|
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam tháng 5/2015 |
Với một nước đi dứt khoát, Mỹ và Việt Nam đã khiến những mưu đồ độc chiếm Biển Đông trở nên xa vời và kẻ nuôi tham vọng bành trướng phải đau đầu.
Theo Reuteur, khi tổng thống Mỹ Barack Obama đánh dấu chuyến công du châu Á của mình với thông báo lịch sử dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, ông đã nhấn mạnh rằng việc này không nhằm vào Trung Quốc.
Reuteurs dẫn các nguồn tin quân sự và phân tích an ninh cho rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cơn đau đầu trong ngắn hạn và cả dài hạn do quan hệ bình thường hóa hoàn toàn giữa hai cựu thù một thời.
Trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ sở hữu các hệ thống radar và cảm biến tối tân, máy bay trinh sát và máy bay không người lái của Mỹ để giám sát tốt hơn và nhắm chính xác hơn các mục tiêu ở Biển Đông trong trường hợp nổ ra xung đột.
Về dài hạn, theo giới phân tích, động thái trên khiến Hà Nội trở thành một người chơi chủ chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á của ông Obama. Các tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ sẽ cạnh tranh với Nga giành thị phần mua sắm vũ khí béo bở của Việt Nam. Hải quân Mỹ từ lâu đã mong muốn sử dụng vịnh Cam Ranh, cảng tự nhiên tốt nhất ở Biển Đông, các nguồn tin quân sự cho biết.
Sau đó là viễn cảnh hợp tác chính trị và chia sẻ thông tin tình báo về diễn biến tình hình Biển Đông, cho dù Việt Nam luôn khẳng định sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, các nguồn tin ngoại giao phân tích với Reuteurs.
Theo giới phân tích, những động thái trên ăn khớp với mục tiêu của các nhà chiến lược quân sự Việt Nam, sẽ buộc bất cứ kẻ địch nào định tấn công Việt Nam sẽ phải trả giá đắt. Truyền thông quốc tế cho biết, Bắc Kinh theo dõi sát sao việc Việt Nam sắm các loại vũ khí hiện đại và triển khai ở Biển Đông. Nhà nghiên cứu Ruan Zongze, nguyên là một nhà ngoại giao nay làm việc tại Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Việc đó không thể không tác động đến vấn đề lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc”
Ông Zhang Baohui, chuyên gia an ninh ở Đại học Lingnan, Hongkong tin rằng Việt Nam sẽ dựa vào ngoại giao để giữ quan hệ ổn định với Bắc Kinh. Zhang kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục, bất chấp chuyến thăm của ông Obama. Theo chuyên gia Zhang, đó là “dạng thức phòng vệ ít tốn kém nhất”. Zhang cho rằng Việt Nam bắt tay với Mỹ để tăng cường chiến lược răn đe và “nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc, họ phải chơi lá bài Mỹ”, chuyên gia này suy diễn một cách chủ quan.
Trong khi đó, giới chức hải quân Mỹ cho biết họ rất mong muốn tăng số lượng chiến hạm ghé thăm Việt Nam. Việc này hoàn toàn tùy thuộc phía Việt Nam. Vào tháng 3/2016, Việt Nam đã chính thức khánh thành cảng quốc tế Cam Ranh và sẵn sàng đón hải quân nước ngoài. Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên được mời, theo báo chí Việt Nam. Giới chức quân sự Mỹ nói thỏa thuận dịch vụ là một lựa chọn dài hạn cho phép các chiến hạm Mỹ thường xuyên cập cảng Cam Ranh.
Theo các chuyên gia an ninh, thậm chí Mỹ chỉ cần một tăng một lượng nhỏ chiến hạm ghé thăm cũng sẽ làm phức tạp cho các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi hiện Bắc Kinh xây dựng trái phép và quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.