Vì sao OPPO đột ngột hủy bỏ kế hoạch nghiên cứu phát triển chip?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hãng điện thoại OPPO có lượng máy tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc ngày 12/5 đã đột ngột ra thông báo
quyết định chấm dứt việc nghiên cứu phát triển chip.

OPPO đột ngột tuyên bố chấm dứt hoạt động của ZEKU khiến 3 ngàn nhân viên có nguy cơ mất việc (Ảnh: Reuters).
OPPO đột ngột tuyên bố chấm dứt hoạt động của ZEKU khiến 3 ngàn nhân viên có nguy cơ mất việc (Ảnh: Reuters).

Công ty đã thông báo quyết định chấm dứt hoạt động của ZEKU là công ty chịu trách nhiệm về mảng nghiên cứu phát triển chip của OPPO. Theo The Paper, ZEKU có trụ sở chính tại Thượng Hải và đã thành lập các chi nhánh thiết kế tại Bắc Kinh, Tây An, Thành Đô, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Vào thời điểm thành lập, ZEKU đã đưa ra mức lương rất cao để lôi kéo, tranh giành các tài năng trong ngành, nhiều người trong số họ là các nhân viên thiết kế chip cấp cao hàng đầu của các công ty khác như Huawei, HiSilicon, Qualcomm và MediaTek.

Theo trang Finance.sina, ngày 12/5, sau khi OPPO thông báo sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh của công ty thiết kế chip ZEKU, các chủ đề liên quan nhanh chóng trở thành được tìm kiếm nhiều nhất. Về vấn đề này, OPPO trả lời rằng trước những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và thị trường điện thoại di động, công ty đã quyết định chấm dứt hoạt động của ZEKU sau khi cân nhắc kỹ lưỡng. "Đây là một quyết định rất khó khăn. Chúng tôi sẽ xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan, đồng thời sẽ tiếp tục tạo ra những sản phẩm tốt và tiếp tục sáng tạo giá trị".

Theo các thông tin được công khai, vào năm 2019, OPPO đã thành lập công ty con "làm chip" Shoupu Technology, năm 2020 công ty này được đổi tên thành ZEKU Technology và OPPO lần đầu tiên công bố những ý tưởng và kế hoạch về chip. Bắt đầu từ năm 2021, OPPO đã liên tiếp cho ra mắt một số sản phẩm chip họ tự phát triển và ứng dụng thành công, củng cố hơn nữa vị thế của OPPO trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chip.

Lanh dao OPPO tuyen bo dong cua ZEKU.jpeg
Các quan chức OPPO buồn bã thông báo chấm dứt hoạt động của ZEKU.

Vào tháng 12/2021, OPPO đã ra mắt thành công con chip tự phát triển đầu tiên của mình mang tên “MariSilicon X” 6nm đầu tiên trên thế giới. Đây là con chip NPU hình ảnh tính năng mạnh mẽ, được lắp trên nhiều mẫu điện thoại di động hàng đầu của OPPO để nâng cao khả năng xử lý hình ảnh. Vào thời điểm đó, CEO Trần Minh Vĩnh (Chen Mingyong) của OPPO cho biết MariSilicon X chỉ là một bước nhỏ để OPPO tự nghiên cứu phát triển chip, trong tương lai OPPO sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực và sử dụng đội ngũ mấy ngàn người để tự phát triển chip một cách bám sát thực tế.

Vào tháng 12/2022, OPPO lại cho ra mắt con chip thứ hai do họ tự phát triển là MariSilicon Y. Đây là chip SoC âm thanh Bluetooth hàng đầu nhắm đến lĩnh vực "âm tần điện toán", có thể mang lại sự cải thiện lớn về chất lượng âm thanh cho các thiết bị âm thanh Bluetooth.

CEO Trần Minh Vĩnh một lần nữa nhắc lại niềm tin vững chắc của ông vào khoản đầu tư vào ngành công nghiệp chip trong một bài phát biểu nội bộ hồi cuối năm 2022. Ông tuyên bố: "Vấn đề chip là những gì chúng ta đã đặt ra mục tiêu, nhất định phải làm và chúng ta phải làm tốt. Chúng ta chưa bao giờ hy vọng tạo ra kỳ tích, bởi vì chip tốt rất khó làm, chúng ta phải làm từng bước một, tiến về phía trước một cách chắc chắn."

Nhưng không ai nghĩ rằng chỉ vài tháng sau, OPPO đột nhiên tuyên bố chấm dứt việc nghiên cứu sản xuất chip. Điều đó cũng có nghĩa là hàng nghìn nhân tài công nghệ có thể bị sa thải. Theo giới truyền thông, OPPO đã đưa ra giải pháp cho các nhân viên: hoặc dự tuyển cho các vị trí ở các Công ty khác, hoặc chấp nhận bồi thường theo công thức "N + 3", bao gồm tiền thưởng cuối năm làm cơ sở để tính mức trợ cấp thôi việc trung bình, điều này được coi là “khá có lương tâm.”

Xét từ góc độ nhân sự, tổng số nhân viên của ZEKU hiện có tới hơn 3.000 người, nhiều người trong số họ là nhân sự cấp cao hàng đầu về thiết kế chip đến từ Huawei HiSilicon, UNISOC và Qualcomm; ngoài trụ sở chính ở Thượng Hải, công ty này còn có các chi nhánh ở Thành Đô, Tây An, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Trong gần hai năm qua ngành công nghiệp điện thoại di động Trung Quốc đã bước vào một “mùa đông lạnh lẽo”. Theo báo cáo theo dõi hàng quý của Công ty Dữ liệu quốc tế (International Data Corporation, IDC), trong cả năm 2022, thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc đã xuất xưởng khoảng 286 triệu chiếc, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lớn nhất trong lịch sử ngành này. Sau 10 năm, số lượng điện thoại thông minh Trung Quốc đưa ra thị trường đã một lần nữa giảm xuống mức dưới 300 triệu chiếc.

Chip OPPO tung duoc danh gia cao.jpg
Chip của OPPO từng được đánh giá rất cao.

Theo dữ liệu mới nhất do IDC công bố, trong quý I của năm 2023, thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc đã xuất xưởng khoảng 65,44 triệu chiếc, tiếp tục giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù OPPO vẫn đứng đầu trong số các thương hiệu Android với 18% thị phần trong quý đầu tiên của năm nay, nhưng mức tăng trưởng của nó cũng đã bị giảm đồng bộ với các nhãn hiệu khác.

Theo trang tin giải đáp Zhihu, chỉ sau 3 năm triển khai nghiệp vụ nghiên cứu phát triển chip, ZEKU đã “nướng” mất 50 tỉ NDT (7 tỉ USD).

Các công ty bán dẫn Trung Quốc gần đây đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2023. Lợi nhuận ròng của hầu hết các công ty hàng đầu đều sụt giảm, thậm chí nhiều công ty còn thua lỗ. Là công ty sản xuất chip lớn nhất tại Trung Quốc, SMIC quý I đạt doanh thu 10,209 tỉ NDT, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ là 1,591 tỉ NDT, giảm tới 44% so với cùng kỳ năm trước.

Ngay từ năm 2014, để thoát khỏi sự phụ thuộc của Trung Quốc vào việc nhập khẩu chip của châu Âu và Mỹ, chính phủ đã tuyên bố chính thức thành lập “Quỹ lớn quốc gia”, trọng điểm là đầu tư cho thiết kế, chế tạo, đóng gói và thử nghiệm chip, thiết bị và vật liệu. Vốn tài trợ giai đoạn đầu vượt quá 130 tỉ nhân dân tệ. Kể từ đó, một "Phong trào đại nhảy vọt về chip" đã được bắt đầu tại thị trường Trung Quốc.

OPPO tu bo ngien cuu che tao chip.png
Trong 3 năm, OPPO đã chi 7 tỷ USD cho việc nghiên cứu phát triển chip.

Theo dữ liệu của Qichacha, tính đến ngày 20/7/2020, có 45.300 công ty liên quan đến chip ở Trung Quốc; tính đến đầu tháng 10/2020, cả nước có hơn 50.000 công ty liên quan đến chip, riêng nửa đầu năm 2020 đã có 12.700 công ty chip được thành lập mới và tổng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp đã đạt 10 nghìn tỷ NDT. Tuy nhiên, do chu kỳ đầu tư dài của ngành công nghiệp chip và sự đầu tư mù quáng của các công ty khác nhau, điều này trực tiếp dẫn đến sự thiếu hụt nhân tài chuyên nghiệp, nguyên liệu thô, thiết bị và vốn tiếp theo.

Mấy năm gần đây, đã có thông tin về các dự án dở dang hoặc phá sản trong lĩnh vực bán dẫn và nhiều nơi thua lỗ nặng nề. Theo tiết lộ của trang 21caijing.com, đến cuối tháng 4/2022, ít nhất 80% dự án chip xuất hiện vấn đề.

Vào tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các biện pháp quản chế chip toàn diện đối với Trung Quốc, cấm các công ty sử dụng công nghệ, phần mềm hoặc thiết bị của Mỹ bán một số chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói vào thời điểm đó: “Chúng ta phải giữ ưu thế càng nhiều càng tốt trong các lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch”.

Theo Finance.sina