Theo đó, trên báo Quân đội Nhân dân ngày 20.10, Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân trong bài viết “Xây dựng lực lượng phòng không-không quân hiện đại, bảo vệ vững chắc bầu trời” đã cho biết: “những năm qua, quân chủng đã tích cực triển khai nhiều dự án nhằm cải tiến, nâng cao tuổi thọ và tính năng của các loại vũ khí thiết bị kỹ thuật; đồng thời, từng bước đầu tư mua sắm các loại vũ khí thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại như tổ hợp radar cảnh giới ELM-2288/ER, đài radar cảnh giới 36D6, radar thụ động Kolchuga; tên lửa SPYDER, S-300PMU1, S-125-2TM; máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2, Casa-295; hệ thống quản lý tình báo tự động VQ 98-01, VQ-1M, VQ-2...; phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội nghiên cứu, sản xuất radar RV-D1, VRS-S, VRS-W...”.
Tướng Vịnh không nêu rõ chi tiết kỹ thuật của tên lửa Spyder, và TSAMTO cho rằng Spyder nhằm thay thế hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Strela-10 (hay S-75M) đã cũ của Việt Nam, do Liên Xô sản xuất.
Hồi đầu năm 2014, có tin cho hay Việt Nam xem xét đánh giá thử nghiệm của hệ thống phòng không tầm gần của Nga, Pantsir-S1 (tên lửa kết hợp pháo phòng không). TSAMTO cho rằng các cuộc thử nghiệm diễn ra trong khuôn khổ của cuộc đấu thầu, và Việt Nam đã quyết định chọn hệ thống Spyder của Israel.
Dàn phóng tên lửa Spyder của Singapore - Ảnh: bmpd |
Dàn phóng tên lửa Spyder của Ấn Độ - Ảnh: indiandefencereview |
Dàn phóng tên lửa Spyder gồm 4 tên lửa với 2 loạitên lửa tầm trung Derby dẫn bắn bằng radar và tên lửa tầm ngắn Python-5 bắn bằng hệ thống dò tìm hồng ngoại |
Hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Spyder-SR do tập đoàn Rafael và Israel Aerospace Industries (IAI) của Israel sản xuất. Spyder là viết tắt của cụm từ Tổ hợp phòng không dùng tên lửa Python và Derby.
Đây là tổ hợp phòng không di động, hoạt động trong mọi thời tiết, dùng phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên không ở khoảng cách rất gần, bao gồm máy bay, trực thăng, UAV, tên lửa hành trình và các vũ khí dẫn đường chính xác khác.
Tầm bắn của tên lửa hệ thống này là 15 km, bắn hạ mục tiêu ở độ cao từ 20 m đến 9 km. Tên lửa được đặt trong dàn phóng gồm 4 ống phóng, đặt trên xe tải chuyên dụng loại 6 bánh chủ động. Tên lửa của hệ thống này gồm 2 loại, tên lửa tầm trung Derby dẫn bắn bằng radar và tên lửa tầm ngắn Python-5 bắn bằng hệ thống dò tìm hồng ngoại.
Từ trái sang: Tên lửa tầm ngắn Python 5 và tên lửa tầm trung Derby phóng từ hệ thống Spyder của Không quân Ấn Đô - Ảnh:globalmilitaryreview |
Một đơn vị Spyder gồm 1 xe chỉ huy, và 4 - 6 xe dàn phóng (4 tên lửa/dàn), thiết bị quan sát quang điện TOPLITE và xe radar ba chiều EL/M-2106 ATAR. Hệ thống Spyder-SR có thể theo dõi cùng lúc tới 60 mục tiêu trong phạm vi 35 km.
Hồi năm 2006, Không quân Ấn Độ đã quyết định trang bị Spyder thay thế hệ thống Strela-10M đã cũ, giá bán 1 hệ thống Spyder khi đó vào khoảng 250 triệu USD.
Tại Đông Nam Á, có Singapore và Philippines trang bị hệ thống tên lửa Spyder.
Mời bạn xem clip của kênh Discovery (Mỹ) về hoạt động của tên lửa phòng không tầm gần Spyder:
Theo Thanh Niên