Việt Nam sắp mua vũ khí khiến Trung Quốc quan ngại

Thủ tướng Ấn Độ sẽ tới thăm Việt Nam vào đầu tháng 9 tới nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược. Giới quan sát dự báo, hai bên có thể ký thỏa thuận mua bán loại tên lửa Brahmos từng khiến quân đội Trung Quốc buộc phải bày tỏ lo ngại.
Tên lửa Brahmos của Ấn Độ
Tên lửa Brahmos của Ấn Độ

Theo báo chí Ấn Độ, ông Narendra Modi sẽ đặt chân đến Hà Nội vào đêm 2/9 và sẽ dành trọn ngày 3/9 để gặp gỡ các quan chức cấp cao của nước chủ nhà. Tiến sĩ Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á cho biết, quan hệ Việt - Ấn mang tính truyền thống và “không có bất cứ một trở ngại gì”.

Ông Bình nói thêm rằng Hà Nội và New Delhi hiện đang quyết tâm thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Ông nói: “Quân sự là một trong 7-8 lĩnh vực hợp tác chủ chốt mà hai bên đã cam kết trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, và được nhắc lại trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Ấn Độ trước đây. Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quân sự cũng là một trong các mặt mà hai nước cùng quan tâm. Ấn Độ cũng hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong chuyện gia tăng năng lực quốc phòng của Việt Nam”.

Vấn đề Biển Đông cũng là một nhân tố” thúc đẩy mối quan hệ bang giao giữa New Delhi và Hà Nội, và theo ông Bình, việc Ấn Độ điều chỉnh chính sách hướng đông sang hành động phía đông chứng tỏ rằng nước này quan tâm tới vấn đề biển Đông.

Nhiều hãng tin quốc tế từng đưa tin về khả năng Việt Nam có thể mua tên lửa hành trình BrahMos. Hiện chưa rõ thỏa thuận về loại tên lửa do Ấn Độ và Nga liên doanh sản xuất có được ký kết trong chuyến thăm của ông Modi hay không.

Trả lời VnExpress về việc Ấn Độ cân nhắc bán loại tên lửa này cho Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho biết “Việt Nam sẽ cân nhắc mua các loại vũ khí cần thiết, nhằm tăng cường khả năng tự vệ của mình. Trong khi đó, Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại như tàu chiến, tàu ngầm, máy bay, tên lửa, trong đó có BrahMos”.

Nhận định về việc Hà Nội mua vũ khí từ New Delhi, Tiến sĩ Ngô Xuân Bình nói: “Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ cũng là một trong những nội dung của quan hệ quốc phòng hai bên. Tôi cho rằng câu chuyện Ấn Độ bán vũ khí cho Việt Nam hay Việt Nam mua vũ khí của Ấn Độ là chuyện bình thường. Nếu vũ khí ấy, một là đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mà Việt Nam đặt ra trong vấn đề phòng thủ, và giá cả hợp lý thì người Việt Nam có thể mua...Trong tương lai, nếu Ấn Độ có các loại vũ khí hiện đại hơn, giá cả hợp lý hơn thì người Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục mua”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25/8 đã bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ nỗ lực hơn nữa để duy trì hòa bình và ổn định khu vực thay vì làm điều ngược lại, sau khi xuất hiện thông tin về việc New Delhi có kế hoạch triển khai tên lửa hành trình tối tân dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc.

Giới chức quân sự Ấn Độ cho biết, nước này dự tính trang bị cho các đơn vị đóng trên biên giới với Trung Quốc tên lửa BrahMos trong nỗ lực nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự ở vùng biên.

Chính quyền của ông Modi từng lệnh cho liên doanh BrahMos là đơn vị sản xuất tên lửa tối tân trên, tăng cường bán chúng sang 5 nước tiềm năng mà đứng đầu là Việt Nam.