Video: Ghi nhanh trong ngày đầu tiên triển khai tiêm 117,6 ngàn liều vaccine COVID-19

VietTimes – Vaccine COVID-19 sử dụng trong đợt đầu này là của AstraZeneca, được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn 1, Việt Nam sẽ tiêm 117,6 ngàn liều trong số dự kiến hơn 100 triệu liều.
Sáng 8/3, những mũi vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca đã được tiêm cho những người trên tuyến đầu chống dịch, trong đó có các cán bộ y tế.

Hôm nay (8/3/2021) là ngày bắt đầu triển khai đợt tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong đợt này, Việt Nam thực hiện tiêm 117.600 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca cho các đối tượng ưu tiên là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu, thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng.

Việc tiêm chủng được thực hiện tại 13 tỉnh/thành phố đang là “điểm nóng” về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TPHCM, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc, với nguồn lực đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước.

Video: Những mũi tiêm vaccine COVID-1 đầu tiên trong số hơn 100 triệu liều sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, theo thống kê thế giới hiện nay, số cán bộ y tế nhiễm COVID-19 chiếm 10% số người mắc, nhiều nước có tử vong. Việt Nam may mắn chưa có nhân viên y tế tử vong do mắc bệnh.

“Chúng ta đã trải qua 3 làn sóng dịch nhưng rất may mắn, nhân viên y tế của chúng ta đều an toàn. Đó là thắng lợi lớn. Vì chúng ta đã rút kinh nghiệm từ những lần chống dịch như SARS... Cán bộ y tế của chúng ta cũng đã được cấp đầy đủ đồ phòng hộ, hạn chế tối đa số người lây nhiễm. Giờ chúng ta tổng kết thành hướng dẫn 5K cho cả người dân” - GS Nguyễn Văn Kính chia sẻ.

“Bất kỳ một loại thuốc hay hoá chất nào được đưa vào cơ thể đều có tác dụng phụ nhất định. Phổ biến nhất là đau tại chỗ tiêm, áp xe chỗ tiêm. Nặng nề nhất là sốc phản vệ. Kể cả kháng sinh khi tiêm vào cơ thể người cũng có thể sốc phản vệ. Tại mỗi cơ sở, chúng ta đều biết biến cố bất lợi đó, nên phải có chuẩn bị dụng cụ sẵn sàng, trước tiêm phải hỏi người được tiêm có tiền sử dị ứng, tiền sử phản vệ không, hãy sàng lọc thật kỹ vì mỗi loại thuốc, vaccine đều có chống chỉ định” - GS Nguyễn Văn Kính cho biết.

Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng cho biết, hiện chưa có nhiều nghiên cứu sử dụng vaccine này ở phụ nữ mang thai, cũng chưa có dữ liệu nghiên cứu lâm sàng cho người từ 0-18 tuổi nên chỉ khuyến cáo tiêm cho người từ 18-60 tuổi. Gần đây, qua các thử nghiệm tiêm trên thế giới, cũng đã thấy có hiệu quả đối với người trên 60 tuổi. Ít nhất 2/3 dân số tiêm thì có miễn dịch. Nếu tiêm đủ 2 mũi, thì tỷ lệ bảo vệ là 81%.

Một số hình ảnh chụp ngày đầu tiên triển khai tiêm vaccine COVID-19 tại Hà Nội và các địa phương khác: