Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục thực hiện hoạt động "sửa sai ngoại giao" trong ngày 27/6, khi gửi lời xin lỗi Nga vì bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu của nước này. Diễn biến mới đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Theo New York Times, trong một lá thư gửi tới Tổng thống Nga Vladimir V. Putin vào hôm thứ Hai - cùng ngày Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ cải thiện quan hệ với Israel - Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bày tỏ sự hối tiếc về sự kiện diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiếc máy bay ném bom của Nga.
Vụ việc khiến Nga phẫn nộ và làm tê liệt quan hệ song phương. Điện Kremlin ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ, ngừng chế độ cho phép người Thổ Nhĩ Kỳ du lịch Nga không phải xin visa và cấm các công ty du lịch Thổ Nhĩ Kỳ chào bán gói du lịch cho du khách Nga.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh ông Erdogan đã lâm vào tình trạng bị cô lập về mặt ngoại giao, sau khi thực hiện một đường lối cứng rắn. Ngoài vấn đề với Nga, ông còn thể hiện thái độ đối đầu với châu Âu trong việc xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn. Cùng lúc đó, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ về Syria cũng thất bại.
Nỗ lực nối lại quan hệ với Nga và Israel của ông Erdogan, vì thế được xem là để sửa chữa thiệt hại.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua cảm giác bị cô lập trong mấy năm qua, do chuyển từ chính sách "không gây chuyện với các hàng xóm" sang chỗ "không hàng xóm nào không bị gây chuyện," bà Asli Aydintasbas, một chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế, cho biết. “Đây là thời điểm mà Thổ Nhĩ Kỳ đang cô đơn nhất. Lúc này Qatar và Saudi Arabia giống như những người bạn duy nhất còn lại của chính quyền (Ankara)."
Dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thiết lập quan hệ bè bạn với các nước Hồi giáo láng giềng và đây là sự dịch chuyển mạnh về chính sách so với trước kia. Nhưng một số chuyên gia đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ đã tính toán sai lầm nhiều điều, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng Syria, nơi mà cho tới gần đây Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cố thúc đẩy việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng chống lại Mỹ trên vấn đề các chiến binh người Kurd chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đồng thời nước này cũng bị chỉ trích do để các chiến binh di chuyển tự do qua khu vực biên giới nằm dọc với Syria.
Nhưng trong trường hợp với Nga, bà Aydintasbas nói rằng các vấn đề kinh tế đã chiến thắng những khác biệt trên khía cạnh chính trị. Trước khi xảy ra khủng hoảng, thương mại song phương diễn ra khá mạnh và Nga được hưởng lợi lớn do bán nhiều dầu khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng thu nhiều lợi ích do có tới 3 triệu du khách Nga ghé thăm nước này mỗi năm. Đây là nhóm du khách nước ngoài tới Thổ Nhĩ Kỳ đông thứ nhì, chỉ sau có du khách Đức. Sự vắng mặt của họ hiển nhiên đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện chưa rõ vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại chọn thời điểm hiện nay để hàn gắn quan hệ với Nga. Erdogan, một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn và đi lên nhờ ủng hộ quyền lợi của dân thường, đang ngày càng trở nên độc đoán. Vì điều này, ông vấp phải nhiều chỉ trích từ những người theo đường lối tự do ở quê nhà và cả các đồng minh ở nước ngoài.
Giới chuyên gia tin rằng ông đang cố thay đổi quan điểm trên các vấn đề quốc tế để củng cố hình ảnh và quyền lực.
"Ở cốt lõi của quyết định cải thiện quan hệ với Nga và Israel là nhu cầu sinh tồn," bà Aydintasbas nói. "Đảng Công lý và phát triển của ông Erdogan hiện đang thut hút phiếu bầu hàng đầu và mới chiến thắng các cuộc bầu cử. Nhưng với việc tình trạng bất mãn tăng mạnh trong nước, nền kinh tế yếu ớt và danh sách kẻ thù thì kéo dài, sẽ rất khó để lãnh đạo đất nước."
Cengiz Candar, một học giả làm việc tại Viện nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ của Đại học Stockholm, nhận xét: "Chúng ta đang chứng kiến sự thực dụng của chính quyền Erdogan. Giờ thì họ có thể tuyên bố: "Thấy chưa, chúng tôi đang cải thiện quan hệ với các hàng xóm. Chúng tôi đang đi đúng hướng"".