|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Kỷ lục vốn hóa
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa có thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán số 78/2018/GCNCP-VSD ngày 13/09/2018 và cấp mã chứng khoán cho Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – Mã CK: VGI).
Theo đó, Viettel Global đăng ký giao dịch cổ phiếu VGI trên thị trường Upcom tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và việc giao dịch cổ phiếu được thực hiện theo Quyết định của HNX.
Với số vốn điều lệ là 22.438 tỷ đồng, Viettel Global sẽ trở thành ứng cử viên phá vỡ "kỷ lục" về quy mô vốn của Công ty cổ phần Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – vốn điều lệ là 21.771 tỷ đồng, đã thiết lập trên sàn Upcom trước đó.
VSD cũng cho biết, bắt đầu từ ngày 14/09/2018, đơn vị này sẽ nhận lưu ký số cổ phiếu đăng ký trên.
Ngoài ra, với việc dự kiến phát hành riêng lẻ lô cổ phiếu có giá trị tới 8.000 tỷ đồng cho nhà đầu tư chiến lược là công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), “kỷ lục” này sẽ tiếp tục được Viettel Global phá sâu.
Đáng chú ý, quy mô vốn của Viettel Global liên tục được gia tăng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng là nhằm thực hiện một mục tiêu cũng tham vọng không kém của công ty này.
Trở thành “thương hiệu quốc tế” với quy mô 350 triệu dân
Được biết, Viettel Global được thành lập vào tháng 10/2006 phụ trách hoạt động mở rộng kinh doanh ra nước ngoài với mục tiêu tìm kiếm thị trường tiềm năng của công ty mẹ Viettel.
Với khoản đầu tư đầu tiên vào Campuchia cùng năm, Viettel Global đã thực hiện những bước đi đầu tiên để trở thành một “thương hiệu quốc tế”. Tới năm 2009, Viettel Global đã chính thức khai trương công ty mạng viễn thông tại Campuchia và thành lập một công ty trong lĩnh vực viễn thông khác tại Lào.
Kết quả kinh doanh khả quan ghi nhận tại các nhà mạng viễn thông do Viettel Global thành lập nên tại các nước láng giềng đã góp phần tạo động lực để công ty này tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư.
|
Mạng lưới các công ty con và công ty liên kết của Viettel Global tại thị trường quốc tế (Nguồn: Viettel Global)
|
Ngày 23/4/2015, Viettel Global đã đánh dấu bước ngoặt cho tham vọng phát triển khi Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ TN) đặt mục tiêu quy mô thị trường trong vòng 3 năm (2016 – 2018) đạt tới 350 triệu dân, tăng quy mô thị trường thêm 226 triệu dân so với năm 2014.
Để thực hiện tham vọng này, Viettel Global cần nhu cầu vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Và công ty này đã thực hiện nhờ phát hành riêng lẻ cho công ty mẹ Viettel.
ĐHĐCĐ TN của Viettel Global năm 2015 đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho công ty mẹ Viettel với tổng giá trị là 10.000 tỷ đồng, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 12.438 tỷ đồng lên mức 22.438 tỷ đồng.
Đợt chào bán này kết thúc ngày 31/3/2016, kết quả phát hành riêng lẻ không đạt như kế hoạch khi phần vốn tăng thêm thực tế chỉ đạt 2.000 tỷ đồng. Sau đó không lâu, ngày 26/4/2016, Viettel Global tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng nhờ phát hành riêng lẻ cho công ty mẹ Viettel.
Hoạt động tăng vốn vẫn chưa dừng lại ở đó, tới kỳ họp thường niên năm 2018, ĐHĐCĐ Viettel Global tiếp tục thông qua tờ trình phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho công ty mẹ Viettel, tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, vốn điều lệ dự kiến sau phát hành 30.438 tỷ đồng.
Đáng chú ý, số cổ phần phát hành thêm này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Trong quá trình tăng vốn liên tục, Viettel Global cũng đã tích cực triển khai mở rộng thị trường nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tính tới ngày 31/3/2018, hệ thống mạng lưới của Viettel Global bao gồm 10 công ty con (tại nhiều quốc gia như: Haiti, Đông Timor, Campuchia, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania, Tanzania; và 3 công ty liên kết tại Lào, Campuchia, Myanmar.
Quy mô tổng tài sản, tính tới hết Quý I/2018 đạt 51.687 tỷ đồng, giảm nhẹ 279 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Biến động tỷ giá "ăn mòn" lợi nhuận
Hoạt động mở rộng thị trường cũng khiến Viettel Global gặp nhiều thách thức hơn, trong đó có biến động tỷ giá khiến cho công ty này dù có doanh thu tốt vẫn chưa thể có lãi.
|
Kết quả kinh doanh của Viettel Global giảm sút rõ rệt kể từ năm 2015, trước ghi khi nhận khoản lỗ lên tới 3.427 tỷ đồng năm 2016.
Nguyên nhân về khoản lỗ “khủng” trong năm 2016 của tập đoàn này, phần lớn xuất phát từ việc Viettel Global tiến hành đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (tại các công ty con có dự án đầu tư nước ngoài) phát sinh trong năm 2016 là 3.065 tỷ đồng, trong đó, đã phân bổ vào chi phí tài chính tới 2.627 tỷ đồng.
Bước sang năm 2017, dù doanh thu tiếp tục có sự tăng trưởng tốt (đạt 19.023 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016) nhưng các khoản trích lập chi phí liên quan tới biến động tỷ giá (được phân bổ trong chi phí tài chính là 1.997 tỷ đồng) tiếp tục khiến Viettel Global ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 481 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2018 của Viettel Global bắt đầu cho thấy tín hiệu khởi sắc khi công ty ghi nhận lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 13,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ (Quý I/2017) âm tới 139 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, công ty ghi nhận khoản lỗ 107 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên một số thông tin trên truyền thông, ban lãnh đạo của Viettel Global tỏ ra tự tin với chiến lược kinh doanh đã đề ra khi cho biết các thị trường được đầu tư gần đây có quy mô lớn nhưng phải khoảng 3 năm sau khi đi vào hoạt động mới có lãi và tác động tích cực tới kết quả kinh doanh chung của Viettel Global./.