconex thành Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (chính là Viwasupco ngày nay).

Ngày 29/09/2009, Vinaconex và Viwasupco đã chính thức ký hợp đồng chuyển giao tài sản hình thành sau đầu tư giai đoạn 1 “Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông”.

Ngày 17/12/2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình chính thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đăng ký lần đầu cho Viwasupco, với mã số 5400310164, vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Theo Giấy đăng ký kinh doanh, ngành nghề hoạt động chính của Viwasupco là sản xuất đồ uống nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai; Khai thác, xử lý và cung cấp nước (sản xuất nước sạch); Hoạt động xây dựng chuyên dụng, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, bán buôn bán lẻ: nước sạch, máy móc thiết bị và vật tư ngành nước; Hoạt động kiểm tra và phân tích kỹ thuật thăm dò địa chất nguồn nước.

Năm 2009, Vinaconex đã ký hợp đồng chuyển giao Nhà máy nước sạch Vinaconex cho Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Vinaconex giới giá trị chuyển giao là 1.553,580 tỷ đồng. Vinaconex đã ghi nhận vào tài khoản Thu nhập khác phần chênh lệch giữa giá trị góp vốn, chuyển giao với giá trị quyết toán vốn đầu tư tài sản phát sinh do việc chuyển giao Nhà máy nước sạch Vinaconex với số tiền là 193,418 tỷ đồng.

“Giá trị hình thành tài sản đầu tư của các công trình trên đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập theo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 1000 “Kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành”, Vinaconex thông tin.

Cũng theo tài liệu, giá trị phần góp vốn của Vinaconex tại Viwasupco năm 2009 được xác định ở mức 500 tỷ đồng.

Mang tên Vinaconex nhưng Vinaconex không phải là chủ duy nhất của nhà máy nước này. (Ảnh: Internet)

Tái cấu trúc

Không lâu sau ngày nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đăng ký lần đầu, Viwasupco đã được tái cấu trúc. Vinaconex coi đây là gương thành công điển hình trong chiến lược tái cấu trúc của tổng công ty.

Một báo cáo của tổng công ty này cho hay, năm 2010, Vinaconex đã tái cấu trúc được 07 đơn vị, thu về hơn 605 tỷ đồng. “Đặc biệt việc tái cấu trúc thành công Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex đã mang về cho Tổng công ty 327 tỷ đồng lợi nhuận đồng thời tạo cho doanh nghiệp cổ phần có một hệ thống quản trị tiên tiến theo tiêu chuẩn nước ngoài”, báo cáo nhấn mạnh.

Bản chất của việc tái cấu trúc là Vinaconex đã chuyển nhượng một phần cổ phần Viwasupco cho một nhà đầu tư nước ngoài. Ở đây là Công ty Acuatico Pte Ltd – Singapore. “Công ty Acuatico Pte Ltd được thành lập và hoạt động theo pháp luật tại Singapore với nhiều năm kinh nghiệm và thế mạnh trong ngành nước”, theo như Vinaconex giới thiệu.

Hợp đồng đầu tư giữa hai bên chính thức được ký kết vào tháng 10/2010. Đến ngày 11/11/2010, giao dịch được hoàn tất, Vinaconex chính thức chuyển nhượng 21,8 triệu cổ phần Viwasupco (tương đương 4,6% vốn điều lệ) cho Acuatico Pte Ltd. Vì vẫn trong thời hạn 3 năm thành lập, nên Acuatico Pte Ltd cũng trở thành cổ đông sáng lập Viwasupco, như Vinaconex.

Vì “việc tái cấu trúc thành công Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex đã mang về cho Tổng công ty 327 tỷ đồng lợi nhuận” nên nhiều khả năng, Vinaconex đã nhượng lại 21,8 triệu cổ phần Viwasupco cho Acuatico Pte Ltd với giá 25.000 đồng/cổ phần.

Công văn số 03537/2010/TB-TCKH do Vinaconex gửi để các cổ đông lớn cho thấy, trước thương vụ với Acuatico Pte Ltd, Vinaconex đang sở hữu 47,3 triệu cổ phần Viwasupco (chiếm 94,6% vốn điều lệ). Sau chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu về còn 51%.

Ngoài Vinaconex và Acuatico Pte Ltd, cơ cấu sở hữu Viwasupco còn có các cái tên: CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch - Viwaco (0,2%); CTCP Tư vấn xây dựng Vinaconex (0,2%); Các nhà đầu tư khác (5%).

Như vậy, tại thời điểm cuối năm 2010, khi đường ống nước sông Đà đã hoàn thành và đưa vào khai thác, Viwasupco tuy vẫn mang tên “Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex” nhưng thực tế, Vinaconex không còn là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp này.

Lưu ý, chuỗi sự cố 20 lần vỡ, rò rỉ nước nghiêm trọng của đường ống nước sông Đà bắt đầu từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016.

Đổi chủ

Từng được Vinaconex kỳ vọng rất nhiều trong chiến lược tái cấu trúc Viwasupco nhưng Acuatico Pte Ltd đã không đi đến cuối con đường.

Ngày 25/04/2016, cổ đông nước ngoài Acuatico Pte Ltd đã bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ 43,6% cổ phần Viwasupco cho một đối tác Việt Nam, là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sinh Thái. Lúc này, câu chuyện về ống nước sông Đà đang khiến dư luận hết sức bức xúc.

Nên biết, khi được Vinaconex lựa chọn làm đối tác chiến lược, Acuatico Pte Ltd không chỉ nhận chuyển nhượng cổ phần của Viwasupco. “Công ty Acuatico Pte Ltd được thành lập và hoạt động theo pháp luật tại Singapore với nhiều năm kinh nghiệm và thế mạnh trong ngành nước. Tháng 10/2010, Công ty Acuatico Pte Ltd đã ký kết Hợp đồng đầu tư với Vinaconex để mua cổ phần của Vinaconex tại Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh Nước sạch (Viwaco) để tham gia quản lý, vận hành và khai thác Dự án cấp nước sông Đà”, trích báo cáo của Vinaconex.

Có nghĩa rằng, song song với việc đầu tư vào Viwasupco, Acuatico Pte Ltd còn đầu tư vào Viwaco. Viwaco tiền thân là CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch, ra đời theo văn bản số 4755/UB_KH&ĐT ngày 22/12/2004 của UBND TP Hà Nội về việc chấp thuận đề án thành lập công ty cổ phần để tiếp nhận và phân phối một phần nước sạch từ Dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Đà.

Thành lập ngày 17/3/2005, vốn điều lệ ban đầu của Viwaco là 40 tỷ đồng, có cổ đông sáng lập là: Vinaconex (51%); CTCP Nước sạch Hà Nội (30%); CTCP ống sợi thủy tinh Vinaconex (15%); Các thể nhân khác (4%).

Khi dự án đường sống nước sông Đà đi vào vận hành, thì từ ngày 01/04/2009, Viwaco đã chính thức tiếp nhận địa bàn kinh doanh nước sạch khu vực Tây Nam TP Hà Nội từ Công ty Nước sạch Hà Nội.

Cập nhật tại ngày 31/12/2016, Viwaco đã nâng vốn điều lệ lên thành 80 tỷ đồng và cơ cấu sở hữu cũng có nhiều thay đổi. Bên cạnh Vinaconex (51%), Công ty Nước sạch Hà Nội (23,7%), danh sách cổ đông lớn của Viwaco còn có sự xuất hiện của CTCP Đầu tư và Phát triển sinh thái (15,02%). Không loại trừ khả năng, phần vốn của CTCP Đầu tư và Phát triển sinh thái tại Viwaco cũng được chuyển nhượng từ Acuatico Pte Ltd – tương tự như câu chuyện ở Viwasupco.

Nên biết rằng, dù câu chuyện đường ống sông Đà có khiến dư luận nhiều lần bức xúc và nhiều người lao đao nhưng thực tế, Viwasupco và Viwaco vẫn “ăn nên làm ra” trông thấy…

Theo thông tin trên tờ Đầu tư Chứng khoán, năm 2016, Vinaconex đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho tổng công ty này được thoái vốn toàn bộ khỏi Viwasupco.

“Bên mua chưa được khẳng định chắc chắn, song theo nguồn tin từ Vinaconex, chính là cổ đông lớn thứ hai của Viwasupco -  CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái”, tờ báo viết./.