Ngày 19-2, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước thông tin của một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh như vậy.
“Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó” - ông Lê Hải Bình phát biểu.
Ngày 19/02/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Cùng ngày, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc cũng đã có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên.
Reuters cho biết, nhân cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands (California, Mỹ), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Mỹ có những "hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn » nhằm chống lại việc quân sự hóa và « xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn" tại Biển Đông.
Úc và New Zealand hôm nay 19/2 đã kêu gọi Trung Quốc kềm chế về Biển Đông, thượng nghị sĩ đảng Lao Động đối lập và cũng là người đặc trách về hồ sơ an ninh quốc phòng, Stephen Conroy tuyên bố, luật pháp quốc tế cho phép Canberra tự do đi lại bên trong vùng 12 hải lý của tất cả những nơi đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Theo quan điểm của thượng nghị sĩ Conroy, «Cho đến thời điểm này, các vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền chưa thuộc về bất kỳ một ai, cho nên tất cả mọi người đều được quyền tự do lưu thông một cách hòa bình ở bên trong vùng 12 hải lý. Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đứng ngoài hệ thống luật pháp quốc tế. Đã đến lúc nước Úc cần chứng minh là không để Trung Quốc đe dọa quyền tự do lưu thông trên biển của mình». Thượng nghị sĩ Stephen Conroy đòi mở các cuộc tập trận trên biển gần các khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Kêu gọi trên của ông Conroy được đưa ra đúng vào lúc thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tiếp đồng nhiệm New Zealand John Key tại Sydney để thảo luận về một loạt các hợp tác song phương, trong đó có hồ sơ an ninh khu vực. Canberra và Wellington cùng kêu gọi các bên kềm chế, không tiến hành các công trình xây dựng và tránh các hoạt động quân sự hóa Biển Đông nhằm giảm bớt căng thẳng trong vùng, bởi vì những căng thẳng đó đe dọa trực tiếp đến hòa bình và thịnh vượng của cả khu vực.
Thủ tướng Úc vào tháng 4/2016 sẽ công du Trung Quốc. Về phần thủ tướng New Zealand tuyên bố vì lợi ích chung, Canberra và Wellington sẵn sàng giúp các bên giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình và hợp pháp.
T.N