Việt Nam còn gì khi tài nguyên sắp hết và lợi thế lao động rẻ không còn?

“Tài nguyên sắp hết, lợi thế lao động rẻ sắp không còn. Giờ chúng ta còn gì?” – câu hỏi đau đáu của PGS. TS. Trần Đình Thiên dường như không tìm được câu trả lời, nhất là khi “bệ đỡ công nghiệp” của Việt Nam sau 30 năm đổi mới chỉ tăng được có 1,6%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ.

Cách phát triển công nghiệp của Việt Nam có vấn đề nghiêm trọng, mặc dù thành tích tăng trưởng của Việt Nam rất tốt”, PGS.TS. Trần Đình Thiên bình luận về công nghiệp Việt Nam.

Vấn đề ở đây là sau 30 năm đổi mới, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đã tăng 16% trong cơ cấu GDP. Đây là mức tăng trưởng rất tốt, nhưng liệu chúng ta có thể “vỗ ngực” được không, ông Thiên đặt dấu hỏi.

Về vĩ mô, đi vào cơ cấu của ngành công nghiệp, thì lĩnh vực chế biến - chế tạo – lĩnh vực tạo năng lực cốt lõi cho phát triển công nghiệp, sau 30 năm chỉ tăng được 1,6%.

“Nền công nghiệp Việt Nam giậm chân tại chỗ và thụt lùi ghê gớm so với thế giới là bởi ta chỉ thích phát triển xây dựng, chỉ thích công nghiệp khai khoáng và tập trung vào gia công. Còn lĩnh vực cốt lõi nhất cho tương lai thì chúng ta rất yếu”, PGS.TS. Thiên nói.

Về vi mô, nền tảng công nghiệp quốc gia lại tập trung vào các tập đoàn Nhà nước. Và những câu chuyện của Vinashin, Vinalines có lẽ không cần nhắc lại.

Trong khi đó, với doanh nghiệp nước ngoài (FDI), “Việt Nam rất quý, nhưng quý quá mức cần thiết. Chúng ta quý và mời các nhà đầu tư đến phát triển hộ Việt Nam khi doanh nghiệp Việt Nam yếu. Tất nhiên, chúng ta vẫn rất cần các nhà đầu tư nước ngoài nhưng cần biết phát triển doanh nghiệp tư nhân để có cơ cấu phát triển kinh tế tốt”, PGS.TS. Thiên nói.

Trong giai đoạn hội nhập, Việt Nam bước vào sân chơi thế giới ở đẳng cấp rất cao, nhưng thực lực của chúng ta rất thấp. Ông Thiên cho rằng Việt Nam cần xác định lại lợi thế thật trong điều kiện hiện tại của Việt Nam là gì.

Trước đây, chúng ta liệt kê rất nhiều lợi thế. Chúng ta luôn tự hào về lợi thế rừng vàng, biển bạc, nhân công giá rẻ so với các nước bạn.

“Nhưng nay tài nguyên sắp hết, lợi thế lao động rẻ sắp không còn. Giờ chúng ta còn gì?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

“Tôi thiết nghĩ trong trường hợp Trung Quốc đã sản xuất thép dư thừa như vậy thì Việt Nam không nên sản xuất thép”.

Về cấu trúc doanh nghiệp, ông Thiên cho rằng doanh nghiệp nội địa phải thấy được doanh nghiệp tư nhân là lực lượng quyết định. Trong cái gọi là quyết định đó, các tập đoàn tư nhân PHẢI là trụ cột. Còn doanh nghiệp Nhà nước không nhất thiết phải là trụ cột.

“Để làm được điều này, chúng ta không thể chọn tất. Phải liên kết với doanh nghiệp nước ngoài rất nhiều nhưng cần chọn chuỗi đúng”, ông Thiên khuyến nghị.

"Việt Nam nhiều tài nguyên nên cản trở sáng tạo"

Theo Trí Thức Trẻ