Việt Nam dùng tên lửa Israel chống địch đổ bộ chiếm đảo

VietTimes -- Trang tin quân sự bmpd.livejournal của Nga ngày 28.11.2014 cho biết loại tên lửa  EXTRA và máy bay không người lái Orbiter 2 của Israel được trang bị cho Đoàn 685, Vùng 4 Hải quân Việt Nam, qua phóng sự bắn thử tên lửa trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Tên lửa Extra của hải quân Việt Nam trong lễ diễu binh ngày truyền thống lực lượng hải quân nhân dân
Tên lửa Extra của hải quân Việt Nam trong lễ diễu binh ngày truyền thống lực lượng hải quân nhân dân

Trong lần diễu binh ngày 02.05.2015 kỷ niệm 60 năm thành lập Quân chủng Hải quân tại quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, lần đầu tiên người xem được thấy một loại tên lửa đạn đạo mới trong biên chế của QĐND Việt Nam có nguồn gốc từ một nước tư bản, Israel – tên lửa đạn đạo dẫn đường EXTRA (Extended Range Artillery Rocket)

Tên lửa EXTRA (Extended Range Artillery) được Công ty công nghiệp quân sự  IMI (Israel Military Industries) và Chi nhánh MLM Systems Division của Hãng Công nghiệp Hàng không Israel  IAI (Israel Aircraft Industries) hợp tác phát triển, được đưa ra giới thiệu lần đầu tại Triển lãm hàng không Paris 2005.

IAI và IMI đã kết hợp kinh nghiệm về động cơ tên lửa, đầu đạn và hệ thống dẫn đường của các hai cơ sở để phát triển tên lửa EXTRA và sử dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ tiến công dẫn đường chính xác không theo đường ngắm (NLOS).

Theo báo chí Israel, IMI tiến hành 5 lần bắn thử nghiệm liên tiếp với tên lửa EXTRA mới ở phía Nam Israel, các tên lửa được đặt trong giàn phóng trên một xe tải. Tên lửa thể hiện được hiệu suất chiến đấu cao,  phá hủy hàng chục mục tiêutrên khoảng cách hàng chục km với độ chính xác cao.

Đạn tên lửa được đặt trong thùng container kín, ghép thành nhóm 4 quả tên lửa thuận lợi cho việc bảo dưỡng, lưu kho bãi và khai thác sử dụng. Trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, các container tên lửa được đặt trên bệ phóng cố định hoặc xe phóng và có thể cơ động chiến đấu được ngay.

Đạn EXTRA có chiều dài 3,97 m; đường kính 300 mm, trọng lượng phóng 450 kg; mang theo đầu đạn nổ mạnh hoặc đạn chùm nặng 120 kg; tầm bắn lên tới 150 km với độ sai lệch nhỏ hơn 10 m. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và định vị mục tiêu GPS/INS.

Tên lửa EXTRA tác chiến hiệu quả chống các mục tiêu cố định như Trung tâm chỉ huy, trận địa phòng ngự kiên cố, trung tâm thông tin liên lạc, hạ tầng cơ sở quân sự và kho tàng.

EXTRA hình thành trên kinh nghiệm tác chiến chống lực lượng Hezbollah ở Trung Đông, thường xuyên pháo kích bằng tên lửa tự chế vào lãnh thổ đất nước này. Việc sử dụng các tên lửa dẫn đường đất đối đất trở thành quá đắt đỏ và không hiệu quả do tính phức tạp của hệ thống. Công nghiệp quốc phòng đã chế tạo loại tên lửa (rocket) có điểu khiển giai đoạn cuối để tiêu diệt các trận địa tên lửa tự chế của đối phương khi phát hiện được.

Sự xuất hiện của EXTRA trong biên chế của Hải quân Việt Nam đã tạo ra nhiều tranh luận về mục đích sử dụng của loại tên lửa này. Rõ ràng tên lửa không phải là loại tên lửa chống tàu mà là đạn pháo phản lực bắn loạt chống mục tiêu là binh lực và sinh lực tập trung. Có thể nói, đạn EXTRA tương đương với pháo phản lực Nga Smerch BM-30, có vẻ thích hợp hơn nếu được trang bị cho Lục quân.

Một điều đáng chú ý là, trong phóng sự truyền hình nói trên có cảnh các chiến sĩ Đoàn 685 lắp ráp và triển khai UAV loại Orbital 2. Đây là máy bay của Israel, do hãng ADS (Israel) sản xuất. Loại máy bay này dùng trinh sát mục tiêu và hướng dẫn hỏa lực nhắm bắn chính xác.

Sử dụng máy bay không người lái Orbiter -2

Orbiter 2 phóng đi bằng một giàn phóng, và quay về đáp xuống bằng dù, trên biển thu hồi bằng lưới. Hãng chế tạo Orbiter là ADS cho biết loại UAV này còn có thể mang được tên lửa chống tăng Spike (cũng của Israel).

Ba lô mang vác cá nhân Orbiter 2

Máy bay không người lái Orbiter 2 có thông số kỹ chiến thuật:

Sải cánh: 2.2 m / 7.2 ft ;Độ dài: 1m / 3.2 ft ;Trọng tải bay ngày: 0.65 kg với camera màu ;Trọng tải bay đêm: 0.95 kg với camera quang ảnh nhiệt;Tải trọng hữu ích: 1.5 kg; Tầm xa truyền dữ liệu: 15 km; Tốc độ hành trình: 46-120 km/h;

Tốc độ bay max: 140 km/h;Độ cao [ASL]: Đến 4500 m; Thời gian bay: >1.5 giờ.

Với thông số này, Orbiter 2 trang bị cho một đơn vị bộ binh làm nhiệm vụ phòng ngự. Do tính đặc thù nhỏ và nhẹ, Orbiter 2 rất khó phát hiện trên nền trời. Máy bay không người lái Israel thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu trên bản đồ kỹ thuật số cho tính toán phần tử bắn.

Tên lửa EXTRA của Israel ở đâu trong thế trận phòng thủ biển đảo

Hiện nay, trong biên chế của lực lượng phòng thủ biển đảo Việt Nam có nhiều loại tên lửa chống tàu như tổ hợp tên lửa chống tàu Ural E tên lửa Kh-35, Club – S với tên lửa Kalibr, P-15M, Redut P-35 Shaddock, tên lửa đạn đạo Scud, tổ hợp Bastion với tên lửa Yakhont và một số loại tên lửa phóng từ máy bay. Trong đó chỉ có tên lửa Kh – 35 hiện có giấy phép sản xuất tại Việt Nam, có thể phát triển thành tổ hợp tên lửa Bal – E phòng thủ bờ biển và Club – K.

Đến thời điểm hiện nay, lực lượng Hải quân Việt Nam đang kiểm soát 21 điểm đảo. Có thể chia thành thành 2 nhóm đảo, tuyến Bắc Trường Sa và Nam Trường Sa. Các đảo Bắc Trường Sa mà Việt Nam đang canh giữ, thực thi chủ quyền gồm 10 đảo, rạn đá ngầm : Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn. Các đảo Phía Nam Trường Sa mà Việt Nam đang bảo vệ gồm 11 đảo, rạn đá: Trường Sa,Trường Sa Đông,  An Bang, Phan Vinh , Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây,  Đá Đông, Đá Lát.

Đại đa số những đảo này có diện tích rất nhỏ, một số điểm là đảo chìm dưới mực nước biển, các công trình xây dựng kiểu nhà nổi hoặc nhà giàn.

Đảo Đá Đông

 Đảo Đá Nam

Đảo Len Đao

Những đảo, đảo chìm, nhà giàn do Hải quân Việt Nam bảo vệ là những mục tiêu cố định và có diện tích nhỏ, khả năng triển khai các trận địa phòng ngự kiên cố vững chắc cũng như các loại hỏa lực pháo binh hạng nặng thực sự khó khăn.

Nhà giàn DK1/15

Trong tình huống địch sử dụng các tàu vận tải ngụy trang, lực lượng lính thủy đánh bộ bất ngờ đổ bộ đường biển tấn công các đảo nhỏ, đảo chìm. Với các loại vũ khí bộ binh thông thường, khả năng phòng ngự và đánh bại các cuộc tấn công rất khó. Đối phương có thể bố trí hỏa lực như pháo phản lực bắn từ các tàu vận tải đổ bộ hỗ trợ cho lực lượng tấn công.

Nhiệm vụ then chốt là phải tiêu diệt được các tàu đổ bộ, đang neo đậu ngoài xa đổ quân, hoặc sử dụng hỏa lực tấn công vào hành lang các phương tiện đổ bộ của đối phương.

Việc biên chế các tổ hợp pháo phản lực hoặc tên lửa chống tàu tầm xa như Club –K hoàn toàn không thể do địa hình quá hẹp và cần các kỹ sư tên lửa trình độ cao khai thác sử dụng. Vấn đề ở đây là loại vũ khí nào phải gọn nhẹ, tầm bắn xa, uy lực lớn.

Ngoài ra, Mỹ là một trong những nước quyết liệt chống lại vấn đề quân sự hóa biển Đông, việc đưa các tên lửa hiện đại của Nga ra đảo có thể là một vấn đề gây tranh cãi và dễ bị Trung Quốc lợi dụng tăng cường vũ khí cho đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp.

Chỉ có tên lửa đạn đạo EXTRA với hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh, bệ phóng nhỏ gọn, đạn trong thùng container bảo quản lâu dài, khai thác sử dụng và điều khiển hỏa lực tương đối dễ dàng hơn, có thể lắp đặt và ngụy trang trên nhiều đảo có diện tích nhỏ nhất hoặc nhà giàn đáp ứng được yêu cầu phòng thủ và đánh trả hiệu quả các cuộc tấn công của đối phương.

Các đảo nhỏ, được biên chế hệ thống tên lửa EXTRA với giá phóng cố định lắp đặt tại chỗ, máy bay trinh sát Orbiter 2 cho phép có thể quản lý một vùng rộng lớn. Với hệ thống chỉ huy, điều khiển hỏa lực hiện đại, phối kết hợp nhiều đảo và hệ thống thông tin liên lạc dạng mạng Net cho phép chia sẻ thông tin và điều hành tác chiến từ căn cứ chỉ huy chính tại Trường Sa lớn.

Tên lửa EXTRA và máy bay không người lái Orbiter 2 có thể hình thành một hệ thống phòng thủ hiện đại trên nền tảng C3I (chỉ huy, kiểm soát, trinh sát và truyền thông ) hiệu quả.

Israel thử nghiệm tên lửa EXTRA

Những phát biểu của các sỹ quan thuộc Lữ đoàn 685 vùng 4 Hải quân Việt Nam trong video, giới thiệu về công tác huấn luyện, đào tạo khai thác sử dụng loại vũ khí mới này của Israel đã khẳng định phương án khai thác sử dụng loại tên lửa mới và máy bay không người lái này cùng với hệ thống chỉ huy, điều khiển hỏa lực hiện đại.

Phối hợp với các loại vũ khí khác như tên lửa chống tăng có điều khiển tầm xa, các loại súng phóng lựu bắn loạt và súng máy phòng không, hệ thống tên lửa đạn đạo EXTRA và máy bay trinh sát Orbiter 2. Lực lượng hải quân phòng thủ đảo có thể tạo ra một lưới lửa mạnh, có đủ khả năng đẩy lùi các cuộc đổ bộ bất ngờ từ phía biển vào các đảo chủ quyền của Việt Nam.