Trẻ em hoàn toàn có thể bị nhiễm virus corona. Trong số các trường hợp bị nhiễm đã có ít nhất 2 trẻ sơ sinh, theo giới chức y tế Trung Quốc. Nhưng theo một bài viết được đăng tải trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ ngày 5/2, hầu như không có trẻ em được chẩn đoán nhiễm virus corona. Theo kết quả phân tích dữ liệu mà bài viết đưa ra, độ tuổi trung bình của những người bị nhiễm là trong khoảng từ 49 – 56 tuổi.
Hiện vẫn chưa hoàn toàn rõ lý do vì sao mà trẻ em dường như thoát khỏi những hiệu ứng tồi tệ nhất của chủng virus corona mới, còn gọi là 2019-nCoV. Trong khi cũng nhóm này lại dễ bị tổn thương trước nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác: Từ những bệnh quen thuộc như thủy đậu và sởi, cho tới các bệnh mới xuất hiện như Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS); theo các bác sĩ.
“Chúng tôi không hoàn toàn hiểu rõ về hiện tượng này – có thể là do sự khác nhau giữa phản ứng miễn dịch của trẻ em với người lớn” – Tiến sĩ Andrew Pavia, trưởng phòng các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em thuộc ĐH Utah (Mỹ), nói với Tạp chí y khoa danh tiếng Live Science – “Có một giả thuyết là, hệ miễn dịch bẩm sinh, là phản ứng ban đầu nhằm vào rất nhiều nhóm mầm bệnh, có xu hướng hoạt động tích cực hơn ở trẻ em”.
Bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ
Hệ miễn dịch bẩm sinh được xem như hàng rào bảo vệ đầu tiên chống lại các mầm bệnh. Tế bào trong hệ miễn dịch này phản ứng tức thì trước những “kẻ xâm lăng” đến từ bên ngoài. (Ngược lại, hệ miễn dịch thích ứng lại học cách nhận diện một số mầm bệnh nhất định và phải mất thời gian lâu hơn để lao vào trận chiến).
Nếu như hệ miễn dịch bẩm sinh ở trẻ nhỏ phản ứng mạnh hơn đôívới 2019-nCoV, chúng có thể giúp trẻ em ngăn chặn việc bị nhiễm chủng virus này tốt hơn so với người lớn, và chỉ bị các triệu chứng nhẹ.
Các chủng virus khác cùng họ corona, bao gồm SARS và MERS, cũng cho thấy mô hình tương tự - Krys Johnson, chuyên gia về bệnh dịch học tại ĐH Y tế công Temple, nói.
“Với trường hợp chủng virus corona mới hiện này, không phải là trẻ em không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, mà thực chất là có nhiễm bệnh viêm phổi do virus gây nên” – bà Johnson nói với Tạp chí Live Science, nói tới chất dịch nhiễm virus trong phổi – “Nhưng do hệ miễn dịch của trẻ em quá khỏe mạnh nên không gây ra nhiều tổn hại như ở người lớn”.
Tương tự, ông Johnson nói, người lớn chịu rủi ro tử vong cao gấp 10 lần so với trẻ em nếu bị mắc bệnh thủy đậu. Và mặc dù bệnh cúm đôi lúc có thể rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, nhưng những đứa trẻ lớn hơn lại vượt qua bệnh này dễ dàng hơn rất nhiều so với người lớn; ông Johnson nói. Tỷ lệ tử vong do mắc bệnh cúm theo mùa ở người lớn cao gấp 10 lần so với trẻ em.
Lão hóa và hệ miễn dịch của con người
Virus corona chủng mới đã khiến hơn 900 người tử vong tính đến thời điểm hiện tại (Ảnh: USA Today)
|
Rất khó để chúng ta biết được có bao nhiêu trẻ em đã bị nhiễm virus corona chủng mới bắt nguồn từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong tháng 12 năm ngoái. Điều này đã phản ánh lại một thực tế là luồng thông tin về dịch bệnh ở Trung Quốc thay đổi nhanh chóng mặt cùng thực tế là trẻ em vốn chỉ chịu những triệu chứng nhẹ có thể không phải xét nghiệm, bởi vậy không được xác nhận nhiễm virus.
2 nghiên cứu mới về chủng virus 2019-nCoV, được đăng tải trên Tạp chí JAMA ngày 6/2, đã chỉ ra rằng các trường hợp nhiễm phải nhập viện điều trị có độ tuổi trung bình là 56. Nghiên cứu được thực hiện đối với 138 bệnh nhân nhiễm nCoV tại bệnh viện Trung Nam ở Vũ Hán trong giai đoạn từ ngày 1 đến 28/1. Hơn một nửa bệnh nhân trong số này là đàn ông.
Một nghiên cứu thực hiện với 13 bệnh nhân bị nhiễm virus corona ở Bắc Kinh bao gồm một trẻ 2 tuổi và một trẻ 15 tuổi. Các tác giả của nghiên cứu này nhấn mạnh rằng phần lớn những người bị nhiễm là người lớn ở độ tuổi trung niên hoặc còn trẻ, chỉ có duy nhất 1 bệnh nhân là trên 50 tuổi.
Theo Tiến sĩ Pavia, trẻ em cũng có tỷ lệ nhiễm các bệnh về đường hô hấp không khác người lớn, bởi vậy có khả năng cao là trẻ em cũng đang nhiễm virus corona nhưng lại phục hồi dễ dàng hơn so với người lớn. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác, ngoài hệ miễn dịch bẩm sinh khỏe mạnh ở trẻ em, giải thích cho hiện tượng có ít trẻ em được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới.
Một trong số nguyên nhân được đưa ra là, trẻ em có hệ hô hấp khỏe mạnh hơn bởi chúng ít tiếp xúc với khói thuốc lá hay ô nhiễm không khí hơn so với người lớn; ông Pavia nói. Một nhân tố khác là, trẻ em xét về tổng thể là khỏe mạnh hơn, và khong mắc các chứng bệnh mãn tính; theo bà Johnson.
Trong cả đợt dịch SARS năm 2003 và dịch MERS năm 2012, người lớn với các chứng bệnh kinh niên đều có tỷ lệ tử vong cao hơn so vớ người lớn không có bệnh tật gì. Các bệnh kinh niên này có thể bao gồm những chứng bệnh từ tiểu đường cho tới các chứng rối loạn tự miễn dịch như bệnh tim mạch, thậm chí bệnh béo phì.