E-magazine Vị tướng đầu tiên ghép chi thành công ở Việt Nam

Gần 5 năm trước, thiếu tướng, GS.TSKH, thầy thuốc nhân dân, viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới Nguyễn Thế Hoàng đã đặt dấu mốc lịch sử ở Việt Nam với ca ghép tay từ người cho sống đầu tiên trên thế giới.

Thiếu tướng Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ ông có khoảng 40 công trình khoa học mà phần lớn ông là tác giả chính đã đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ SCI/Scopus và khoảng 60-70 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước.

Những công trình của ông đã được ứng dụng phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân đều liên quan đến lĩnh vực vi phẫu, tân tạo tuần hoàn, chuyển ghép các vạt tổ chức tự do, trồng nối chi thể đứt rời và ghép tạng.

Các kỹ thuật này đã được ứng dụng rộng rãi từ lâu, không chỉ ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mà còn ở nhiều bệnh viện khác.

- Thế còn những thành tựu mà ông đã được nhận Giải thưởng Friedrich Wilhelm Bessel của CHLB Đức?

- Tôi làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ Y học và sau đó là Tiến sỹ Khoa học, tổng cộng gần 10 năm ở CHLB Đức về chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tạo hình và vi phẫu thuật, cũng như chuyển ghép các vạt tổ chức tự do dưới sự hướng dẫn của GS danh tiếng Edgar Biemer - nguyên là Chủ tịch Hội Vi phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Phẫu thuật bàn tay của CHLB Đức.

Trong thời gian đó, năm 2008, tôi là một trong năm phẫu thuật viên dưới sự chỉ đạo của GS.TSKH Edgar Biemer đã thực hiện ca mổ ghép đồng thời hai cánh tay từ người cho chết não đầu tiên trên thế giới - ca mổ đi vào lịch sử y học thế giới.

Với thành công của ca ghép này, các phẫu thuật viên chính đều được tặng Huân chương Cống hiến khoa học của Trường Đại học tổng hợp Munich và Hiệp hội Ngoại khoa Cộng hòa Liên bang Đức. Đây cũng là giải thưởng nhằm tôn vinh những đóng góp khoa học có ý nghĩa mới, mang tính cách mạng trong lĩnh vực ghép tạng.

- Ca mổ đó có ý nghĩa như thế nào với ngành y học thế giới, thưa GS?

- Ca ghép hai cánh tay đầu tiên trên thế giới này đã “đổi đời” cho bệnh nhân - một nông dân Đức, bị cụt cả hai cánh tay đến sát khớp vai sau một tai nạn. Bệnh nhân cảm nhận cuộc sống trở thành thảm họa khi không còn tự chăm sóc bản thân được. Ông rất khổ tâm khi ăn uống, tắm giặt và cả khi đi vệ sinh đều cần có người bên cạnh, khiến ông thấy mình trở thành gánh nặng cho gia đình.

Ông đi khám ở nhiều nơi nhưng không có giải pháp nào khả thi, khiến ông trở nên tuyệt vọng và từng muốn quyên sinh. Rồi ông tình cờ đến bệnh viện Rechts der Isar khám và gặp GS Edgar Biemer. Giáo sư tư vấn rằng khả năng tối ưu nhất là ghép phục hồi cả hai cánh tay từ người cho chết não. Và ông đã kiên nhẫn chờ đợi bốn năm liền.

Sau gần 20 năm được ghép, cho đến nay đôi tay ghép của ông đã làm được hầu như mọi việc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, từ ăn uống, làm việc đến viết lách, lái xe ...

Sau ca ghép này, đến nay, trên thế giới chỉ mới thực hiện thành công thêm 3 - 4 ca ghép theo phương pháp này. Ngoài ra, loại phẫu thuật này cũng chỉ mới được thực hiện ở những nước có nền khoa học cấp cao như ở Mỹ và Anh.

- Sau đó ông đã đưa những thành quả từ ca ghép lịch sử đó về Việt Nam?

- Sau ca ghép đầu tiên chúng tôi thực hiện thành công vào năm 2000, đến nay nhóm nghiên cứu đã ghép thành công cho 4 bệnh nhân với 6 chi ghép và kết quả sau mổ đều rất tốt.

Ca ghép năm 2000 là ca ghép bàn tay đầu tiên tại Đông Nam Á và cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Một ấn tượng đặc biệt đối với tôi về ghép chi thể là vào ngày 30 Tết 2024, chúng tôi đã thực hiện ghép thành công ghép đồng thời cả 2 cánh tay cho một thanh niên 20 tuổi bị cụt cả hai cánh tay đến sát vai do một tai nạn 4 năm trước.

Đây thực sự là một ca mổ rất ấn tượng, không chỉ là ca ghép 2 cánh tay đầu tiên ở Việt Nam, mà còn là những kết quả phục hồi chức năng rất ngoạn mục sau ghép. Thông thường, để chi ghép phục hồi được chức năng vận động và cảm giác, giúp bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, cần 1,5-2 năm.

Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau ghép cánh tay, các ngón tay của chi ghép này đã tự nhúc nhích được. Sau 10 tháng, cả hai tay ghép đều phục hồi vận động và cảm giác rất tốt. Bệnh nhân đã có thể tự phục vụ được cho bản thân mình như đi vệ sinh, cầm bát, cầm đũa, cầm bút viết, tự mặc quần áo, đi xe đạp, xe máy, điều khiển điện thoại vv...

Sự mãn nguyện của bệnh nhân có thể thể thấy được qua tấm ảnh trên Avatar với chiếc áo cộc tay và một nụ cười vô cùng hồn nhiên và hạnh phúc!

Cách đây mấy tháng, GS Edgar Biemer sang thăm Việt Nam, khi thăm khám cho bệnh nhân, ông đã phải thốt lên kinh ngạc vì sự hồi phục quá ngoạn mục của bệnh nhân.

- Là chuyên gia hàng đầu về chấn thương chỉnh hình và vi phẫu của Việt nam, tên tuổi của ông còn được khẳng định trên thế giới trong lĩnh vực vi phẫu thuật dịch chuyển các vạt tổ chức tự do. Xin ông chia sẻ về ý nghĩa của những nghiên cứu này?

- Ứng dụng vi phẫu thuật dịch chuyển các vạt tổ chức tự do có giá trị đặc biệt quan trọng trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình vì nó cho phép làm liền các vết thương sớm hơn, kể cả khi vết thương lộ gân và xương khớp.

Trước đây, việc điều trị những tổn thương này vô cùng phức tạp, để lại di chứng nặng nề, có thể mất đi khả năng lao động. Những kỹ thuật này vừa giúp làm liền vết thương nhanh chóng, vừa giúp loại bỏ nhiễm khuẩn và phục hồi toàn bộ các cấu trúc giải phẫu, mang lại chức năng tối ưu.

- Ông có cảm xúc thế nào khi trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới?

- Đối với tôi, đây là một niềm tự hào to lớn, vì đó là sự công nhận của thế giới về những đóng góp khoa học của tôi. Bên cạnh niềm vui và tự hào, tôi cũng nhận thấy một trách nhiệm rất lớn đối với chuyên ngành và cộng đồng vì với cương vị được bầu, tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa vì sự phát triển chung, không chỉ của đất nước, mà còn là của cộng đồng thế giới.

- Xin cảm ơn Giáo sư !

Kính mời độc giả đọc đặc san VietTimes Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề "Chuyển đổi số và kỷ nguyên vươn mình" tại đây!