Tại lễ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump ngày 20/1, hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành công nghệ đã có mặt: CEO Tesla Elon Musk, CEO Apple Tim Cook, CEO Meta Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, CEO TikTok Shou Zi Chew.
Họ không chỉ xuất hiện trong lễ nhậm chức mà một số người còn là những nhà tài trợ nhiều nhất cho tổng thống kể từ chiến thắng tháng 11/2024.
Dù nhiều lãnh đạo công nghệ cũng quyên góp cho quỹ nhậm chức của cựu Tổng thống Joe Biden, lần này lại tương đối khác biệt.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump xung đột với các giám đốc công nghệ như Bezos và Zuckerberg, thậm chí còn đe dọa bỏ tù Zuckerberg.
Theo nhà phân tích Gene Munster, nó nói lên hai điều: một là, trong 5 năm qua, các hãng công nghệ hiểu được Washington đóng vai trò nhân tố “X” quan trọng trong tương lai của họ; hai là ông Trump xem trọng lòng trung thành mà một cách để thể hiện là qua ủng hộ tài chính.
Bezos và Zuckerberg có thể được hưởng lợi nhiều nhất khi thay đổi quan hệ với tân Tổng thống. Bezos có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu, một phần vì ông sở hữu tờ The Washngton Post. Ông Trump thường xuyên “lời qua tiếng lại” với Bezos trên mạng vì những bài viết của tờ báo về mình.
Trước cuộc bầu cử 2024, Bezos ngăn chặn ban biên tập ủng hộ Phó Tổng thống Kalama Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với lý do nó tạo ra thiên kiến. Hàng trăm nghìn độc giả của tờ báo đã hủy bỏ gói đăng ký để phản đối quyết định của Bezos.
Cựu CEO Amazon đang điều hành Blue Origin – đối thủ của SpaceX. Đứng về phía ông Trump đồng nghĩa với những cơ hội tốt hơn để giành hợp đồng chính phủ trong những năm tiếp theo. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi Musk đang là cố vấn thân cận của ông Trump.
Zuckerberg cũng không khác gì Bezos. Ông Trump từng tố cáo CEO Meta ngăn chặn những tiếng nói bảo thủ trên các nền tảng của mình. Mọi thứ tồi tệ hơn khi Zuckerberg đình chỉ tài khoản của ông Trump sau vụ bạo động Đồi Capitol ngày 6/1/2020.
Khi ông Trump có dấu hiệu sẽ thắng cử, Zuckerberg cũng thay đổi để giành được cảm tình của ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Mới đây, công ty thông báo loại bỏ chương trình xác thực nội dung bên thứ ba để theo đuổi cái gọi là ghi chú cộng đồng.
Zuckerberg cũng chấm dứt chương trình đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, một chính sách được cho là không thuận mắt tân Tổng thống Mỹ.
Theo Zeus Kerravala, nhà sáng lập kiêm nhà phân tích trưởng hãng nghiên cứu ZK, tất cả các lãnh đạo đều ủng hộ bằng tiền. Chính quyền Trump 2.0 sẽ nghiêng về phía doanh nghiệp và họ đang quyên góp số tiền lớn để bảo đảm họ có tiếng nói khi các chính sách được soạn thảo.
Những công ty AI như OpenAI đều quyên góp cho quỹ nhậm chức của ông Trump. Ngành công nghiệp AI phát triển nhanh chóng, họ khao khát muốn đóng góp ý kiến của mình liên quan đến những quy định quản lý trong tương lai.
Trong khi đó, CEO Apple Tim Cook sẽ muốn thảo luận về thuế quan và ảnh hưởng của nó đến doanh thu của công ty, chưa kể “táo khuyết” đang gặp nhiều vấn đề độc quyền.
Về phần mình, Microsoft và Google có thể hưởng lợi vào thời điểm doanh nghiệp khắp nơi đang đối mặt với giám sát ngày càng tăng xoay quanh mua bán, sáp nhập.
Đồng sáng lập Microsoft Bill Gates chia sẻ, ông đã có cuộc trò chuyện kéo dài 3 tiếng đồng hồ với ông Trump về các vấn đề y tế toàn cầu.
Hiện tại, giới công nghệ đều cần phải tiếp tục làm việc nhằm đảm bảo các nỗ lực kết thân với ông Trump được đền đáp. Chuyên gia Munster nhận xét: “Đây chỉ là thực tế của việc điều hướng trong thế giới ngày càng mang tính chính trị cao hơn".
(Theo Yahoo Finance)