Việt Nam cần làm gì trước mức thuế nhập khẩu kỷ lục 46% từ Mỹ?

Việt Nam có thể đảo ngược mức thuế 46% mà Mỹ áp lên phần lớn hàng xuất khẩu như Mexico đã từng làm? VietTimes phỏng vấn TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, về vấn đề này.

Tác động mức thuế 46% lên xuất khẩu?

-Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với hàng hóa của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu vào Mỹ; Việt Nam nằm trong số các quốc gia bị áp mức thuế cao 46%. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Việc ông Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới, áp mức thuế 46% lên 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là một phần trong chiến lược thương mại rộng hơn của Mỹ - áp đặt mức thuế lên tới 50% đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, hoặc bị coi là “vi phạm nghiêm trọng” trong thương mại.

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng.

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, trong đó Mỹ là thị trường quan trọng nhất. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 120 tỷ USD vào Mỹ, tăng 23,2% (tương ứng tăng tới 22,48 tỷ USD so với năm trước và chiếm 29,5% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu cả nước).

Trong 2 tháng đầu năm 2025, nước ta xuất khẩu sang Mỹ 19,56 tỷ USD, tăng 16,5%, tương ứng 2,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái (Theo số liệu Cục Hải quan).

Một số ý kiến trước đây cho rằng, việc áp thuế không ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, vì Mỹ cũng đánh thuế các quốc gia khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức thuế đối với Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh chính: Thái Lan 36%, Ấn Độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%... Điều này khiến hàng Việt Nam chịu thuế cao hơn 10-20% so với các đối thủ trong cùng lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép và nội thất.

Việc áp thuế này ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt Nam mà trước mắt làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

Mức thuế 46% làm tăng đáng kể chi phí hàng Việt Nam tại Mỹ: Khiến chúng kém hấp dẫn hơn so với sản phẩm nội địa hoặc từ các nước có mức thuế thấp hơn. Một sản phẩm trị giá 100 USD từ Việt Nam sẽ bị áp thêm 46 USD thuế, trong khi hàng từ Anh chỉ chịu thuế 10%.

Nguy cơ sụt giảm xuất khẩu: Người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ có thể giảm mua hàng từ Việt Nam, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu thép của Việt Nam - một ngành tăng trưởng mạnh năm 2024 (143,4%, đạt 1,2 triệu tấn) sẽ chịu tổn thất nặng nề. Ngành dệt may, giày dép, điện tử - những lĩnh vực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP và tạo việc làm, có thể bị thu hẹp sản xuất.

Tác động trực tiếp đến quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư: Nhiều công ty từng chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan Mỹ có thể tìm đến Ấn Độ, Malaysia hoặc Mexico. Điều này có thể làm giảm vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất trong khu vực.

Làm giảm khả năng tìm kiếm thị trường mới: Các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tìm kiếm thị trường thay thế, tăng cường xuất khẩu sang châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, việc dịch chuyển này đòi hỏi thời gian, chi phí, và có thể khó bù đắp được sự mất mát từ thị trường Mỹ.

Rủi ro từ biện pháp trả đũa và tác động kinh tế: Việt Nam có thể đáp trả bằng thuế quan đối với hàng Mỹ, nhưng khối lượng nhập khẩu chỉ khoảng 13,1 tỷ USD, tác động không đáng kể. Để cải thiện cán cân thương mại, Việt Nam đã cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng Mỹ (ethanol từ 10% xuống 5%, ô tô từ 64% xuống 32%), nhưng điều này có thể chưa đủ để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Việc xuất khẩu giảm có thể kéo theo suy giảm tăng trưởng GDP, mất việc làm, giảm đầu tư nước ngoài và tạo áp lực lên đồng VND.

Rủi ro gian lận thương mại: Một số doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách trung chuyển hàng qua nước thứ ba hoặc thay đổi xuất xứ để tránh thuế. Nếu bị phát hiện, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn, bao gồm thuế chống bán phá giá.

Nhìn chung việc Mỹ áp mức thuế 46% lên phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có tác động không nhỏ đến nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Mức thuế cao không chỉ làm giảm sức cạnh tranh mà còn đe dọa tăng trưởng xuất khẩu, gây ra áp lực lớn lên các doanh nghiệp và thị trường lao động.

Mức độ thiệt hại sẽ phụ thuộc vào cách các nhà xuất khẩu Việt Nam, doanh nghiệp Mỹ và thị trường toàn cầu phản ứng. Tuy nhiên, trước mắt, đây là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp và Chính phủ phải tìm ra chiến lược thích ứng phù hợp để bảo vệ lợi ích kinh tế của đất nước.

Liệu có thể đảo ngược quyết định của ông Trump?

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố bảng thuế đối ứng tại Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: AFP.

-Có một tiền lệ, hồi tháng 2 năm 2025, Tổng thống Trump đã ký lệnh áp thuế 25% lên tất cả hàng hóa từ Mexico và Canada. Sau các cuộc đàm phán, thuế được hoãn lại một tháng và sau đó được điều chỉnh dựa trên các thỏa thuận đạt được giữa các bên. Liệu Việt Nam chúng ta có thể làm điều tương tự không?

- Tiền lệ cho thấy, các biện pháp thuế quan không phải là cố định mà có thể được điều chỉnh nếu đạt được thỏa thuận đáp ứng lợi ích song phương. Điều này mở ra cơ hội để Việt Nam tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại theo hướng cân bằng và bền vững hơn. Một số giải pháp cần được triển khai như sau:

-Đẩy mạnh đàm phán song phương: Việt Nam cần chủ động tiếp xúc với Hoa Kỳ thông qua các kênh đối thoại chính thức và không chính thức để thảo luận về những biện pháp giảm thiểu tác động của thuế quan.

Trên thực tế, chúng ta đã và đang thực hiện các giải pháp cụ thể rồi. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ đại diện hơn 60 công ty Mỹ, khuyến khích họ đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời cam kết cải thiện môi trường kinh doanh và giải quyết các vấn đề thương mại song phương. ​

Chính phủ cũng đã cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vietjet đến Mỹ để làm việc trực tiếp với các đối tác chiến lược.

Phái đoàn dự kiến gặp gỡ các tập đoàn lớn như Boeing, các ngân hàng Mỹ và nhiều doanh nghiệp đầu tư để tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ thương mại song phương. Ngoài ra, Phó Thủ tướng có thể sẽ có các cuộc gặp với quan chức cấp cao tại Washington nhằm đàm phán về việc nới lỏng chính sách thuế quan, đồng thời thảo luận về các cơ hội hợp tác kinh tế trong thời gian tới.

-Tăng cường nhập khẩu để cân bằng cán cân thương mại: Một trong những nguyên nhân khiến Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam là do thặng dư thương mại lớn. Để giảm áp lực này, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp nhằm gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt với mặt hàng công nghệ và hàng không.

Đáng chú ý, Việt Nam đã cho phép SpaceX thử nghiệm dịch vụ Internet vệ tinh Starlink, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực công nghệ viễn thông với Mỹ.

Các biện pháp như kiểm soát tỷ giá hối đoái linh hoạt, cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu có thể góp phần làm giảm áp lực từ phía Mỹ. Ngoài ra, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo tuân thủ các cam kết thương mại quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

-Tăng cường hợp tác đa phương: Hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác thương mại khác là một chiến lược quan trọng nhằm tạo thế cân bằng trong đàm phán với Mỹ. Việc mở rộng quan hệ kinh tế với các thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN cũng sẽ giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, tạo ra thế chủ động hơn trong các cuộc đàm phán thương mại.

Việt Nam dự kiến sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo EU trong thời gian tới ,để thảo luận về cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư - cũng nằm trong chính sách này.

Nhìn chung, Việt Nam đang thực hiện chiến lược linh hoạt, kết hợp cả đối thoại song phương lẫn hợp tác đa phương để ứng phó với các thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Cần định hình một chiến lược thương mại mới

Nhôm và thép của Việt Nam sẽ chịu tác động lớn khi vào thị trường Mỹ, nếu mức thuế 46% được thực thi. Ảnh minh hoạ.

-Thưa ông, về lâu dài, thương mại Việt Nam - Mỹ sẽ nên được định hình và triển khai cụ thể như thế nào để có thể đem đến một nền thương mại hai bên đều có lợi và tránh những rủi ro tương tự?

-Cả trước mắt và lâu dài chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Một là, Việt Nam cần có động thái thu hẹp thặng dư thương mại 123,5 tỷ USD với Mỹ bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa.

Giảm thuế nhập khẩu: Bắt đầu từ cuối tháng 3/2025, Việt Nam đã cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số hàng hóa nhằm thể hiện thiện chí và giảm mất cân bằng thương mại. Cụ thể, thuế nhập khẩu LNG giảm từ 5% xuống 2%, ô tô giảm từ 45%-64% xuống 32% và ethanol từ 10% xuống 5%. Ngoài ra, thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp như thịt gà, hạnh nhân, táo, đậu nành, bông và các loại hạt cũng được điều chỉnh giảm.

Hợp tác năng lượng: Các công ty năng lượng nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ ký kết và thực hiện thỏa thuận sơ bộ với các công ty Hoa Kỳ như GE Vernova và Excelerate Energy vào tháng 3/2025 - để nhập khẩu thiết bị và dịch vụ mở rộng cơ sở hạ tầng LNG. Điều này nhằm thúc đẩy lượng nhập khẩu LNG, một lĩnh vực có tiềm năng giúp cân bằng cán cân thương mại.

Mở cửa thị trường: Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng từ Mỹ thâm nhập thị trường Việt Nam.

Hai là, điều chỉnh ngoại giao thương mại: Việt Nam cần triển khai chiến lược ngoại giao kinh tế nhằm tránh hoặc giảm nhẹ các biện pháp thuế quan từ Hoa Kỳ.

Thử nghiệm dịch vụ Internet vệ tinh: Việt Nam nên cấp phép thử nghiệm cho các dự án Internet vệ tinh do các công ty Mỹ triển khai, đồng thời giữ quyền kiểm soát công ty con trong nước để đảm bảo lợi ích quốc gia. Không áp thuế trả đũa: Thay vì đáp trả bằng biện pháp thuế quan, Việt Nam nên theo đuổi chiến lược hợp tác toàn diện, tránh nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ.

Ba là, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Dù không thể thực hiện ngay lập tức, Việt Nam cần có kế hoạch giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ: Thúc đẩy thương mại khu vực bằng việc mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc (đạt 61,2 tỷ USD năm 2024) và các nước ASEAN - để bù đắp tổn thất tiềm tàng từ thị trường Mỹ. Mở rộng thị trường mới: Nhắm đến châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ để từng bước thay thế vị trí của Mỹ trong chuỗi cung ứng.

Bốn là, điều chỉnh và thay đổi chuỗi cung ứng: Việt Nam cần thích ứng để bảo vệ các ngành xuất khẩu chịu ảnh hưởng bởi mức thuế cao từ Mỹ (46% đối với thép, điện tử, may mặc). Khuyến khích nội địa hóa: Chính phủ có thể thúc đẩy các công ty đa quốc gia như Samsung, Intel, Nike tìm kiếm nguồn cung trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc, tránh bị Hoa Kỳ giám sát về hành vi trốn thuế.

Kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ: Việt Nam cần đảm bảo không trở thành trung gian cho hàng hóa Trung Quốc gắn nhãn "Made in Vietnam", qua đó giữ vững uy tín với Mỹ và tăng cường phát triển chuỗi cung ứng nội địa.

Năm là, kế hoạch phục hồi kinh tế: Trước nguy cơ cuộc chiến thương mại leo thang, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và điều chỉnh tài khóa hợp lý. Tăng cường hỗ trợ xuất khẩu bằng việc áp dụng trợ cấp hoặc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chi phí gia tăng do thuế quan của Mỹ.

Điều chỉnh tỷ giá linh hoạt: Duy trì tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu mà không làm gia tăng rủi ro về trừng phạt thương mại, đồng thời đảm bảo chính sách tiền tệ minh bạch trong quá trình phục hồi kinh tế.

Sáu là, đàm phán lại với Mỹ để giảm thiểu rủi ro: Việt Nam có thể chủ động đàm phán với Mỹ để giảm tác động tiêu cực từ mức thuế mới như: Mở cửa thị trường cho doanh nghiệp Mỹ: Tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ, tài chính và năng lượng.

Cải thiện tiêu chuẩn thương mại: Chứng minh cam kết nâng cao bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cải thiện tiêu chuẩn lao động để tạo dựng thiện chí trong quan hệ song phương. Xin miễn trừ thuế quan: Đàm phán miễn trừ thuế đối với các mặt hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bằng cách cung cấp bằng chứng về tác động tiêu cực đối với cả doanh nghiệp Việt Nam và người tiêu dùng Mỹ.

Nhấn mạnh lợi ích song phương: Chứng minh tầm quan trọng của hàng hóa Việt Nam đối với người tiêu dùng Mỹ và vai trò của đầu tư Mỹ đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Bảy là, tận dụng yếu tố địa chính trị: Nêu bật vai trò chiến lược của Việt Nam trong khu vực, cho thấy việc duy trì quan hệ thương mại tốt đẹp với Việt Nam là phù hợp với lợi ích dài hạn của Mỹ.

Tóm lại, Việt Nam cần linh hoạt và chủ động trong việc điều chỉnh chính sách thương mại để thích ứng với tình hình mới, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Áp thuế cao cũng sẽ tổn hại đến chính nền kinh tế nước Mỹ

Thuế đối ứng: tất cả đều thua. Ảnh minh hoạ.

-Ông nhận định như thế nào về kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng trong thời gian tới khi mức thuế mà Donald Trump ban bố sẽ có hiệu lực sau đây một tuần nữa?

-Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ mang đến một bức tranh đa chiều: tăng trưởng ở mức vừa phải nhưng không bứt phá, đi kèm với những bất ổn và sự phân hóa giữa các khu vực.

Các tổ chức kinh tế lớn đưa ra dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu dao động từ 2,7% - 3,3%. Theo IMF: 3,3% cho cả năm 2025 và 2026 (cập nhật tháng 1/2025); Còn OECD đưa ra dự báo 3,1%, thấp hơn một chút so với năm trước; Ngân hàng Thế giới mức 2,7% trong giai đoạn 2025–2026; Euromonitor International là 3,2% cho cả hai năm; Liên Hợp Quốc dự báo 2,8%, tương đương năm 2024 - do tăng trưởng chậm lại ở Mỹ và Trung Quốc, nhưng bù đắp bởi sự phục hồi tại các khu vực khác.

Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng tốc độ phục hồi giữa các nền kinh tế có sự khác biệt: IMF: từ 4,2% (2025) xuống 3,5% (2026), với các nền kinh tế tiên tiến đạt mục tiêu nhanh hơn các thị trường mới nổi. Ngân hàng Thế giới: 4,4% vào năm 2025. Liên Hợp Quốc: 3,4%. OECD dự báo lạm phát cao hơn kỳ vọng tại Mỹ (2,8% năm 2025) do ảnh hưởng từ các chính sách thương mại.

Tại Mỹ, lạm phát cơ bản có thể vượt 2%, gây khó khăn cho mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang. Khu vực đồng Euro đang tiến gần đến ngưỡng 2%, trong khi nhiều nền kinh tế đang phát triển như châu Phi vẫn chịu áp lực giá cả.

Tóm lại, năm 2025, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 2,7-3,3%, mức ổn định nhưng không ấn tượng so với mức trung bình trước đại dịch (3,2-3,7%). Lạm phát giảm mang lại tín hiệu tích cực, nhưng nguy cơ chiến tranh thương mại hoặc chính sách sai lầm vẫn là rủi ro lớn.

-Kinh tế Mỹ: Lợi ích và rủi ro từ chính sách thuế quan: Việc áp dụng mức thuế cao, chẳng hạn như thuế 46% đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, tạo ra tác động đa chiều đến nền kinh tế Mỹ, với cả lợi ích tiềm năng và hệ lụy đáng kể.

Lợi ích tiềm năng, bảo hộ ngành sản xuất nội địa: Thuế quan khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, khuyến khích tiêu dùng hàng Mỹ. Các ngành như thép, máy móc và dệt may có thể hưởng lợi. Trước mắt, tạo việc làm: Viện Sắt và Thép Hoa Kỳ ước tính thuế 25% đối với thép nhập khẩu có thể tạo ra 10.000–15.000 việc làm. Nếu mở rộng sang các ngành khác, có thể tạo ra 100.000–200.000 việc làm vào năm 2026.

Giảm thâm hụt thương mại: Hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam (142 tỷ USD) và Trung Quốc (575 tỷ USD) có thể giúp Mỹ thu hẹp thâm hụt thương mại. Thúc đẩy đàm phán thương mại: Thuế quan có thể gây sức ép buộc các đối tác nhượng bộ, như việc Việt Nam phê duyệt Starlink hay ký kết các thỏa thuận LNG.

Nhưng những tác động tiêu cực cũng không nhỏ: Chi phí hàng hóa tăng: Giá sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như quần áo, giày dép, đồ điện tử có thể tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát. Một chiếc điện thoại 500 USD có thể tăng giá lên 730 USD. Chuỗi cung ứng gián đoạn: Các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn.

Tăng trưởng chậm lại: Các rào cản thương mại làm giảm hoạt động kinh tế, dẫn đến mất việc làm và giảm đầu tư. Bất ổn thị trường: Chính sách thuế quan có thể làm gia tăng căng thẳng với Việt Nam và các đối tác thương mại khác, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế và ngoại giao.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia ước tính mức thuế 10% trên diện rộng có thể làm tăng chi phí tiêu dùng lên 46 tỷ USD mỗi năm, trong khi thuế 60% đối với Trung Quốc có thể đẩy chi phí tăng thêm 78 tỷ USD.

Nhìn chung chính sách thuế quan có thể mang lại lợi ích như tạo việc làm, giảm thâm hụt thương mại và tăng thu ngân sách. Nếu không có hành động trả đũa mạnh từ các nước đối tác, GDP Mỹ có thể tăng thêm 0,2–0,5%. Tuy nhiên, rủi ro bao gồm giá cả leo thang, chuỗi cung ứng gián đoạn và bất ổn toàn cầu, có thể khiến GDP giảm từ 0,5-1,0% trong trường hợp xấu nhất (theo OECD).

Năm 2025, Mỹ có nền tảng kinh tế vững chắc và dự kiến tăng trưởng 2,0–2,2%, nhưng chính sách thuế quan có thể là một "canh bạc". Nếu không được thực thi hợp lý, nó có thể dẫn đến lạm phát và đình trệ kinh tế, gây tác động tiêu cực lâu dài cho nền kinh tế Mỹ.

-Xin cảm ơn ông!