|
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam hồi cuối tháng 5/2016 |
Theo National Interest, dựa trên phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế The Hague về vấn đề xung đột lãnh thổ trên biển Đông giữa Philipines và Trung Quốc từ năm 2013, câu hỏi được đặt ra là liệu Mỹ và các nước đồng minh có thể duy trì hòa bình trong bối cảnh căng thẳng leo thang, bắt nguồn từ những hành động ngang ngược của Trung Quốc hay không?
Mặc dù phán quyết này có thể sẽ thiết lập một tiền lệ về việc thi hành luật pháp quốc tế một cách nghiêm ngặt, nhưng rốt cuộc nó cũng sẽ không mang tính ràng buộc do tòa án thiếu sức mạnh để cưỡng chế thực thi những quyết định của mình. Bắc Kinh đã không ngần ngại đe dọa trừng phạt khi chỉ trích các động thái “đơn phương” của Philippines và đã xoay xở để dụ dỗ được 40 quốc gia ủng hộ trong nỗ lực nhằm ngăn chặn Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thảo luận sâu hơn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Hơn nữa, một số nước ASEAN khẳng định rằng không có yêu sách lãnh thổ trên biển Đông và đã phá vỡ hàng ngũ và được cho là đã ký một tuyên bố đồng thuận không để những tranh chấp này ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc.
Trong mọi trường hợp, Trung Quốc khăng khăng một mực bác bỏ mọi phán quyết của tòa án. Bắc Kinh ngoan cố cho rằng các phán quyết của Tòa Trọng tài là “không có căn cứ và không hợp lý” và các quyết định này sẽ không ảnh hưởng đến cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông,”. Hơn thế, Trung Quốc còn tố ngược, cáo buộc “hành động chiếm đóng bất hợp pháp của Philippines đối với các đảo và bãi đá ngầm của Trung Quốc tại vùng biển này”.
Lời kết tội của Trung Quốc dựa trên “những câu chuyện lịch sử về “sự sỉ nhục quốc gia”. Trung Quốc tin rằng đó chính là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc phương Tây cũng như các tổ chức toàn cầu, và thiết chế luật pháp quốc tế chỉ là một cơ chế nhằm duy trì cán cân quyền lực thiên lệch.
Trung quốc cho rằng trên thực tế, phán quyết của Tòa Trọng tài chống lại Trung Quốc là “bằng chứng” cho việc phương Tây đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc. Ngay sau khi tòa án ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò”, Trung Quốc dự kiến sẽ tuyên bố thiết lập một khu nhận diện phòng không trong khu vực tranh chấp với Philippines nhằm bảo vệ lợi ích của mình, như đã thực hiện trên biển Hoa Đông vào năm 2013. Các quan chức Mỹ quan ngại và nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc lập một khu nhận diện phòng không là hành động khiêu khích và gây mất ổn định an ninh trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành một nhân tố then chốt trong nỗ lực do Mỹ lãnh đạo nhằm ngăn ngừa các tranh chấp leo thang ở Biển Đông. Nhờ có những vị trí chiến lược nằm dọc bờ biển Việt Nam, đặc biệt là Vịnh Cam Ranh hay Đà Nẵng, có thể đóng vai trò quyết định trong việc cho phép chiến hạm Mỹ tiếp cận biển Đông – nơi Trung Quốc tìm cách khẳng định yêu sách (ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế) của mình thông qua các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam có thể công bố lập một khu vực nhận diện phòng không trên quần đảo Hoàng Sa, nhưng để ngăn chặn một cách hiệu quả việc Bắc Kinh lập một khu nhân diện phòng không, Việt Nam cần phải thể hiện được quyết tâm của mình, National Interest đánh giá.
Trên thực tế, việc Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác trong những năm gần đây có thể cho thấy Việt Nam đang thể hiện điều này. Quan trọng nhất, thực tế cho thấy Mỹ coi Việt Nam là trụ cột trong chiến lược ở Biển Đông của mình. Ví dụ điển hình như hoạt động giao lưu Hải quân song phương được tổ chức hàng năm, và việc Bộ Quốc phòng Việt Nam gửi sĩ quan sang đào tạo tại các trường quân sự Mỹ. Điều này đã thúc đẩy sự hợp tác và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước cựu thù. Hơn nữa, việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam của Mỹ, tất cả các dấu hiệu đều hướng tới mở rộng mối quan hệ mới mẻ giữa hai nước.
Tuy nhiên, vấn đề mới nảy sinh trong khối ASEAN gây ra những rạn nứt có thể làm suy yếu tinh thần quyết tâm và sự đoàn kết nội khối. Một biểu hiện về sự suy yếu của ASEAN đã được nhận thấy vào ngày 14/6 vừa qua, khi các thành viên ASEAN chính thức bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng leo thang tại Biển Đông trong một tuyên bố chung được đưa ra trong một cuộc họp đặc biệt diễn ra tại Côn Minh.
Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị rút lại ngay sau đó, có thể do chịu sức ép từ phía Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Malaysia chỉ đưa ra một lời giải thích hết sức đơn giản, rằng “ chúng tôi phải rút lại bản tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN mà giới truyền thông đã được cung cấp… do có những sửa đổi khẩn cấp cần phải thực hiện”.
Hành động đáng xấu hổ này cho thấy dưới sức ép từ phía Trung Quốc, những mảnh vỡ đầu tiên xuất phát từ những rạn nứt đang đe dọa đến tính hiệu quả của ASEAN – tổ chức có thể giúp kiềm chế Trung Quốc. Tổng thống mới đắc cử Philippines, Rodrigo Duterte có khả năng sẽ thay đổi chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm đối với việc tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, xoay trục khỏi Nhật Bản và Mỹ. Ông Duterte ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, ông bày tỏ hoài nghi đối với sự hữu ích về phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài, cũng như quay lại các vấn đề liên quan chủ quyền trong việc trao đổi các thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Duerte sẽ rơi thẳng vào tay Trung Quốc, bởi lẽ nước này cần phải đoàn kết với các bên tranh chấp khác như Việt Nam và Malaysia mới có thể đẩy lùi các hành động đơn phương của Trung Quốc. National Interest lo ngại với chính sách về Trung Quốc của ông Duerte, tiềm năng của một mặt trận ngoại giao mạnh mẽ sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng.
Trong khi đó, National Interest đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia ngày cũng đang đứng trước thách thức. Trong cuộc bầu cử vào năm 2018 tới, Sam Rainsy và đảng cứu nguy dân tộc của ông ta chắc chắn sẽ lại dùng lá bài tâm lý chống Việt Nam để kích động thù hận. Một Campuchia dưới thời Sam Rainsy có thể sử dụng các tranh chấp biên giới như một phương thức đánh lạc hướng Hà Nội khỏi vấn đề Biển Đông. Nếu nguy cơ này xảy ra, Việt Nam có thể bị lôi kéo vào xung đột ở hai mặt trận. Từ đó, khả năng góp phần vào chiến lược của Mỹ tại Thái Bình Dương cũng bị giảm bớt.
Như vậy, vấn đề Biển Đông cần phải được tổng thống Mỹ sắp tới bảo vệ thậm chí với lực lượng quân sự hùng hậu hơn. Chính quyền Mỹ khóa tới không được dao động và nên tái khẳng định sự ủng hộ đối với Việt Nam trong trường hợp có xung đột, cũng như thúc đẩy duy trì vị thế thích đáng của ASEAN như một diễn đàn thảo luận về các vấn đề Biển Đông với Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác. Nếu không, chiến lược “xoay trục châu Á” mà Mỹ hằng ca tụng nguy cơ sẽ chìm xuồng.