|
Máy bay UAV-02 của Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không - không quân |
Việt Nam chế tạo máy bay không người lái
Tháng 5.2013, Tờ The Diplomat dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã cho biết: Việt Nam tiến hành thử nghiệm 5 máy bay không người lái (UAV), đây là tín hiệu đánh dấu sự phát triển đầu tiên của các nhà khoa học Việt Nam trong vấn để làm chủ công nghệ chế tạo máy bay không người lái.
"Sau ba ngày kể từ ngày kiểm tra, từ17-19.05, tại huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, sáu máy bay không người lái, phát triển bởi Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã thực hiện thành công 37 chuyến bay, "Tân Hoa Xã dẫn lời cơ quan truyền thông địa phương.
Vụ thử nghiệm máy bay không người lái này thể hiện quyết tâm của Việt Nam hòa nhập vào thị trường UAV cùng với các nước láng giềng, bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản, nhằm tăng cường lực lượng UAV trong những năm gần đây.Tân Hoa Xã nhận xét.
Đầu tháng 5.2013, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết đã chế tạo 5 chiếc UAV, là đơn vị đầu tiên chế tạo drones cho Việt Nam. Những chiếc UAV đầu tiên có mã hiệu là: AV.UAV.MS1, AV.UAV.S1, AV.UAV.S2, AV.UAV.S3 và AV.UAV.S4 đã được thử nghiệm hồi đầu tháng. Các nhà khoa học Việt Nam , chế tạo drones cho biết họ đã nghiên cứu chế tạo từ năm năm 2008, và dự án này được nâng lên cấp nhà nước năm 2011.
Theo tin từ truyền thông Việt Nam, những chiếc máy bay UAV có trọng lượng 4 kg đến 170 kg và có sải cánh khác nhau 1,2-5 mét. Chiếc nhỏ nhất "có thể bay với vận tốc 70 kph (70km/h), bán kính hoạt động là 2 km, độ cao tối đa 200 m. Một trong những chiếc lớn nhất có thể bay với vận tốc 180 kph (180 km/h), bán kính hoạt động 100 km và độ cao 3.000 mét. Máy bay có thể liên tục bay trong 6 giờ trong cả ban ngày và ban đêm."
Máy bay được lắp đặt các trang thiết bị quan sát, chụp ảnh, quay video và các thiết bị cảm biến khác như quang phổ kế, hồng ngoại ..v.v để thực hiện các nhiệm vụ dân sự khác nhau như giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường trong các vùng lãnh thổ có điều kiện khó khăn tiếp cận trực tiếp, thực hiện nhiệm vụ quan sát, truyền thông và cứu hộ ven biển; thăm dò tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát cháy rừng, theo dõi tình hình của hệ thống điện quốc gia và giao thông vận tải.
Ngoài VAST, nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học khác cũng giới thiệu các máy bay không người lái của mình như Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không - không quân với máy bay UAV – 02, tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với máy bay VT Patrol, Pelican VB-01 của Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học. Mặc dù các máy bay này hầu hết được giới thiệu phát triển nhằm mục đích dân sự, nhưng được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Máy bay không người lái hạng nhẹ VT Patrol của tập đoàn Viettel
Tháng 12.2015, trang IHS Jane’s Defense Weekly dẫn nguồn tin từ truyền thông Việt Nam cho biết, các nhà khoa học Việt nam đã chế tạo thành công một nguyên mẫu máy bay không người lái tầm xa, có khả năng bay thời gian dài. Theo đó, nguyên mẫu drone đã hoàn thành vào tháng11.2015 và sẽ đưa vào bay thử nghiệm trên biển Đông vào mùa hè năm 2016. Đây thực sự là một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực chế tạo máy bay không người lái ở Việt Nam.
Thông tin từ Viện Hàn lâm KH-CN cho biết, nguyên mẫu máy bay không người lái HS-6L là công trình hợp tác của Viện với Bộ Công an, việc chế tạo nguyên mẫu đã hoàn tất vào ngày 01.11.2015. Nhân dịp Giáo sư, Viện sĩ Gusakov, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Belarus cùng đoàn Belarus sang thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện đã cho ra mắt sản phẩm máy bay trinh sát điện tử không người lái tầm xa và triển khai chương trình bay thử nghiệm.
Theo thông tin cung cấp cho báo chí, máy bay không người lái HS-6L có sải cánh dài 22m, trang bị động cơ Rotax 914 cho tầm bay hành trình đến 4.000km, thời gian hoạt động liên tục 35 giờ, sử dụng hệ dẫn đường vệ tinh vệ tinh. HS-6L có khả năng mang camera trinh sát, radar và các thiết bị phụ trợ khác.
Máy bay không người lái HS-6L
IHS Jane’s nhận định: Việt Nam có thể đã nhận được sự hỗ trợ thiết kế từ Belarus, viện dẫn sự ra mắt của chiếc UAV tầm xa này trùng với chuyến thăm của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Belarus.
Trong năm 2014, Việt Nam đã mua một số máy bay không người lái chiến thuật Grif-K từ Belarus. UAV Belarus có sải cánh 5,7 mét, trọng lượng cất cánh tối đa 120 kg, và mang theo tải trọng hữu ích là 25 kg.
Máy bay không người lái chiến thuật Grif-K
Trong khoảng từ năm 2014 đến 2015, Việt Nam cũng mua một số máy bay không người lái quân sự của Israel Orbiter 2 và Orbiter 3 phục vụ cho các đơn vị pháo binh, tên lửa phòng thủ bờ biển.
IHS Jane’s cho rằng những chiếc drones HS-6L trong tương lai có thể được sử dụng để kiểm soát tình hình trên biển Đông, thăm dò và trinh sát các đảo nhân tạo có căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang bồi đắp. Với trọng lượng hữu ích mang theo, HS -6L có thể thực hiện cả những nhiệm vụ quân sự.
Cuộc chiến UAV trên biển Đông
Máy bay không người lái Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Ngày 26.05.2016, tờ Fox News công bố một bức ảnh vệ tinh, cho thấy Trung Quốc đã triển khai (phi pháp) một máy bay trinh sát không người lái trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa trên biển Đông. Fox News nhận định đó là Harbin BZK-005, có cấu tạo, thiết kế và tính năng kỹ chiến thuật tương tự như chiếc Global Hawk của Mỹ, nhưng theo nhận định của các chuyên gia UAV, thì đó là chiếc (GAIC) Harrier Hawk II/Air Sniper do tập đoàn công nghiệp hàng không Guizhou Aircraft Industry Corporation (tập đoàn công nghiệp hàng không Quỳ Châu chế tạo) đây là chiếc UAV mới nhất của Trung Quốc, có khả năng mang theo radar trinh sát và vũ khí tương tự như chiếc MQ Predator của Mỹ.
Máy bay không người lái (GAIC) Harrier Hawk II/Air Sniper của Trung Quốc
Từ năm 2014, Nhật Bản đã tố cáo Trung Quốc sử dụng các drones Harbin BZK-005 thực hiện các hoạt động trinh sát, tình báo trên biển Hoa Đông, điều đó cũng có nghĩa, Trung Quốc chắc chắn cũng đang sử dụng “Global Hawk China” kiểm soát vùng biển Đông.
Trang Inquisitr nhận định : Trên vùng nước biển Đông, cuộc chạy đua vũ trang "Chiến tranh Drone" đang tăng nhiệt, cả Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều nỗ lực vươn lên giành lợi thế trong cái gọi là "Bế tắc Mexico." Theo một chuyên gia quân sự, sự phát triển của công nghệ máy bay không người lái đã thêm vào những điều khoản mới, có thể làm thay đổi các quy luật đấu tranh trong các những mâu thuẫn, xung đột âm ỉ kéo dài.
Chuyên gia drone Michael Boyle, thành viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại Mỹ trong cuộc phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 05.02,2016 cho rằng, trong những mâu thuẫn đối kháng trên biển Đông, mặt trận đấu tranh hàng đầu sẽ là cuộc chiến tranh không phận, trong đó các UAV sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến ưu thế chiến trường trên biển Đông.
“Các drone có rất nhiều lợi thế: khả năng khó phát hiện, khả năng tuần thám và theo dõi thường xuyên các vùng nước quan trọng, theo dõi được những sự thay đổi trên các đảo mà Trung Quốc lấn chiếm và bồi đắp, cung cấp video và hình ảnh việc quân sự hóa các đảo nhân tạo này trong một cuộc đấu tranh.” Ông nói.
Ông Boyle cho rằng Mỹ đã “ngủ quên trên ưu thế tiên phong của công nghệ Không người lái” tạo điều kiện cho Trung Quốc copy những mô hình của Mỹ, tập trung phát triển các UAV nhằm vào những khu vực khó kiểm soát.
Theo V.O.A. News, Công nghệ drones của Trung Quốc đang phát triển vượt bậc, hiện nay ở Trung Quốc có khoảng 400 nhà sản xuất máy bay không người lái với số lượng tăng gấp 9 lần, đáp ứng mọi nhu cầu dân sự và tất nhiên, ưu tiên trong lĩnh vực quân sự. Chuyên gia Boyle của Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại Mỹ cảnh báo: Nhiều công ty Trung Quốc đã bán các UAV trinh sát hiện đại và một trong số chúng có thể mang được tên lửa.
Các nước khác thuộc khu vực Đông Nam Á cũng không đứng ngoài cuộc. Trang Defense World cho biết: Philippines đang hiên thực hóa một dự án hiện đại hóa quân sự với Công ty Truyền thông đại chúng Triton có nguồn gốc từ Motorola nhằm sở hữu một liên đội máy bay không người lái trị giá khoảng 14 triệu USD.
Máy bay không người lái Mỹ, trang bị trên các chiến hạm tuần biển
Những chiếc UAV mà Công ty Truyền thông đại chúng Triton sẽ triển khai cho Philiphine nhằm cung cấp cho Hải quân quốc gia này Hệ thống hỗ trợ dẫn đường hình ảnh và chỉ thị mục tiêu (Marine Forces Imagery and Targeting Support System - MITSS). Hợp đồng bao gồm 6 tổ hợp máy bay không người lái drones, những hệ thống phụ trợ và các thiết bị chuyên dụng khác để đối phó với những hành động cực đoan của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải.
Vai trò quan trọng của máy bay không người lái trên biển Đông
Những năm gần đây, tình hình biển Đông gia tăng căng thẳng từ việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo, xây dựng các đường băng lớn và triển khai hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa chống tàu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Hơn thế nữa, tình hình an ninh trên biển Đông trở lên phức tạp và nguy hiểm hơn. Ttheo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2014 đến nay, đã xảy ra khoảng 4.000 vụ tàu cá gặp nạn, với hơn 2.300 người chết và bị thương. Việc bảo đảm an toàn cho tàu cá và tính mạng của ngư dân đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát biển và biên phòng Việt Nam.
Trong điều kiện hiện nay, việc Việt Nam có thể sở hữu máy bay tuần biển chống ngầm và máy bay trinh sát, cảnh báo sớm AWACS vẫn còn là vấn đề thời gian. Phương án giải quyết trước mắt, tối ưu nhất có thể là các máy bay trinh sát không người lái tầm xa như HS -6L. Lực lượng máy bay không người lái tầm xa sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc gia trên cả hai lĩnh vực quân sự và dân sự.
Phát triển một liên đội máy bay không người lái HS -6L có thể xây dựng một mạng lưới kiểm soát không gian biển Đông, cho phép các cơ quan chức năng, thực thi pháp luật biển Việt Nam, các lực lượng biên phòng và hải quân Việt Nam có được thông tin kịp thời, chính xác nhằm giảm thiểu tổn thất, thương vong của những ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền. Phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời những trường hợp khẩn cấp trên biển lớn.
Trong tương lai không xa, lực lượng máy bay không người lái tầm xa sẽ đóng vai trò mang tính quyết định khả năng giành chiến thắng trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước, trong những tình huống căng thẳng do các hành động khiêu kích hoặc trong cuộc chiến trang bảo vệ Tổ quốc.
(Còn tiếp)
TTB