Việt Nam “lọt” top 15 thế giới về số người hút thuốc lá do thuế rất thấp

Việt Nam có khoảng 16 triệu người hút thuốc lá và đang ở top 15 nước có số người hút thuốc nhiều nhất trên thế giới.

Giá thuốc lá quá rẻ

Công bố mới nhất của Viện Chiến lược và chính sách y tế cho thấy hút thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật với hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh do thuốc lá như ung thư, phổi, và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp lẫn hút thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động.

Nguyên nhân chính của số người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam rất cao là do giá thuốc lá quá thấp.

Kết quả điều tra do Trường Đại học Y tế công cộng và Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam tiến hành mới đây tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều loại chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Giá quá rẻ nên người có thu nhập thấp, kể cả trẻ em, đều dễ dàng sử dụng thuốc lá.

Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ nhất so với các nước, đứng thứ 15, gần thấp nhất trong 19 nước Tây Thái Bình Dương, do những bất cập như mức thuế thấp, hệ thống thuế theo tỷ lệ thuần túy nhiều hạn chế và mức tăng thuế chậm.

Cần tăng thuế thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ người dân

WHO phân tích dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam: Từ năm 2010 đến 2022, thu nhập đầu người tăng 203% (từ 31,5 lên 95,6 triệu VNĐ) trong khi giá thuốc lá (nhãn hiệu phổ biến nhất, Vinataba) chỉ tăng 56% (từ 14.000 lên 21.900 VNĐ/bao). Đặc biệt trong những năm gần đây, thu nhập của người Việt Nam tăng nhanh hơn rất nhiều so với mức tăng giá bán thuốc lá.

Việt Nam hiện thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Chính sách thuế thuốc lá chưa phù hợp

Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỷ lệ là 75% giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế TTĐB và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38.8%, bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78.6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62.3%).

Trong khi, theo khuyến cáo của World Bank và WHO, tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% trở lên mới có tác động làm giảm tiêu dùng.

Những năm qua, Việt Nam có 3 lần điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá, nhưng mức tăng thuế suất thấp (5% - 10%/lần tăng), không đáng kể.

Vì thế, WHO khuyến cáo: Thuế TTĐB cần phải tăng đủ lớn và tăng thường xuyên để có được tác động hiệu quả đối với giảm tiêu dùng. Bổ sung thuế tuyệt đối và chuyển đổi sang phương thức áp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá là hết sức cần thiết nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Phương pháp tính thuế thuốc lá của Việt Nam là theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá bán ra của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. Phương pháp này có nhiều nhược điểm: Làm tăng khoảng cách về giá giữa các dòng thuốc lá, vì loại rẻ sẽ đóng thuế thấp hơn hẳn các loại đắt tiền, khiến người dùng dễ dàng chuyển sang các loại rẻ khi thuế tăng, thay vì bỏ thuốc lá. Do đó, mục đích của việc tăng thuế để giảm tỷ lệ hút thuốc không hiệu quả.

Nhược điểm thứ 2 là tạo điều kiện cho các loại thuốc lá giá rẻ (vì giá thấp thì mức thuế thấp), làm tăng khả năng sử dụng thuốc lá của thanh, thiếu niên và người nghèo, đồng thời, tạo kẽ hở cho việc chuyển giá của nhà sản xuất, giảm nghĩa vụ đóng thuế.

Các nhà sản xuất thuốc lá có thể bán thuốc lá cho các nhà phân phối với giá thấp, để tính nghĩa vụ thuế, nhưng sau đó, các nhà phân phối sẽ đặt giá cao và chia sẻ lợi nhuận thêm với nhà sản xuất. Điều này gây thất thoát nguồn thu ngân sách từ thuế thuốc lá, mà cũng không ngăn được số người dùng thuốc lá.

Theo WHO, có 168 quốc gia và vùng lãnh thổ áp thuế TTĐB đối với thuốc lá. Tại Đông Nam Á, đa số các nước áp thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp, chỉ có Việt Nam và Campuchia áp thuế theo tỷ lệ.

Lực lượng chức năng bắt giữ thuốc lá lậu

Tăng thuế thuốc lá để giảm bệnh tật, tăng nguồn thu

World Bank và WHO đều khuyến cáo chính sách giá và thuế là giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát thuốc lá, có vai trò quyết định tới 50% trong việc giúp giảm hút thuốc.

Theo WHO, khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.

Báo cáo của World Bank về tác động của tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam cho thấy khi giá thuốc lá tăng, người nghèo sẽ được hưởng lợi, vì góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng hóa do chi phí y tế bởi thuốc lá. Nhà nước có thêm nguồn thu thuế để đầu tư vào các chương trình xã hội và y tế.

Thực tế ở Philippines, sau cải cách thuế thuốc lá, đã giảm được 30% tỷ lệ hút thuốc và tăng thu thuế hơn 400%.

Việt Nam xem xét cải cách thuế thuốc lá

Các tổ chức quốc tế về sức khoẻ đánh giá cao Việt Nam khi Quốc hội đang xem xét cải cách thuế thuốc lá.

Chính phủ đề xuất hai phương án tăng thuế đều áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp do WHO khuyến nghị. Cả hai phương án đều áp dụng mức thuế theo giá trị 75% và một mức thuế tuyệt đối là sẽ tăng lên 10.000 đồng trong giai đoạn từ 2026 đến 2030. Phương án 2 (tốt hơn trong hai phương án về kết quả sức khỏe), sẽ tăng 5.000 đồng vào năm 2026 rồi tăng dần lên 10.000 đồng vào năm 2030. Cách này sẽ tác động tức thời mạnh hơn để người hút thuốc bỏ thuốc lá, và tạo ra doanh thu tức thời cao hơn ngân sách.

Một phương án quan trọng nữa cũng được WHO thúc đẩy, nhằm giúp Việt Nam giảm mạnh tỷ lệ hút thuốc đến năm 2030, là bổ sung mức thuế 5.000 đồng vào năm 2026, tăng dần lên mức thuế cao hơn vào 2030, giúp đẩy nhanh việc giảm hút thuốc, đồng thời, tạo ra doanh thu cho ​​phúc lợi và y tế.

Định hướng tăng thuế thuốc lá nhằm giảm tiêu dùng thuốc lá đã được chỉ đạo trong Nghị quyết Trung ương khóa XII: “Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng” và trong Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội, Quyết định của Chính phủ ngày 23/4/2022 về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030…