Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét kiến nghị của Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar (Vietstar Air), giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 495/TTg-CN ngày 7/4/2017, và số 309/TB-VPCP ngày 18/7/2017.
Như vậy, sau khoảng 1 năm chờ đợi, Vietstar Air (nhà đầu tư đã thay thế cho CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt – Vietstar Airlines, trong việc chạy đua giành giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không) đã nhận được những tín hiệu mới chính thức từ phía Chính phủ.
Được biết, trong văn bản số 495 nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xem xét việc cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar sau khi hoàn thành phê duyệt việc xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ phần nào căn cứ vào tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như việc chưa “chốt” được các phương án mở rộng phù hợp trong năm 2017.
Để thích nghi với tình trạng đó, nhà đầu tư Vietstar Air đã đưa ra kế hoạch bay mới phù hợp hơn. Theo đó, hãng hàng không Vietstar Airlines (do Vietstar Air sở hữu) sẽ giảm số lượng máy bay từ 23 chiếc đến năm 2021 xuống chỉ còn 10 chiếc. Trong giai đoạn 2017 – 2020, hãng này sẽ chỉ có 5 chiếc đậu tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Để lý giải tính hợp lý của kế hoạch này, chủ đầu tư cho biết đang sở hữu 2 hãng bảo dưỡng máy bay với sức chứa 5 chiếc tại sân bay Tân Sơn Nhất, thuộc sở hữu của một đơn vị cùng tập đoàn. Do đó, cả 5 máy bay của hãng đậu qua đêm vào thời điểm sân bay thiếu vị trí đỗ, nhường sân đỗ cho các hãng hàng không khác.
Nhưng căn cứ các diễn biến thực tế, chủ đầu tư Vietstar Air nhiều khả năng sẽ vẫn phải chờ đợi cho đến khi sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng.
Trong một diễn biến có liên quan, vào cuối tháng 9/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030.
Theo đó, nhà ga T3, sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ trên khu vực phía nam mà Bộ Quốc phòng giao đất sẽ được ưu tiên triển khai ngay. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp thuận lợi nhất là Chính phủ chấp nhận giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư (thay vì theo hình thức PPP), công trình Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất cũng chỉ có thể hoàn thành vào năm 2022.
Như vậy, quãng thời gian chờ đợi của chủ đầu tư Vietstar Air sẽ có thể còn kéo dài thêm nữa để những chiếc máy bay mang thương hiệu Vietstar Airlines được cất cánh./.