Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho biết hiện Việt Nam có gần 900 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Sáng 13/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trực thuộc Bộ Chính trị. Tổng bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban chỉ đạo. Các Phó trưởng ban gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc là Phó trưởng ban Thường trực.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ. Ảnh: Quốc hội.

Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho biết hiện có gần 900 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia; TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lọt vào top 200 TP khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Đáng chú ý, đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%. Năm 2024, công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.

Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới

Theo ông Quý, tốc độ và sự bứt phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Việc huy động các nguồn lực cho khoa học công nghệ và nghiên cứu, phát triển chưa hiệu quả, trong đó chi cho khoa học công nghệ chưa đạt mức quy định tối thiểu 2% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới, chưa phù hợp, nhất là về tài chính, đầu tư. Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.

Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Diên Hồng. Ảnh: Quốc hội.

Nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, ông Quý khẳng định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, theo ông Quý, cần có những đột phá, trong đó đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là con đường lựa chọn để thực hiện các bước nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước.

Theo ông Quý, nhận thức và tư duy của một số cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa nắm rõ sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ; chưa nhìn nhận đúng tính đặc thù của lĩnh vực này là tính sáng tạo, mang tính rủi ro và có độ trễ; chưa thực sự coi đây là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực đầu tư dành cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở mức thấp.

Nhiều nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, pháp luật cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được giải quyết đồng bộ, dứt điểm, nhất là cơ chế quản lý tài chính, đầu tư chậm đổi mới, không phù hợp; thiếu thể chế thử nghiệm, sandbox, miễn trừ trách nhiệm, chấp nhận rủi ro. Điều này chưa tạo điều kiện đủ mạnh để doanh nghiệp dành nguồn lực thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý nhấn mạnh Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài.

Nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng này bao gồm: thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược. Trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy không quản được thì cấm.

Cùng với cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước, ông Quý nhấn mạnh việc có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan; đồng thời cho phép hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.

Nhà nước cũng tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược; ban hành cơ chế, chính sách hợp tác công tư để nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược.

Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội tới 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham dự của hơn 978.500 đại biểu.