Vị thế địa chính trị được xác định bằng tiềm lực chính trị, kinh tế, quân sự, dân số và mặt bằng trí thức.
Vị trí địa chính trị quốc gia còn chịu ảnh hưởng của những cửa khẩu mở ra biển lớn, cấp độ phát triển của hệ thống giao thông, sự hiện diện và tình trạng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, độ dài của biên giới trên đất liền, trên không và trên biển, điều kiện khí hậu, thủy văn môi trường, cấp độ các mối quan hệ quốc tế.
Vị thế địa chính trị của quốc gia
Hình thái địa chính trị thế giới hiện nay hoàn toàn khác hẳn so với hệ thống địa chính trị từng tồn tại bởi các mối quan hệ quốc tế ngày càng trở lên phức tạp, đại đa số những quan hệ này đã phá hủy hoàn toàn các sơ đồ địa chính trị trước đây. Địa chính trị thời quá khứ cho ta thấy hình thái được biểu thị rất rõ ràng và chính xác, hệ thống tọa độ địa chính trị cụ thể và cố định, những xung đột liên tiếp và những sự cố đối đầu không đủ sức thay đổi những liên minh lực lượng thống trị biển và đất liền, hình thành khái niệm "Heartland" và "Rimland.".
Hệ thống địa chính trị quốc tế đa trung tâm (đa cực) hiện nay “Post Westphal” đã loại bỏ các phương pháp tiếp cận địa chính trị cổ điển, hình thành các cụm tỷ phần thế giới và phân tách. Để giải thích các sự kiện địa chính trị cần có những phương pháp phân tích phi truyền thống và đa chiều mới.
Trong khoa học chính trị không có sự phân tích khái niệm “vị thế địa chính trị”, các nhà nghiên cứu thuộc các trường phái địa chính trị và các xu hướng khác nhau đã gián tiếp liên quan đến vấn đề vị thế địa chính trị của quốc gia, nhưng chỉ trong giới hạn minh chứng hoặc phản biện các lý thuyết của mình.
Friedrich Ratzel một trong những nhà lý luận địa chính trị trong tác phẩm chủ đạo “Địa lý Chính trị” “Politische Geographie” (1987) [8], đã chứng minh ý tưởng là: những tính chất cơ bản của một quốc gia được xác định bởi lãnh thổ và vị trí của quốc gia đó trên bản đổ địa cầu, sự phát triển của quốc gia được phụ bởi thuộc vào khả năng thích ứng với điều kiện môi trường. H.J. Mackinder trong bản báo cáo của mình “Trục địa lý lịch sử” được công bố năm 1904 trên tạp chí “Địa lý - Geograghical Journal” đã đưa vào khái niệm (Heartland) – trái tim quốc tế hay còn gọi là “trọng tâm trái đất” điểm đầu cầu thuận lợi cho việc kiểm soát toàn bộ thế giới và thể hiện địa vị hàng đầu của quốc gia.
A. Mahan đã đưa ra các tiêu chí nhằm phân tích vị trí hoặc vị thế địa chính trị của nhà nước, bao gồm: vị trí địa lý và vùng mở ra hướng biển, cấu hình của bờ biển và số lượng hải cảng có được mà sự phát triển thịnh vượng thương mại và chiến lược an ninh quốc gia phụ thuộc vào vấn đề này. Chiều dài lãnh thổ, thống kê dân số, bản sắc dân tộc và bản chất chính trị của cơ quan công quyền điều hành đất nước. Cơ sở căn bản của lý thuyết Mahan về địa chính trị là vấn đề quốc gia biển mà Mahan cho rằng đó là Mỹ, có tiềm năng của siêu cường thống trị thế giới và đối đầu với những nền văn minh lục địa (các quốc gia Á Âu mà đứng hàng đầu là Trung Quốc và Nga).
Nhà địa chính trị nổi tiếng Mỹ N. Spykman trong tác phẩm, "Chiến lược Mỹ trong chính trị thế giới" và "Địa lý thế giới" phát triển các lý luận của Mahan, đã xác định 10 tiêu chí vị thế đất nước,trên cơ sở đó sẽ xác định quyền lực địa chính trị của quốc gia. Trong các tiêu chí đó có: Bề mặt lãnh thổ, tổng dân số, sự phát triển kinh tế và công nghệ, tình đồng nhất của các dân tộc, cấp độ hòa nhập cộng đồng xã hội, ổn định chính trị v.v..Nếu như tổng kết quả của các tiêu chí địa chính trị nói trên không cao, tình thế sẽ tự động đẩy quốc gia đó vào một liên minh chiến lược nhằm có được sự hỗ trợ của hệ thống địa chính trị toàn cầu.
Vị thế địa chính trị của quốc gia – đây là vị trí và vai trò của quốc gia trong hệ thống địa chính trị các nước trong khu vực cũng như hệ thống địa chính trị toàn cầu. Vị thế địa chính trị được xác định bằng tiềm lực chính trị, kinh tế, quân sự, dân số và trí tuệ. Vị trí địa chính trị quốc gia còn chịu ảnh hưởng của những cửa khẩu mở ra biển lớn, cấp độ phát triển của hệ thống giao thông, sự hiện diện và tình trạng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, độ dài của biên giới trên đất liền, trên không và trên biển, điều kiện khí hậu, thủy văn môi trường, cấp độ các mối quan hệ quốc tế. Vị thế của quốc gia có thể đánh giá theo các cấp: Cấp toàn cầu (vĩ mô) – gắn liền với các trung tâm kinh tế, chính trị thế giới. Cấp khu vực (trung) – liên quan đến các khu vực lớn và các cụm quốc gia phát triển; Cấp vi mô – Các mối quan hệ chủ yếu liên quan đến các nước láng giềng.
Khái niệm “vị thế” trong các tài liệu khoa học hiện đại được giải thích khá mơ hồ. Trong xã hội học khái niệm “vị thế” được hiểu là vị trí (địa vị) của một cá nhân hay một nhóm người trong hệ thống xã hội, vị thế của một chủ thể được xác định bằng một loạt các tiêu chí kinh tế, tính chuyên sâu nghề nghiệp, dân tộc và các tiêu chí cụ thể khác của một hệ thống xã hội. Trong từ điển bách khoa “địa chính trị” vị thế được hiểu như một tập hợp các quyền và và trách nhiệm, xác định rõ địa vị pháp lý của chủ thể trong các cơ quan nhà nước, trong cộng đồng hoặc các tổ chức quốc tế. Vị thế của chủ thể trong xã hội có thể là do “quy định” được kế thừa hoặc “nỗ lực đạt được”.Như vậy, vị thế - địa vị của một chủ thể trong một hệ thống phân cấp các mối quan hệ xác định.
Vị thế chính trị được xác định bằng sức mạnh của quốc gia và những khả năng đưa vào hiện thực trong môi trường các mối quan hệ quốc tể nhất định. Những yếu tố quan trọng của vị thế là: bản chất cấu thành, quyền lực tối thượng trong vùng lãnh thổ, cơ cấu tổ chức cơ quan quyền lực hợp hiến, sự hiển diện của sở hữu nhà nước, hệ thống tiền tệ đơn nhất, tư cách pháp nhân quốc tế chung được thừa nhận .v.v.
Bất cứ một quốc gia nào, tồn tại trong một hệ thống địa chính trị, xác định một địa vị nhất định, có nghĩa là một vị thế, bao hàm sự hiện diện của địa vị chính trí và pháp lý quốc gia đó trong các mối quan hệ quốc tế. Nói cách khác, vị thế địa chính trị - là địa vị chính trị - pháp lý của quốc gia hoặc một đối tượng chính trị trong khuôn khổ hệ thống địa chính trị quốc tế.
Với mỗi quốc gia, vị thế chính trị được đặc trưng bằng sức mạnh quân sự chính trị và sức mạnh kinh tế, khả năng giải quyết các các vấn đề xuất hiện trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của các quan hệ quốc tế, có nghĩa là: tiềm lực địa chính trị. Để xác định vị thế địa chính trị cần thiết phải phân tách hàng loạt các thông số, đánh giá toàn diện quốc gia đó và các tiêu chí đặc trưng không thể tách rời, mang tính then chốt của chủ thể. Các biểu hiện đặc trưng đó cấu thành cơ sở căn bản cho sự tồn tại và phát triển của quốc gia đó.
Các thông số đã nêu có thể là cơ bản không thay đổi (chủ đạo) và biến động (thứ cấp). Các thông số chủ đạo của vị thế địa chính trị là vị trí địa lý, diện tích lãnh thổ, điều kiện khí hậu, thời tiết, thủy văn, môi trường, sự hiện hữu của nguồn tài nguyên thiên nhiên, mật độ dân số và những thông số khó biến động khác. Các thông số thứ cấp có thể là: những đặc điểm về chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội của quốc gia, phụ thuộc vào ý chí chính trị của tầng lớp lãnh đạo đất nước, khả năng đưa vào thực tế chiến lược địa chính trị nào đó mà cơ sở căn bản của nó là lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc trong sự biến đổi thương xuyên, liên tục của hệ thống địa chính trị thế giới. Từ một số lượng lớn các thông số khác nhau của vị thế địa chính trị quốc gia, có thể rút ra được những điểm then chốt như sau:
1. Lãnh thổ và vị trí địa lý. Khái niệm lãnh thổ hiện nay được hiểu là không gian sống với một chế độ pháp lý nhất định, có nghĩa là một phần của trái đất với bề mặt lục địa và mặt nước, sâu trong lòng đất và không trung, gắn liền với không gian vũ trụ và những vật thể nằm trong vùng không gian đó. Đây là cơ sở vật chất cơ bản sinh tồn của quốc gia.
Chất lượng của lãnh thổ được xác định bằng điều kiện tự nhiên, khí hậu, có hay không bờ biển và những cửa khẩu mở ra biển thế giới, các đường giao thông nội thủy, đặc biệt là nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên và các phương pháp khai thác tài nguyên, tình trạng văn hóa, kinh tế, chất lượng điều hành và quản trị xã hội tổng quan nói chung từ phía tầng lớp lãnh đạo chính trị. Lãnh thổ cấu thành dự trữ chiến lược hàng đầu của quốc gia, theo giá trị vượt hơn hẳn các dự trữ chiến lược khác , ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất và những thông số cơ bản của lợi ích quốc gia, dân tộc.
2. Không gian biên giới lãnh thổ và tình trạng biên giới. Không gian biên giới bao gồm phần tiếp giáp với biên giới từ phía bên trong và phía bên ngoài phần lãnh thổ trên bộ, trên biển, trên không, trong giới hạn của không gian biên giới thiết lập chế độ pháp lý và những thủ tục đặc biệt quy định hành vi nhằm đảm bảo chủ quyền của đất nước và những lợi ích của quốc gia, dân tộc. Biên giới quốc gia và những thông số của không gian biên giới là một thành phần không thể tách rời của vị trí địa chính trị quốc gia.
3. Khả năng sinh tồn và phát triển, thành phần quan trọng là tình trạng dân số: số lượng và chất lượng. Chất lượng dân số được hiểu là tình trạng thể lực chung của dân số, tình hình sinh sản và kiểm soát dân số của xã hội, cấp độ giáo dục và các ngành chuyên nghiệp...
4. Sự hiện diện của sức mạnh chiến lược quân sự, bao gồm hoạt động hiệu quả của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang, sự hiện diện hoặc không có vũ khí hủy diệt lớn, sự phát triển của công nghiệp chiến lược. Một điều quan trọng nữa là sự tham gia của quốc gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, sự phát triển của lực lượng công quyền, khả năng đảm bảo an ninh quốc gia và dân tộc trên tầm thế giới. Vai trò then chốt là sự hiện diện của học thuyết quân sự, xác định rõ nét các nguy cơ và các phương pháp ngăn chặn, vô hiệu hóa.
5. Cấp độ an ninh quốc gia và an ninh dân tộc. An ninh quốc gia là hệ thống chức năng đa cấp phức tạp mà trong đó luôn diễn ra các quá trình tương tác và đối đấu những lợi ích sống còn, trước hết là quốc gia đấu tranh với những nguy cơ đe dọa lợi ích từ phía bên trong cũng như thế giới bên ngoài. Thành tố xương sống của hệ thống an ninh quốc gia là những lợi ích quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đến những nhu cầu thực tế của đất nước và của xã hội, sự đáp ứng những nhu cầu đó có khả năng đảm bảo sự phát triển ổn định của quốc gia.
Đảm bảo an ninh của bất cứ quốc gia nào đều mang tính đặc thù, do tính chất đặc trưng riêng biệt của lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc cũng như phương pháp thực tế hóa những lợi ích đó. Trong thế kỷ 21 những tiêu chí mới về an ninh càng ngày càng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nhưng đồng thời phải giữ được sự cân bằng lực lượng quân sự và tương quan chiến lược quân sự, không mất đi tính quan trọng của nó. Những thực tế này vẫn giữ được giá trị của nó tương tự như yếu tố cơ bản của hệ thống an ninh thế giới .
6.Cấp độ phát triển chiến lược địa chính trị của quốc gia được thực tế hóa trong hệ thống các chương trình văn bản quốc gia: Hiến pháp, các nội dung đảm bảo an ninh quốc gia, chiến lược an ninh kinh tế, chiến lược dài hơi phát triển kinh tế xã hội và tầm nhìn phát triển của đất nước. Trong tình huống địa chính trị hiện đại, đất nước đang đứng ở điểm giao nhau của 2 xu hướng chiến lược: xu hướng thứ nhất được xác định bởi những chuẩn mực hiện đại của nền văn minh châu Âu, xu hướng thứ hai dựa trên những giá trị của châu lục. Xu hướng thứ nhất là sự hội nhập của quốc gia vào cộng đồng kinh tế và chính trị toàn cầu thông qua việc xác lập trật tự kinh tế và chính trị xuyên quốc gia (liên minh châu Âu). Xu hướng thứ hai là tổ hợp chủ nghĩa tự do truyền thống và sự điều chỉnh của nhà nước bằng các các chính sách, trong nội dung này điều kiện tiên quyết là phải duy trì những giá trị tự do của nền kinh tế thị trường.
7. Khả năng đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng quốc tế, bao gồm những hành động địa chính trị tích cực hoặc chủ động của quốc gia và xã hội, sức mạnh của kinh tế và tài chính, cấp độ phát triển khoa học và công nghệ cao, năng lực quốc tế và uy tín của quốc gia trên trường thế giới.
Vị thế địa chính trị của quốc gia được hình thành trong quá trình phát triển văn hóa, xã hội, được xác định bằng các nhân tố cơ bản như sự tồn tại của dân tộc, sự phân bổ dân số theo địa lý, tập hợp các sức mạnh của quốc gia. Trong khuôn khổ trật tự thế giới hiện đại, quốc gia vẫn là thành phần chủ chốt của địa chính trị nhưng theo sức mạnh tổng hợp, các quốc gia được phân tách theo cấp độ. Giai đoạn hiện nay có 4 nhóm quốc gia cơ bản – những thành phần của địa chính trị: siêu cường, cường quốc thế giới, cường quốc khu vực và các quốc gia nhỏ. Siêu cường (thuật ngữ xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ 20 – là cường quốc có ưu thế sức mạnh lớn nhất, đôi khi là tuyệt đối về kinh tế, chính trị, quân sự đối với hầu hết tất cả các nước khác, hoặc có được ba ưu thế tuyệt đối đã nêu.
Siêu cường không có số nhiều: trong những điêu kiện khác nhau của trật tự địa chính trị có thể là Một siêu cường(thế giới đơn cực) hoặc hai siêu cường (lưỡng cực). Mỹ và Liên bang Xô viết, hai siêu cường không chỉ là nước hàng đầu về quân sự, mà theo hệ tư tưởng và kinh tế đều là các nước hàng đầu lãnh đạo hai khối các nước đối đầu mhau. Những hoạt động mở rộng trong các không gian địa chính trị khác nhau mang tính tuyệt đối, ví dụ như Mỹ và Liên xô có ưu thế tuyệt đối về vũ khí hạt nhân những năm 60 – 70 của thế kỷ 20. Các quốc gia lãnh đạo mang sứ mệnh nặng nề, bảo vệ an ninh cho cả khối và các nước định hướng theo chính sách của họ.
Siêu cường – quốc gia trên thực tế xã hội và thường xuyên có ảnh hưởng lên sự phát triển của thế giới trong khuôn khổ một thời đại xác định. Đại hội Vienna năm 1815 các quốc gia chiến thắng đã hệ thống hóa vị thế của các cường quốc vĩ đại. Hình thành "Concert các cường quốc", gồm Nga, Anh, Áo, Phổ, và sau đó là Pháp. Các cường quốc đã mở rộng vùng địa chính trị liên tục, nhưng không đồng đều. Siêu cường hiện đại (World power) – là quốc gia có thể gây ảnh hưởng hiệu quả thực sự và lâu dài lên hệ thống luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Nói cách khác, cường quốc - là nhà nước có sở hữu khả năng vượt trội ở khu vực địa chính trị trên tất cả các không gian.
Việc mở rộng vùng ành hưởng địa chính trì của các cường quốc diễn ra thường xuyên, liên tục, chỉ có sự khác biệt là không có tính tuyệt đối, tính toàn cầu và không đồng đều. Trên thế giới tồn tại các quốc gia, không có được tập hợp các sức mạnh của cường quốc, những vượt hơn hẳn các quốc gia khác về cấp độ phát triển một tiêu chí sức mạnh nào đó trong tập hợp sức mạnh. Liên quan đến vấn đề này hình thành các khái niệm “cường quốc kinh tế” “cường quốc hạt nhân” “cường quốc biển”….cho phép làm nổi bật vị thế về sức mạnh của một quốc gia nếu so sánh với những quốc gia khác.
Khái niệm “cường quốc khu vực” xuất hiện không lâu – hoàn toàn mới trong lịch sử. Cường quốc khu vực là các quốc gia, có được những ảnh hưởng thực tế nhất định trong giới hạn khu vực cụ thể, theo một số các tiêu chuẩn khác không đạt được đến vị trí của các cường quốc thế giới như Iran, Brazil, Ấn độ, Úc và một số nước khác.
Các nước nhỏ – là các quốc gia có tổng hợp sức mạnh và ảnh hưởng hạn chế trong khuôn khổ các quan hệ quốc tế. Khái niệm các nước nhỏ còn được sử dụng đối với các quốc gia mà tầm quan trọng của vị trí cũng như lãnh thổ có giá trị không lớn ngay cả giới hạn khu vực.
Vị thế địa chính trị Việt Nam có thể là cường quốc?
Những tiêu chí cơ bản: Xét từ góc độ địa thế và hình dáng lãnh thổ đất nước, Việt Nam có một vị trí chiến lược rất quan trọng, có thể thấy trên bản đồ địa chính trị khu vực như một cầu nối hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của châu Á. Việt Nam là cửa giao thương với các nền kinh tế biển khu vực, đồng thời cũng là cửa khẩu đi vào hệ thống giao thông đường bộ trên đất liền của các quốc gia Đông Nam Á và châu Á.
Với không gian biên giới đất liền và biển dài và hẹp, Việt Nam thực sự là trung tâm kinh tế thương mại trong khu vực Đông Nam Á, đễ dàng kết nối với biển Hoa Đông và với vùng Viễn Đông của Nga. Đồng thời từ Việt Nam qua Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Băng la đét bằng đường bộ, có thể tiếp cận vùng Nam Á. Là nền kinh tế biển, Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, trong đó tài nguyên dầu khí trên thềm lục địa có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, khu vực và thế giới. Một điểm thú vị nữa, Biển Đông chính là con đường vận tải thương mại lớn, kết nối với những nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Vấn đề dân số: Dân số và mật độ tăng ổn định, với chính sách dân số, độ tuổi người lao động (từ 15 – 59) tăng ổn định. Với mức sinh như hiện nay, dự báo dân số Việt Nam vào năm 2019 sẽ là 94,7 triệu người, 63% dân số có độ tuổi lao động.
Dân tộc Việt Nam có khả năng hội nhập cộng đồng cao, không có nguy cơ tiềm ẩn chia rẽ dân tộc trong cộng đồng người Việt, dễ hòa nhập với cộng đồng quốc tế, đời sống tâm linh, tôn giáo của người Việt ổn định, có tính hòa bình cao.
Như vậy vị thế địa chính trị trên góc độ tự nhiên của Việt Nam thực tế đã hội tụ khá đủ yếu tố của một cường quốc.
Những tiêu chí biến động: Từ quan điểm lịch sử địa chính trị, do tính chiến lược quan trọng của địa thế. Việt nam trong 4000 năm lịch sử, với bề dầy hàng ngàn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đất nước Việt Nam và dân tộc Việt thích nghi với môi trường khu vực và quốc tế, hơn thế nữa, đã để lại một dấu ấn sâu sắc trên thế giới về lịch sử giữ nước và dựng nước, có tiếng nói trong phong trào gìn giữ độc lập và tự chủ.
Hệ thống chính trị lãnh đạo đất nước ổn định, cho tới thời điểm hiện nay không có những những nguy cơ thường trực đe dọa sự ổn định môi trường chính trị trong nước.
Từ những tiêu chí cơ bản đã nêu, trong điều kiện tự nhiên, Việt Nam hoàn toàn có vị thế địa chính trị quan trọng khu vực để trở thành cường quốc khu vực. Những điều chưa đầy đủ là tổng hợp sức mạnh kinh tế, quân sự, công nghiệp dân sự, khoa học công nghệ và hạ tầng giao thông. Hội tụ đủ sức mạnh của các tiêu chí cần thiết đã nêu. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cường quốc có ảnh hưởng rất lớn trong khu vực và có vị thế địa chính trị của một trung tâm kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.
Nỗ lực đạt được và duy trì vị thế địa chính trị của quốc gia - kết quả của quá trình lịch sử phát triển lâu dài. Đôi khi, những đặc điểm khởi nguồn của quốc gia cho phép nước đó có vai trò hàng đầu trong phân tầng địa chính trị. Nhưng hầu hết các quốc gia là sự tích lũy tiềm năng và hiện thực hóa các lợi ích chiến lược của quốc gia và dân tộc để dành được vị thế địa chính trị của đất nước ở cấp độ khu vực hay trên toàn thế giới.
Trịnh Thái Bằng, theo QPAN