Vay ngoại tệ trong nước còn nhiều hạn chế
Trong khi đối tượng vay ngoại tệ từ nước ngoài không bị hạn chế thì đối tượng vay ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước được quy định tại Thông tư số 43/2014/TT-NHNN ban hành ngày 25-12-2014 chỉ gồm các doanh nghiệp có bốn nhu cầu vay vốn sau: doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp xuất khẩu có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Còn theo Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ban hành ngày 8-12-2015 thay thế Thông tư 43 nói trên, đối tượng vay bị thu hẹp hơn. Theo đó, đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ nhờ bán hàng xuất khẩu nhưng lại có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước, không phục vụ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu thì việc vay vốn bằng ngoại tệ sẽ kết thúc vào ngày 31-3-2016.
Đáng chú ý là theo quy định của Thông tư số 43 và Thông tư 24, chỉ có doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài được phép vay trung - dài hạn, các doanh nghiệp còn lại chỉ được vay ngắn hạn. Thực tế thì nguồn ngoại tệ được gửi tại các ngân hàng trong nước cũng chủ yếu là kỳ hạn ngắn. Từ khi trần lãi suất huy động USD giảm xuống còn 0% thì hầu hết khách hàng đã chuyển sang gửi không kỳ hạn. Do đó, việc tài trợ cho các nhu cầu vay trung - dài hạn của doanh nghiệp là rất khó vì các ngân hàng có thể sẽ gặp phải rủi ro về kỳ hạn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước cũng không thực sự dồi dào để đáp ứng nhu cầu vay của các doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thì tỷ lệ cho vay/huy động bằng ngoại tệ luôn ở mức cao. Các ngân hàng còn bị ràng buộc bởi quy định trạng thái ngoại hối không được vượt quá 20% vốn tự có nên càng không thể đẩy mạnh cho vay ngoại tệ.
Với nguồn vốn ngoại tệ bị hạn chế cả về số lượng cũng như kỳ hạn, nhiều ngân hàng phải tìm đến các khoản tài trợ hoặc vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy mức lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi từ dân cư, nhưng bù lại các ngân hàng có được nguồn vốn ngoại tệ có kỳ hạn dài hơn, hoặc có thể được tính vào vốn cấp 2 nếu là những khoản vay trung - dài hạn đủ điều kiện.
Tuy nhiên, những khoản vay này cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện vay. Vì vậy, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước muốn vay trung - dài hạn để phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư thì buộc phải tìm cách vay ngoại tệ từ nước ngoài.
Vay ngoại tệ từ tổ chức tài chính nước ngoài: nhiều lợi ích
Khi vay ngoại tệ từ nước ngoài, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước không những tiếp cận được những khoản vay có kỳ hạn dài hơn, mà lãi suất cũng thấp hơn lãi suất cho vay ngoại tệ của các ngân hàng trong nước từ 3-5% đối với USD.
Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi mà cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước lớn hơn nhiều so với nguồn cung vốn ngoại tệ mà các ngân hàng trong nước có thể đáp ứng. Các ngân hàng thường áp đặt mức lãi suất cao để đạt được biên lợi nhuận tối ưu. Trong khi đó, các tổ chức tài chính quốc tế có nguồn vốn ngoại tệ dồi dào hoặc có cơ hội để tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ nên có điều kiện áp đặt mức lãi suất ưu đãi và cạnh tranh hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp đủ điều kiện để vay vốn nước ngoài đều tận dụng cơ hội để có được mức lãi suất thấp.
Đặc biệt, khi vay vốn ngoại tệ từ nước ngoài, doanh nghiệp không cần chứng minh nguồn thu ngoại tệ như vay trong nước. Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ban hành ngày 31-3-2014, có hiệu lực từ ngày 15-5-2014 về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh đã có một số thay đổi theo hướng quản lý tiền nợ nước ngoài cởi mở hơn. Cụ thể, bên đi vay được phép vay nước ngoài để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài của bên đi vay và của doanh nghiệp mà bên đi vay tham gia góp vốn thay vì chỉ được vay nước ngoài phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh của chính họ.
Như vậy, vay ngoại tệ từ nước ngoài so với vay ngoại tệ từ các ngân hàng trong nước rõ ràng có nhiều lợi ích hơn như: kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, điều kiện thủ tục dễ dàng hơn, đối tượng vay và mục đích vay không bị nhiều hạn chế. Hệ lụy lớn nhất mà tình trạng vay nợ ngoại tệ từ nước ngoài mang lại là có thể làm tăng nợ quốc gia và tác động tới các chỉ số an toàn nợ quốc gia, từ đó có thể tác động tiêu cực đến hệ số tín nhiệm của Việt Nam, tăng chỉ số CDS (chỉ số đo lường rủi ro của trái phiếu chính phủ), khiến việc đi vay nước ngoài của Chính phủ khó khăn hơn và phải chịu mức lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ban hành năm 2012 thì vay nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng phải nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, hoạt động vay nợ nước ngoài vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Theo TBKTSG