Việt Nam “phủ quét” Biển Đông bằng phi đội máy bay không người lái

VietTimes -- Sự gia tăng căng thẳng trên biển Đông, tình hình an ninh trên biển trong thời gian gần đây đã khiến nhiệm vụ kiểm soát biển đảo Việt Nam trở lên vô cùng cấp thiết. Trong đó việc phát triển các máy bay Không người lái đóng vai trò quyết định để giải quyết hiệu quả sứ mệnh này.
Việt Nam “phủ quét” Biển Đông bằng phi đội máy bay không người lái

Sự phát triển nhanh chóng của các máy bay không người lái do ứng dựng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến liên quan đến sự phát triển của hệ thống tự điều khiển, điều hướng và dẫn đường, sự phát triển vượt bậc của công nghệ vi xử lý, các phương tiện viễn thông tiên tiến đã khiến các drone đóng vai trò then chốt trong mọi lĩnh vực quốc phòng an ninh và tiến hành các cuộc chiến tranh.

Hệ thống các máy bay không người lái được sử dụng rộng rãi trong việc thực hiện những hoạt động trên biển, hỗ trợ lực lượng hải quân bao gồm các lực lượng chiến hạm nổi và tàu ngầm, lực lượng hải quân đánh bộ và lực lượng Không quân Hải quân.

UAV bảo vệ an ninh biển đảo và tác chiến trên biển  

Những UAV là các phương tiện bay có kích thước nhỏ, khó nhận biết bằng mắt thường cũng như qua radars những có thể giải quyết một số lượng lớn những nhiệm vụ cần thiết phục vụ yêu cầu của lực lượng an ninh biển đảo và lực lượng Hải quân.

Trong thời bình:

- Thực hiện các hoạt động trinh sát thông tin liên lạc, vô tuyến điện tử, truyền hình, không ảnh, hồng ngoại và các hoạt động trinh sát kỹ thuật khác.

- Tiến hành các hoạt động tuần tra cảnh giới trên những khu vực định trước, phát hiện các mục tiêu, nhận dạng định danh và thực hiện các hoạt động theo dõi mục tiêu.

- Vận tải hàng hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị đặc chủng, đặc biệt quan trọng trong những trường hợp cần thiết khẩn cấp (cứu hộ, cứu nạn hoặc các trường hợp khác).

 - Ứng dụng trong các tình huống tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

- Hoạt động như một trạm chuyển tiếp thông tin liên lạc trong những trường hợp cần thiết cho lực lượng cứu hộ, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, lực lượng hải quân.

Trong chiến tranh:

- Thực hiện nhiệm vụ bí mật tuần tra canh gác, cảnh báo sớm, tìm kiếm, phát hiện mục tiêu, xác định mục tiêu và theo dõi, đeo bám mục tiêu.

- Chỉ thị mục tiêu cho các phương tiện hỏa lực trên không, trên biển và trên bờ biển. Trong những trường hợp cần thiết thực hiện nhiệm vụ chiếu xạ laser mục tiêu cho vũ khí chính xác hoặc điều khiển hỏa lực bom, tên lửa tự dẫn quang điện tử.

- Tiến hành các hoạt động trinh sát điện tử, trinh sát hồng ngoại, quang ảnh nhiệt, radar, vô tuyến.

- Tiến hành các hoạt động tác chiến điện tử, bao gồm cả chế áp điện tử các hệ thống trang thiết bị của đối phương.

- Ứng dụng trong các hoạt động chống ngầm, được sử dụng như các phương pháp truy tìm phụ trợ hoặc truyển tải thông tin.

- Tham gia vào các hoạt động rà phá thủy lôi. 

- Thực hiện nhiệm vụ trạm truyển tiếp thông tin liên lạc.

Ngoài ra, lực lượng hải quân các nước phát triển như Mỹ, Nga, Trung Quốc còn sử dụng các UAV tấn công chủ lực, mang theo vũ khí như các loại tên lửa không đối không, không đối hải nhằm mục đích bí mật, bất ngờ tấn công các mục tiêu trên không, trên biển và hải đảo của đối phương.

Máy bay không người lái chiến thuật của Belarus Grif - K

Các máy bay Không người lái có nhiều chủng loại khác nhau, có thể chia ra thành các UAV loại nhỏ, tầm cận gần, có độ cao hoạt động từ 200 – 300 m, tầm hoạt động đến 15 – 25 km, các UAV tầm gần có thể hoạt động trên độ cao hàng nghìn m, tầm hoạt động đến 100 km trong giới hạn truyền sóng radio và đài thu tín hiệu trực tiếp; các UAV tầm trung với độ cao hoạt động đến 6000 m, tầm xa hoạt động đến 500 km, ra ngoài giới hạn truyền sóng radio và tiếp nhận thông tin trực tiếp; các UAV tầm xa trên khoảng cách lớn hơn 500 km.

Các máy bay UAV được dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh, được điều khiển bay từ các trạm điều khiển phi công không người lái trên mặt đất, trên các chiến hạm.

Tùy theo khuôn khổ các nhiệm vụ trên biển khác nhau có những phương án sử dụng UAV khác nhau như: sử dụng đơn chiếc cho từng nhiệm vụ cụ thể, sử dụng hỗn hợp theo cụm máy bay không người lái và sử dụng theo hệ thống.

Phương pháp sử dụng đơn lẻ là sử dụng một phương tiện bay không người lái thực hiện 1 nhiệm vụ cụ thể như trạm kiểm soát biển sử dụng drone để tuần tra, kiểm soát một vùng biển cụ thể. Hoặc một hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng drone thực hiện nhiệm vụ trinh sát, phát hiện mục tiêu, xác định và nhận dạng mục tiêu, cung cấp tọa độ mục tiêu, dẫn bắn chiếu xạ laser mục tiêu và ghi lại kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Phương pháp sử dụng theo cụm là một nhóm đa chủng loại máy bay không người lái khác nhau được điều khiển từ một trung tâm duy nhất và thực hiện một nhóm nhiệm vụ trên một địa bàn cụ thể. Ví dụ như cụm máy bay không người lái kiểm soát vùng nước quần đảo Trường Sa có thể sẽ bao gồm cac máy bay UAV tầm xa cất cánh từ đất liền, các UAV tầm gần cất cánh từ các đảo then chốt hoặc các hạm tàu, UAV chuyển tiếp thông tin liên lạc và trung tâm điều khiển bay. Các drones tầm gần sẽ quan sát theo dõi các khu vực cụ thể chi tiết trên vùng nước khu vực trong một thời gian nhất định, các drones sẽ quan sát một khu vực rộng lớn hơn với thời gian dài hơn, thông tin từ các UAV tầm gần được đồng bộ hóa với UAV tầm trung, mã hóa và truyển tải thông qua UAV chuyển tiếp về Trung tâm điều hành tác chiến.

Cấu trúc một hệ thống trinh sát hỗn hợp các drones, vệ tinh và các phương tiện trinh sát, cảnh báo sớm và các phương tiện tấn công của Mỹ

Phương pháp sử dụng theo hệ thống là một nhóm UAV cùng hoặc khác chủng loại, nhưng tương thích với nhau trong một hệ điều hành được tự động hóa cao độ, thực hiện một nhiệm vụ cụ thể theo sự điều khiển của một phần mềm điều hành trí tuệ nhân tạo nhằm thực hiện một nhiệm vụ cụ thể như chỉ huy, kiểm soát, điều hành tác chiến trong một chiến dịch cụ thể, các UAV được phân cấp và có thể thay thế nhiệm vụ của nhau khi một chiếc trong nhóm gặp sự cố. Ví dụ như hệ thống tên lửa chống tàu tầm xa của Mỹ LRASM (Long Range Anti-Ship Missile) là hệ thống các tên lửa – máy bay không người lái có trí tuệ nhân tạo thực hiện nhiệm vụ tấn công các chiến hạm nổi tầm xa.

Hệ thống tên lửa - máy bay không người lái chống tàu LRASM

Việt Nam sẽ sử dụng máy bay không người lái thế nào?

Trước yêu cầu cấp thiết của công tác đảm bảo an ninh, chủ quyền biển đảo cũng như nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng không quân, hải quân và các đơn vị bảo vệ biển đảo. Việt Nam đứng trước một yêu cầu cấp thiết phải phát triển hệ thống UAVs các loại, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Để quản lý, kiểm soát và thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên biển, Việt Nam cần phát triển một hệ thống các loại UAV khác nhau, từ tầm cận gần, tầm gần tầm trung và tầm xa.

Hệ thống các UAV tầm cận gần là những máy bay không người lái phục vụ cho nhu cầu kiểm soát vùng nước xung quanh các đảo nổi đảo chìm trên quần đảo Trường Sa. Tại những đảo then chốt này, các máy bay không người lái loại nhỏ, tầm hoạt động đến 40 km, tải trọng hữu ích từ 10 kg đến 70 kg cho phép lực lượng bảo vệ đảo có thể giám sát vùng nước xung quanh đảo ngày đêm, kiểm soát tình hình và kịp thời thông báo những biến động của đảo. Đó có thể là các máy bay Orbiter 2 và Orbiter 3 của Israel.

Hệ thống các UAV tầm cận gần cũng có thể được trang bị cho các cụm tàu thuyền khai thác thủy hải sản trên các vùng nước xa bờ trong thời gian hoạt động dài ngày trên biển, hoặc những xuồng cao tốc tuần biển của lực lượng biên phòng và cảnh sát biển. Những UAV này thông thường là những máy bay cánh quạt, hoặc các UAV hạng nhẹ được phóng bằng tay và thu lại bằng lưới. Với các UAV hạng nhẹ này, người sử dụng  trên biển có thể quan sát vùng nước xung quanh khu vực hoạt động, tìm kiếm cứu hộ hoặc sử dụng như đèn tín hiệu trong trường hợp hỗ trợ khẩn cấp.

Một chiếc drone cánh quạt đang hoạt động ven bờ biển

Hệ thống các UAV tầm gần, nhóm các UAV có thể được trang bị cho các đảo có diện tích lớn hơn, các tàu tuần biển, tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư. Những UAV này sẽ hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trên biển lớn thực hiển nhiệm vụ kiểm soát một không gian biển rộng lớn, nhanh chóng phát hiện và tiếp cận kịp thời các khu vực nóng, các tình huống khẩn cấp và cứu hộ cứu nạn. Ví dụ như VT Patrol của Tập đoàn Viettel.

Ngoài ra các UAV tầm trung còn có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu, kiểm soát và cảnh báo sớm các nguy cơ đe dọa an ninh biển đảo và truyền tải thông tin thời gian thực nhanh chóng, kịp thời về các Trung tâm chỉ huy, điều hành các hoạt động bảo vệ an ninh và quốc phòng trên biển.

Thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm soát, quản lý và điều hành các hoạt động bảo vệ an ninh, quốc phòng và cứu hộ cứu nạn trên biển Đông là các UAV tầm trung và tầm xa, như nguyên mẫu HS-6L của Viện Khoa học và Công Nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an hoặc máy bay không người lái chiến thuật Grif-K của Belarus.

Những máy bay không người lái tầm xa có giờ bay lớn đến 35 giờ, tầm bay xa đến 4000 km cho phép các cơ quan chức năng, các Trung tâm quản lý, kiểm soát và điều hành tác chiến có thể kiểm soát hoàn toàn khu vực quần đảo Trường Sa, các vùng nước EZZ và lãnh hải của Việt Nam. Các máy bay tầm xa này sẽ ngày đêm theo dõi vùng nước chủ quyền, phối kết hợp với các nhóm UAV tầm cận gần, tầm gần kịp thời xác định chính xác khu vực có những sự cố cần thiết phải tiến hành những biện pháp ứng phó khẩn cấp (nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền lãnh thổ, nguy cơ xung đột, cứu hộ cứu nạn…).

Mỹ tuyên bố sẽ sử dụng máy bay không người lái kiểm soát các đảo nhân tạo của Trung Quốc

Hiện nay, trong biên chế của lực lượng Không quân và Hải quân Việt Nam có nhiều loại vũ khí chống tàu hiện đại như tên lửa chống tàu P-5  Shaddock, P-15 Termit, P-800 Yakhont cho các tổ hợp tên lửa bờ biển, P-15 Termit, Kh-35 Ural – E, 3M-54E1 Club-S phòng từ các chiến hạm và tàu ngầm lớp Kilo, Kh – 31 A/P, Kh-59 M, Kh – 29, Kh – 25 chống hạm phòng từ máy bay chiến đấu Sukhoi, Tất cả các loại tên lửa này có tầm bắn khác nhau, nhưng đại đa số đều nằm trong khoảng cách đến 300 km, riêng tổ hợp tên lửa P-5 có tầm bắn đến 500 km.

Với các loại vũ khí tầm xa này, do hệ thống dẫn đường quán tính, định vị vệ tinh và có các đầu dẫn chủ động khác nhau bằng radar, quang điện tử, laser bán chủ động. Điều kiện quan trọng nhất là phát hiện, xác định được các mục tiêu chiến hạm của đối phương, ghi lại hình ảnh, tọa độ và hướng di chuyển để có phương án kịp thời. Các máy bay không người lái tầm xa như HS – 6L  có thể thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời có thể theo dõi mục tiêu và ghi lại trực tiếp kết quả đòn tấn công.

Đặc biệt hơn, trên các chiến hạm như Gepard 3.9, khinh hạm tên lửa tấn công nhanh cũng có thể được biên chế các UAV tầm gần đến 100 km. Với những drones tầm gần, các chiến hạm Việt Nam có thể kiểm soát một không gian biển rộng lớn trong tầm hỏa lực của tàu, quan sát và quản lý, theo dõi mục tiêu bằng hình ảnh thực. Trong điều kiện chiến đấu, đây là một lợi thế rất lớn trong nhiệm vụ bảo vệ các đảo trên quần đảo Trường Sa, đặc biệt trong các nhiệm vụ chống đổ bộ đường biển.

Ngoài nhiệm vụ cảnh giới, quan sát, chỉ thị mục tiêu. Các máy bay không người lái có thể chiếu xạ laser mục tiêu hỗ trợ cùng các máy bay chiến đấu như Su -27, Su – 22M3/4 mang tên lửa Kh -29, Kh-25 nhằm tấn công chính xác trong điều kiện không có máy bay tác chiến yểm trợ chiếu xạ mục tiêu laser.

Ngoài ra, các UAVs còn thực hiện nhiệm vụ đài truyền tải thông tin liên lạc trong điều kiện phức tạp của chiến trường giữa quần đảo Trường Sa, các chiến hạm đang hoạt động trên vùng nước xa và các sở chỉ huy, điều hành tác chiến trên đất liền.

Những tình huống hiện nay đòi hỏi nền công nghiệp quốc phòng và dân sự cần đẩy mạnh tiến trình nghiên cứu và phát triển các loại máy bay không người lái lưỡng dụng khác nhau. Những UVA trong tương lai gần sẽ đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp quốc phòng – an ninh biển đảo của đất nước.

TTB