|
Vụ phóng tên lửa hành trình Kalibr – NK đã gây lên một cơn bão bình luận và tranh cãi trên các phương tiện thông tin đại chúng giữa các nhà chính trị, các chuyên gia và những người yêu thích quân sự. Hầu như trên tất cả các trang nhất của báo chí thế giới đều đăng tải thông tin này, những người ủng hộ nước Nga vô cùng hào hứng, các nhà quân sự và bình luận chính trị nước ngoài thực sự bối rồi. Vì đây không phải là Tomahawk nổi tiếng của Mỹ.
Ngày 08.10.2015, đại diện Lầu Năm Góc cho biết, không phải tất cả các tên lửa đều bay đến mục tiêu, ít nhất có 4 tên lửa rơi trên lãnh thổ Iran. Bộ Quốc phòng Nga kiên quyết phản bác điều này, khẳng định các tên lửa theo chế độ quy chuẩn đều đánh trúng mục tiêu.
Người Mỹ sau đó một thời gian tuyên bố, họ hoàn toàn không nhận được thông báo về việc Nga sẽ sử dụng tên lửa hành trình trong khu vực và nhận định “các nhà quân sự Nga không chuyên nghiệp và đây là hành vi đe dọa”.
Điều này cũng dễ hiểu, tương tự như Tomahawk, sử dụng các loại tên lửa này không chỉ có ý nghĩa về quân sự, mà còn có mục đích địa chính trị. Phóng những tên lửa đắt giá vào lực lượng khủng bố không phải là một ý đồ chiến thuật hợp lý, khi kết quả có thể đạt được bằng một phi đội Su-25. Nhưng Moscow muốn cho các đối tác phương Tây biết, nước Nga đang sở hữu loại vũ khí có tính năng kỹ chiến thuật không thua kém gì Tomahawk và sẵn sàng sử dụng nó trong điều kiện cần thiết.
Tính năng kỹ chiến thuật của Kalibr không chỉ cho phép lực lượng tấn công có thể tiêu diệt chính xác các mục tiêu trên đất liền và trên biển, mà còn có thể thay đổi chiến thuật sử dụng tên lửa.
Đơn giản là nếu ngụy trang Kalibr – Club dưới dạng các vật thể, hoàn toàn không thể phân biệt được đâu là quân sự, đâu là dân sự - thương mại, cung cấp phương tiện mang có tính năng cơ động cao – điều đó cho phép triển khai một mạng lưới các tổ hợp phóng tên lửa rộng khắp, thực tế không thể phát hiện được.
Nếu chỉ tính bán kích tấn công của Club đến mức 300 km, Kalibr ở mức 1500 km, có thể hiểu được, tổ hợp tên lửa Kalibr – Club nguy hiểm đến mức nào.
Tổ hợp tên lửa, hạt nhân cơ bản của hệ thống tên lửa hành trình đã được chế tạo từ lâu, phiên bản xuất khẩu của tổ hợp tên lửa là Club-K.
Lần đầu tiên tổ hợp tên lửa Club-K được giới thiệu vào năm 2009 tại triển lãm Vũ khí trang bị quân sự Châu Á và ngay lập tức tạo ra một cơn bão tranh luận. Nguyên nhân này là container vận tải biển 40-foot phổ biến nhất trên thế giới, bên trong gắn bệ phóng cho bốn tên lửa "Kaliber - Club" - 3M-14E, 3M-54E và 3M-54E1.
Bên ngoài, không thể phân biệt được đâu là container hàng hóa, đâu là container vũ khí. Container có thể đặt lên mọi phương tiện vận tải của bất cứ quốc gia nào, kể cả ở Việt Nam. Có thể trên xe vận tải container, trên đường sắt và trên các tàu vận tải sông, biển. Các phương tiện mang đa dạng này được đưa đến khu vực gần với quốc gia thù địch và tiến hành phóng đạn ngay sát mục tiêu.
Với tầm bắn dưới 300 km, không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có đủ thời gian đánh chặn. Mặc dù có tính năng tác chiến năng động như vậy nhưng một tổ hợp tên lửa Club-K có giá thành chỉ khoảng 15 triệu USD và có thể giảm theo cơ chế đồng minh – đối tác chiến lược. Các siêu cường cảm thấy bất an do Nga có thể cung cấp loại vũ khí này cho những nước đồng minh, đang gặp khó khăn vì chính sách đối ngoại hiếu chiến.
Không có khả năng chạy đua với sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ, các nước nhỏ hơn như Venezuela, Iran và nhiều nước khác có thể sử dụng Club-K như một vũ khí chiến tranh du kích.
Chỉ cần đưa các tổ hợp container lên một phương tiện vận tải – tàu biển và chiếc tàu đó đi gần bờ biển đối phương trong tầm bắn hiệu quả (từ khoảng 300 km), sử dụng đầu đạn nổ thường hoặc nhiệt áp. Mục tiêu có thể là khu công nghiệp dầu mỏ, nhà máy hóa chất hoặc các cơ sở hạ tầng quân sự. Những nguy cơ và hậu quả sẽ buộc các siêu cường hiếu chiến phải suy nghĩ thận trọng hơn.
Các chuyên gia của Lầu Năm Góc tin rằng, nếu như Saddam Hussein có tổ hợp tên lửa Club - K năm 2003, cuộc chiến xâm lược Iraq của Mỹ sẽ không thể diễn ra. Tương tự như vậy với cuộc không kích của NATO vào Nam Tư
Hiện nay nhiều nước châu Á đặc biệt quan tâm đến tổ hợp vũ khí này. Một điều khá thú vị là do vũ khí có tính bí mật cao, nên các cuộc đàm phán đều được đóng dấu “tuyệt mật”. Nhưng nếu trên một vùng biển như biển Đông, một đoàn tàu vận tải thương mại container hoàn toàn có thể tấn công một căn cứ quân sự hoặc một cụm binh lực hải quân của bất cứ một siêu cường nào mà siêu cường đó không có đủ thời gian phản ứng. Đó chính là vũ khí thay đổi cuộc chơi, vũ khí “răn đe – kiềm chế” - Club-K!
QA