|
Hãy chia sẻ, yêu thương nhau, sống tích cực và nếu "có thể" hãy duy trì nó sau khi cuộc chiến đã qua đi! |
Loại virus có tốc độ lây nhiễm chóng mặt này đã tấn công không khoan nhượng vào sự "ngạo mạn" của loài người, vô tình đã đánh thức dậy tính nhân văn, gợi lại bản chất bình đẳng mà tạo hóa ban tặng cho họ từ sâu thẳm.
Trên tất cả, giữ an toàn cho những người bên cạnh chính là cách họ đang bảo vệ mình và cùng đoàn kết lại để chiến đấu chống kẻ thù chung Covid-19. Ở Việt Nam, năm nay ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức theo kịch bản tối giản nhất nhưng không kém phần trang trọng. Thông điệp "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" của Cụ Hồ một lần nữa lại vang lên. Cùng với đó là sự đồng lòng của cả dân tộc. Đồng lòng “ở nhà là yêu nước”, “chống dịch như chống giặc”; Đồng lòng hướng về nguồn cội...
Từ những em học sinh quyên góp tiền lì xì tết, các bác sĩ về hưu tình nguyện tham gia chống dịch, cụ ông đạp xe cả quãng đường dài để đóng góp, đến giới trí thức, doanh nhân, nghệ sĩ, người dân… ủng hộ tinh thần, vật chất cho những người đang đứng ở tuyến đầu cuộc chiến. Tất cả những hình ảnh ấy đều là biểu hiện của tình thương, lòng bao dung, sự tử tế đang hiện diện, lan tỏa khắp mọi nơi.
|
"Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" của Cụ Hồ một lần nữa lại vang lên. Cùng với đó là sự đồng lòng của cả dân tộc. Đồng lòng “ở nhà là yêu nước”, “chống dịch như chống giặc”; Đồng lòng hướng về nguồn cội...
|
Thời gian này, theo gợi ý của một vài người bạn, tôi dành nhiều thời gian đọc sách hơn. Cầm trên tay cuốn "Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật", đọc được vài trang rồi đành gấp lại vì chợt thấy, Nghệ thuật nếu thiếu tình yêu thương và đứng ngoài cuộc sống thì cũng - chẳng - để - làm – gì cả.
Giới mỹ thuật từ trước đến nay luôn đồng hành cùng đất nước. Giai đoạn này cũng vậy. Không chỉ thực hiện minh họa cho thông điệp chống dịch trở nên dễ hiểu hơn, khắc họa chân dung những người hùng chống dịch gần gũi hơn, tái hiện chân thực những vấn đề hiện thực cuộc sống, bức xúc của dân tộc… họ còn vận dụng một cách hiệu quả thế mạnh của mình trong thời đại số. Đó là liên kết với truyền thông, báo chí để gửi gắm tình thương, góp phần thể hiện trách nhiệm xã hội.
Nhiều tác phẩm tâm huyết được cho đi vô điều kiện để đón về những giá trị vật chất với mục đích từ thiện. Nhiều tổ chức và cá nhân như Báo An ninh Thủ đô kết hợp Indochine Art, các nhà sưu tập, nhóm họa sĩ Viet Art Exchange cùng nhiều họa sĩ như Lương Xuân Đoàn, Phạm An Hải, Đặng Tiến, Tô Chiêm, Đào Hải Phong, Nguyễn Cường, Trịnh Tuân, Công Kim Hoa, Đặng Hữu, Lê Thế Anh,... đã thực hiện các cuộc đấu giá từ thiện trực tuyến đưa lại hiệu quả thiết thực, kịp thời ủng hộ tuyến đầu chống dịch.
|
Tác phẩm "Hùng Vương Dựng Nước" sáng tác của danh họa Lê Huy Hòa (1932-1997) thuộc thế hệ vàng của hội họa Việt Nam.
|
Mới đây nhất, Tác phẩm đạt giải thưởng Nhà nước năm 2012 "Bác Hồ - Trên những nẻo đường chiến dịch" sáng tác bởi họa sĩ Trần Hữu Chất (1933-2018), nằm trong bộ sưu tập "Tư liệu Đối chiếu" của Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn được đưa ra đấu giá từ thiện. Toàn bộ tiền đấu giá sẽ được các phóng viên VTC đang tác nghiệp trong tâm dịch trao tặng cho Bệnh viện Bạch Mai như một sự tri ân, động viên đội ngũ bác sĩ nơi đây vượt qua giai đoạn khó khăn.
Một số người hỏi liệu pháp nào để xử lý khủng hoảng, giảm đau cho xã hội, cho nền kinh tế Việt Nam không? Tôi yên tâm khi thấy rằng những người đứng đầu chính phủ với trái tim nóng và cái đầu lạnh cùng đội ngũ chuyên gia bên cạnh đang giải quyết công việc quốc gia một cách chuyên nghiệp.
Duy có một điều tôi muốn đề cập trong giai đoạn này, đó là nên coi tình thương như liều thuốc bổ trợ hữu hiệu. Hãy chia sẻ, yêu thương nhau, sống tích cực và nếu "có thể" hãy duy trì nó sau khi cuộc chiến đã qua đi! Bỗng nhớ đến cuốn sách "Việt Nam - Quốc gia của tình thương" của tác giả Hà Huy Thanh, tôi xin mạn phép được dùng để làm tiêu đề cho bài viết này.