Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây: Trở thành con nuôi của chúa Trịnh

Việc ông Karel Hartsinck, thương đoàn trưởng của tàu buôn Hà Lan Grol được chúa Trịnh nhận làm dưỡng tử (con nuôi) đã được ghi chép trong nhật ký hàng hải của tàu.
Quan lại miền Bắc thời phong kiến - Ảnh: T.L

Mồng 9 tháng năm: Chúng tôi dâng lên chúa một tờ sớ để nài cho được tự do buôn bán với dân gian; chúng tôi cũng tâu để chúa hay rằng chúng tôi sắp rời khỏi xứ này.

Chiều nay, vào quãng bốn giờ, chúng tôi được vào bệ kiến. Có nhiều lính mang khí giới. Chúng tôi đứng ở xa mà chào chúa ngự trong một hành lang (có lẽ là một gian điện, đằng trước có nhiều cột, ngai chúa đặt trong cùng điện). Chúng tôi được vời ngồi vào những chiếc chiếu trong một gian khác; ngồi đây thì không thể thấy long nhan được; chúng tôi được ban yến và dùng cơm. Có năm sáu người hòa nhạc cho chúng tôi nghe; một người nhào lộn và biểu diễn nhiều môn thể dục.

Bà Ouru-san (là người Nhật Bản) đi lăng xăng từ chỗ chúng tôi ngồi vào điện, rồi lại từ điện ra; sau cùng cũng dẫn được ông Hartsinck một mình vào triều kiến chúa Trịnh.

Sau khi đã làm lễ chào, ông được lệnh ngồi cách chúa mười ba bước, chúa ban khen ông đã đến đây; hỏi ông tính nết người Hòa Lan, quyền hành của quận vương xứ ta, của vua Tây Ban Nha; ông đối đáp tự nhiên làm chúa đẹp lòng. Sau chúa lại hỏi có phải thương hội ta đổi 150 hạt trai cho chúa Nguyễn để lấy Cù lao Chàm? Ông Hartsinck cải chính lời nói xằng ấy và bảo rằng người Bồ Đào Nha chỉ đặt điều nói bậy; vì hội đã đặt ra nhiều nguyên tắc và huấn lệnh, không bao giờ chúng tôi làm trái cả. Thương hội không muốn có thêm đất đai, chỉ lo mở mang việc buôn bán vào những chốn nhất định thôi.

Câu chuyện thành tự nhiên, thân mật, chúng tôi có lo đến chuyện thuyền buôn Hòa Lan và Bồ Đào Nha gặp nhau trên mặt sông trong xứ; nhưng chúa có nói không bao giờ chúa lại chịu để cho có cuộc tranh chiến ấy trong bờ cõi chúa; còn đánh nhau ngoài khơi thì tha hồ, chúa mặc không can dự. Ông Hartsinck rất cảm ơn chúa về lệ này và có xin chúa cho phép buôn bán tự do với dân chúng; chúa ưng thuận.

Sau cùng chúa có truyền cho ông Hartsinck rõ ràng sáu hôm nữa thì có thể bàn nhiều chuyện to tát; ý chúa muốn vời ông Hartsinck vào chầu để nhận ông làm dưỡng tử và để tiện thể định giá tơ cho chúng tôi mua.

Triều kiến xong thì chúng tôi lui ra, báo tin cho các ông cai bộ. Bây giờ mới biết chỗ dụng tâm của người Bồ Đào Nha làm cho chúa Trịnh nghi chúng tôi không phải là không công hiệu, vì không có lời sàm tấu, thì sao chỉ có một mình ông Hartsinck vào triều kiến thôi, vào chân tay không, không được mang khí giới; cũng vì có lời sàm tấu, nên bọn chúng tôi chờ mãi mới được vào trong triều.

Ngày 11 tháng năm: Viên thuyền chủ của chúng tôi biên thư lên nói rằng mua mọi thức cần dùng hằng ngày cho thuyền và các bạn khó khăn quá. Thế tử gửi cho chúng tôi một con bê và 12 lọ cau.

Chiếc Galiote Bồ Đào Nha bữa nay ra đến bể; chiếc mành và chiếc Nava ra đến trước chín ngày.

Ngày 15 tháng năm, các ông Hartsinck, Vincent Romeyn và Mathys ten Broecke vào chầu có bà Ouru-san theo làm thông ngôn. Đến nơi, chúng tôi làm lễ chào, đoạn người ta dắt chúng tôi vào một gian điện, điện này gần lăng tiên chúa và tổ mẫu của chúa. Chúng tôi lạy chào hai lăng ấy, giữa lúc ấy thì có 8, 9 mụ đàn bà mặc quần áo đến nhảy múa một lối riêng gần chỗ lăng. Họ múa xong, thì chúng tôi trở lại điện chúa. Nhưng chỉ một mình ông Hartsinck được vào bệ kiến thôi.

Chúa hỏi ông thỉnh cầu điều gì thì ông nói: “Những lệnh chúa đã truyền ra không được quan liêu tuân theo, nên xin chúa định cho một giá phải chăng để chúng tôi mua tơ, nhân thuyền chúng tôi chỉ đem có ít vốn đến thôi, chúng tôi mong chóng được về rồi chở bạc đầy thuyền đến mua tơ”.

Chúa hứa từ mai sẽ báo cho nhân dân được buôn bán tự do với người Hòa Lan.

Chúng tôi bái tạ chúa xong thì chúa nhận ông Hartsinck làm dưỡng tử; các quan cai bộ đặt cho ông tên là Heyng Thorgh (nghĩa là có độ lượng?). Chúa truyền ban cho ông Hartsinck một lá cờ để chuyến sau sang thì vào thăm các ông cai bộ được dễ dàng và ngược sông khỏi bị ngăn trở.

Chúng tôi xin phép tải ra ngoài 1, 2 thuyền gạo khi nào thương hội cần đến. Chúa trả lời rằng chúa không ngăn cấm.

Ngày 17 tháng năm: Chúa triệu chúng tôi vào. Đến trưa thì chúng tôi đi với bà Ouru-san vào phủ, có tải theo hai mươi hòm bạc.

Chiều đến, chúa ngự ra điện, ăn yến và xem các vũ nữ ăn mặc xinh đẹp múa. Chúng tôi lại xin chúa cho phép - như chúa đã hứa - vào nhà dân gian để mua tơ cũng như người Nhật Bản. Chúa lại trả lời với bà Ouru-san theo điệu cũ: “Chúa có cấm dân gian bán và có định giá tơ của dân và các quan cai bộ bán bao giờ đâu”. Chúa cho rằng người Hòa Lan ít kiên nhẫn, và còn nhiều thì giờ để mua tơ mà ngày nào dân cũng chở tơ mới quay được đến, chừng năm sáu hôm nữa số tơ đó sẽ nhiều vô số. Chúa cho rằng chúng tôi đáng lý ra phải vừa lòng rồi. Và chuyện tơ hãy xếp lại để bàn khi khác.

Mãi sau này chúng tôi mới biết rõ kết quả của những sự phỉnh phờ ấy - hễ không cho làm quan cai bộ trưởng vừa ý, thì chẳng mua bán gì được cả; họ đã có ý định bán tơ giá thật cao cho chúng tôi thì ắt chúng tôi phải mua cao; họ nói thẳng ý định ấy ra, ít nhiều lần cho chúng tôi biết.

Theo Thanh niên