|
Một văn phòng của ngân hàng Hoa Kỳ Goldman Sachs tại thị trường chứng khoán New York. Ảnh AFP/Chris Hondros/Getty Images |
Đó là câu hỏi Tư pháp Hoa Kỳ đang tìm cách trả lời qua các cuộc điều tra đã được khởi động từ năm 2013 nhắm vào nhiều ngân hàng lớn trên thế giới, tin trên RFI cho hay.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ qua trung gian Văn phòng Chưởng lý Brooklyn – New York và Ủy ban Kiểm soát Chứng khoán SEC cách nay hai năm đã khởi động chiến dịch điều tra. Trong những tháng gần đây, các nhà điều tra siết chặt gọng kìm lên các ngân hàng Âu Mỹ.
Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, Morgan Stanley, Citigroup ; UBS, Crédit Suisse của Thụy Sĩ, Deutsche Bank của Đức, được yêu cầu giải thích về hàng chục hồ sơ tuyển dụng nhân viên, tất cả đều là con cháu của các quan chức cao cấp Trung Quốc.
Riêng nhân hàng JP Morgan phải cung cấp tất cả các thư từ trao đổi liên quan đến khoảng 30 nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong số này có ông Vương Kỳ Sơn, Ủy viên ban Thường vụ bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là người điều hành Ủy ban Kỷ luật trung ương của Đảng, công cụ bài trừ tham nhũng trong tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tất cả các ngân hàng nói trên bị nghi ngờ đã có hẳn một chương trình tuyển dụng con em các nhà lãnh đạo Bắc Kinh từ đầu những năm 2000. Trong mắt các nhà điều tra Hoa Kỳ đây là một hình thức để các tập đoàn ngân hàng quốc tế mở rộng quan hệ với các nhà cầm quyền ở Trung Quốc, mua chuộc giới lãnh đạo để dễ làm ăn tại quốc gia này.
Với hơn 1,2 tỷ dân, Trung Quốc chẳng những là thị trường đông dân nhất hành tinh mà lại còn là nền kinh tế năng động bậc nhất trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng trung bình từ 8 đến 10 % một năm.
Câu hỏi đặt ra là liệu các tập đoàn Mỹ, Đức hay Thụy Sĩ liệu có vi phạm luật chống tham nhũng FCPA của Mỹ hay không. Luật này cấm các tập đoàn Mỹ hay hoạt động tại Hoa Kỳ cấu kết với các đối tác ngoại quốc để chuộc lợi.
Theo một số nguồn tin thông thạo, trong thời gian từ năm 2006 đến 2013 ngân hàng Mỹ JP Morgan có hẳn một chương trình mang tên "Cậu ấm cô chiêu" dành riêng cho con em các nhà lãnh đạo đầy quyền lực ở Bắc Kinh.
Cũng trong khuôn khổ chương trình này mà vào năm 2007 JP Morgan đã do dự trước khi quyết định tuyển dụng con trai bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho dù thí sinh Cao Ngọc (Cao Jue) bị đánh giá là "kém cỏi" nhất trong số những ứng viên.
Bộ Thương mại Trung Quốc không trực tiếp là khách hàng của JP Morgan nhưng có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động hoặc bác đơn, khi tập đoàn ngân hàng Mỹ này xin sáp nhập với một đối tác Trung Quốc.
Cũng JP Morgan đã từng tuyển dụng con gái cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo là bà Ôn Như Xuân làm cố vấn trong một thời gian.
JP Morgan cũng sẽ phải giải thích vì lý do từng mời ông Phương Phương (Fang Fang) ngồi vào chiếc ghế phó Thống đốc ngân hàng đầu tư, đặc trách khu vực Châu Á.
Nhân vật này từng được coi là "cầu nối" giữa đảng Cộng sản Trung Quốc với các nhà tư bản trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ ở Wall Street.
Trong trường hợp của ngân hàng Thụy Sĩ, Crédit Suisse, phải trả lời Tư pháp Hoa Kỳ về vụ đã hợp tác với Ôn Như Xuân trong khoảng thời gian từ 1999 đến 2001.
Một hoàng tử đỏ khác của Trung Quốc được các giới ngân hàng Mỹ trọng vọng là cháu nội cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Trước mắt các nhà điều tra Mỹ chưa có chứng cớ để cáo buộc các tập đoàn ngân hàng lớn trên thế giới mua chuộc các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh. Nhưng điều tra đang được Ủy ban kiểm soát chứng khoán SEC của Hoa Kỳ, bộ Tư pháp và chi nhánh của Cục dự trữ Liên bang Mỹ tiến hành cho thấy một sự giả dối của cả hai phía.
Các nhà tư bản Mỹ và Tây Phương thì bằng mọi cách chiều lòng giới lãnh đạo Bắc Kinh để tạo cơ hội làm ăn. Cho dù luôn chỉ trích Trung Quốc không tôn trọng luật cạnh tranh của thị trường, nhưng bản thân các nhà tư bản Âu Mỹ không bỏ lỡ cơ hội để tận dụng "nhân công rẻ" của cơ xưởng sản xuất thế giới này.
Về phía các nhà cầm quyền Bắc Kinh, thì cũng không bỏ lỡ cơ hội để con em họ có dịp làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là khi các "cậu ấm, cô chiêu" đó lại được cất nhắc vào các vị trí "ngồi mát, ăn bát vàng".
Con cháu các vị lãnh đạo ở Trung Quốc đều được đi du học ở nước ngoài, đôi khi là với tên giả, phần lớn được ghi danh ở các đại học nổi tiếng của Mỹ. Chẳng vậy mà con gái duy nhất của đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách nay hai năm đã phải bỏ dở khóa tu nghiệp của trường đại học danh tiếng Harvard khi ông Tập chính thức được chỉ định vào chức vụ lãnh đạo tối cao.
Trước mắt các nhà điều tra Mỹ chưa có chứng cớ để cáo buộc các tập đoàn ngân hàng lớn trên thế giới mua chuộc các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh. Nhưng điều tra đang được Ủy ban kiểm soát chứng khoán SEC của Hoa Kỳ, bộ Tư pháp và chi nhánh của Cục dự trữ Liên bang Mỹ tiến hành cho thấy một sự giả dối của cả hai phía.
Theo: BizLive