|
Nhiều cổ đông đã chất vấn về việc F.I.T từng sáng lập nên Dũng Tâm. (Ảnh: baodautu.vn) |
Sáng nay (15/4/2017), Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (HSX: FIT; Viết tắt: F.I.T) đã họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017.
Một trong những nội dung được thông qua tại Đại hội là việc chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư Dũng Tâm (viết tắt: Dũng Tâm) được sở hữu tới 51% số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết của F.I.T mà không phải chào mua công khai.
Cụ thể, ĐHĐCĐ đã chấp thuận cho CTCP Đầu tư Dũng Tâm được sở hữu đến 51% số cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết đang lưu hành của CTCP Tập đoàn F.I.T thông qua việc mua cổ phiếu phát hành thêm hoặc mua thêm cổ phần của các cổ đông hiện hữu của F.I.T mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Việc mua vào mà không phải làm thủ tục chào mua công khai có hiệu lực cho tới khi Dũng Tâm hoàn thành việc mua vào đến 51% số cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết đang lưu hành của F.I.T hoặc khi F.I.T có Nghị quyết khác về vấn đề này.
Đại hội cũng ủy quyền cho HĐQT thông qua Danh sách cổ đông hiện hữu (nếu có) được chuyển nhượng cổ phần cho CTCP Đầu tư Dũng Tâm theo phương thức trên.
Nên biết, cách đây chưa lâu, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016 (diễn ra vào ngày 22/09/2016), F.I.T cũng đã đề cập và thông qua nội dung tương tự.
Cụ thể, theo Điều 3 của Nghị quyết số 02/2016/ĐHĐCĐ/F.I.T: “Thông qua việc chấp thuận cho CTCP Đầu tư Dũng Tâm được sở hữu đến 51% số cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết của Công ty CP Đầu tư F.I.T (Tên cũ của CTCP Tập đoàn F.I.T - NV) mà không phải chào mua công khai, cụ thể như sau:
- Chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Dũng Tâm được sở hữu đến 51% số cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết của Công ty Cổ phần Đầu tư F.I.T thông qua việc mua cổ phiếu phát hành thêm hoặc mua thêm cổ phần của các cổ đông hiện hữu của F.I.T mà không phải chào mua công khai.
- Ủy quyền cho HĐQT thông qua Danh sách cổ đông hiện hữu được chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Cổ phần Đầu tư Dũng Tâm theo phương thức trên đồng thời lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện các công việc liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần nói trên, có thể kéo dài qua các năm sau cho đến khi hoàn thành khối lượng chuyển nhượng theo kế hoạch.”
Lưu ý, Công ty Cổ phần Đầu tư Dũng Tâm mới chỉ chính thức mang tên hiện thời kể từ ngày 14/09/2016. Trước đó, doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Tập đoàn FIT, theo như xác nhận của Chủ tọa đoàn.
Sẽ là khá thú vị nếu Dũng Tâm vẫn mang tên cũ: Công ty Cổ phần Tập đoàn FIT. Khi đó, nó chỉ khác tên của F.I.T đúng hai dấu “.”.
Nhân tố Dũng Tâm
Với sự chấp thuận quan trọng từ ĐHĐCĐ, sau khi hoàn tất sở hữu 51% cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, Dũng Tâm sẽ không chỉ trở thành cổ đông lớn nhất của F.I.T mà còn đưa F.I.T trở thành công ty con trong hệ thống. Một công ty con niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HoSE, và còn là một công ty con sở hữu nhiều mã khác trên sàn.
Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Dũng Tâm thành lập ngày 16/10/2012, muộn hơn khoảng 5,5 năm so với F.I.T. Địa chỉ trụ sở chính tại số 37 Phố Mới, Thị trấn Như Quỳnh, Huyện Văn Lâm, Tỉnh Hưng Yên.
Dũng Tâm chính thức điều chỉnh vốn điều lệ lên mức 1.030 tỷ đồng từ tháng 10/2015. Trước đó, vốn điều lệ của công ty là 515 tỷ đồng. Trước đó ít tháng, quy mô vốn điều lệ công ty là 365 tỷ đồng.
Theo giấy đăng ký kinh doanh, Dũng Tâm có tổng cộng 8 cổ đông sáng lập, đóng góp tạo nên 1.030 tỷ đồng vốn điều lệ. 6 trong số đó là cổ đông cá nhân. 2 cổ đông tổ chức là CTCP Hạt giống TSC (đóng góp 2,33%) và CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam (đóng góp 9,3%).
Những cổ đông lớn còn lại của Dũng Tâm bao gồm một số lãnh đạo cấp cao của F.I.T, như ông Nguyễn Văn Sang – Chủ tịch HĐQT F.I.T (43,4%); bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – CEO F.I.T (17,6%); ông Phạm Công Sinh – Thành viên HĐQT F.I.T (7%); ông Phan Trung Phương – cựu Chủ tịch HĐQT F.I.T (18,37%).
Được biết, Dũng Tâm cũng là cái tên có nhiều liên hệ tới câu chuyện “F.I.T và chuyện 3 nhà đầu tư hào phóng”.
Liên quan đến mối quan hệ giữa Dũng Tâm và F.I.T, tại Đại hội cổ đông diễn ra sáng nay, nhiều cổ đông đã chất vấn về việc F.I.T từng tham gia sáng lập nên Dũng Tâm – doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ sở hữu 51% cổ phần F.I.T trong thời gian tới.
Đại diện Chủ tọa đoàn, ông Nguyễn Văn Sang – Chủ tịch HĐQT F.I.T, khẳng định: “Hiện nay, Dũng Tâm không có cổ đông sáng lập nào là F.I.T cả.”
“Chuyện này là chuyện các anh chị nhầm lẫn thôi. Làm gì có chuyện F.I.T thành lập ra Dũng Tâm rồi Dũng Tâm lại mua F.I.T… Hiện nay, F.I.T không có sở hữu gì Dũng Tâm cả. Và bởi vì luật không cho phép”, ông Sang nhấn mạnh.
Chuyện sáng lập
Đúng như chia sẻ của ông Sang, hiện tại, cơ cấu sở hữu Dũng Tâm hoàn toàn không có sự hiện diện của F.I.T. Báo cáo tài chính của các bên liên quan đều khẳng định điều này. Và đăng ký kinh doanh của Dũng Tâm, như đã đề cập phía trên, cũng hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của F.I.T trong số 8 cổ đông sáng lập nên doanh nghiệp.
Tuy nhiên, danh sách cổ đông sáng lập chưa hẳn đã ghi lại đầy đủ tất cả những cá nhân tổ chức từng tham gia góp vốn, thành lập nên một doanh nghiệp. Về lý, danh sách cổ đông sáng lập hoàn toàn có thể thay đổi.
Theo Luật sư Cao Hòa – Công ty Luật Vietthink, trong thời hạn 03 năm tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cổ đông sáng lập của công ty có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần cho nhau; Và được chuyển nhượng cho người không phải cổ đông sáng lập của công ty nếu được Đại hội đồng cổ đông đồng ý. Cổ đông nhận chuyển nhượng sau khi làm xong thủ tục chuyển nhượng sẽ trở thành cổ đông sáng lập của công ty.
“Việc thay đổi cổ đông sáng lập hoàn toàn có thể thực hiện được trong thời hạn 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ cần làm hồ sơ thay đổi thành viên/cổ đông công ty nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, cũng như thực hiện các thủ tục cần thiết khác”, Luật sư Hòa cho biết.
Về trường hợp cụ thể giữa F.I.T và Dũng Tâm, báo cáo tài chính các năm 2012, 2013 cho thấy, F.I.T là một trong các cổ đông đã hình thành và sáng lập nên Dũng Tâm – khi ấy vẫn mang tên: CTCP Tập đoàn FIT.
Theo đó, F.I.T đã thuyết minh về khoản góp vốn trị giá 30,64 tỷ đồng vào CTCP Tập đoàn FIT tại thời điểm 31/12/2012 như sau: “Là khoản đầu tư góp vốn để thành lập CTCP Tập đoàn FIT theo Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 10/10/2012. Số vốn đăng ký góp của Công ty là 68 tỷ đồng (chiếm 18,6% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn FIT).”
Đến ngày 31/12/2013, giá trị góp vốn được nâng lên 38 tỷ đồng. F.I.T tiếp tục thuyết minh: “Là khoản đầu tư góp vốn để thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn FIT theo Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 10/10/2012. Số vốn góp của Công ty tại ngày 31/12/2013 là 38 tỷ đồng (chiếm 10,41% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Tập đoàn FIT), Công ty đã góp đủ vốn cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FIT.”
Như vậy, có thể thấy F.I.T từng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và sáng lập nên Dũng Tâm. Nhưng hiện tại, F.I.T đã thoái vốn triệt để và không còn có tên trong danh sách cổ đông sáng lập của Dũng Tâm.
Do đó, việc Dũng Tâm có quay lại sở hữu vốn và thành cổ đông chi phối của F.I.T cũng không phải điều gì vi phạm./.