FIT sẽ tiêu 359 tỷ đồng của các nhà đầu tư “hào phóng” thế nào?

VietTimes -- Kỳ trước, VietTimes đã đề cập câu chuyện tăng vốn gây nhiều xôn xao ở CTCP Tập đoàn F.I.T (HSX: FIT). Trong bài viết này, VietTimes sẽ tiếp tục làm rõ “đầu ra” của số tiền 359 tỷ đồng - mà FIT nói đã thu ròng từ đợt phát hành.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ngày 17/01/2017, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn F.I.T đã ban hành Quyết định số 01/2017/QĐ-HĐQT/F.I.T, thông qua việc điều chỉnh phương án sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành cho cổ đông chiến lược.

Theo phương án này, FIT đã có cách để tiêu hết số tiền vừa huy động.

Phương án điều chỉnh.

Cụ thể, trong số 359 tỷ đồng thu ròng, FIT sẽ dành 90 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho công ty, phục vụ mục đích kinh doanh, mở rộng quy mô hoạt động.

Phần lớn hơn – 269 tỷ đồng – sẽ được dành cho mục đích đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.

Trong đó, 99 tỷ đồng sẽ để đầu tư vào CTCP Bất động sản F.I.T (FIT Land) – một DN mới chỉ được thành lập ngày 11/7/2016, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do FIT sở hữu 99%. 170 tỷ đồng còn lại sẽ được đầu tư vào CTCP Dược phẩm Cửu Long – doanh nghiệp đang được niêm yết trên HSX với mã chứng khoán là DCL, và cũng là công ty con của FIT.

Thực ra, phương án trên đã có một số điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu.

Theo Nghị quyết HĐQT số 15/2016/NQ-HĐQT ngày 10/6/2016, FIT chỉ dự kiến thu ròng 346 tỷ đồng từ đợt phát hành. Nhưng trên thực tế, mức thu ròng đã đạt 359 tỷ đồng, do giá phát hành thành công là 11.500 đồng/cổ phiếu, thay vì 11.100 đồng/cổ phiếu như giá chào bán dự kiến.

Phương án ban đầu.

Nghị quyết này cũng thông qua kế hoạch chi tiết sử dụng số tiền thu được cho 3 mục đích: Đầu tư vào CTCP FIT Land (99 tỷ đồng); Đầu tư vào CTCP FIT Retail (99 tỷ đồng); Bổ sung vốn lưu động (148 tỷ đồng).

Như vậy, khoản chi lớn nhất - 170 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Dược phẩm Cửu Long – vốn không có trong kế hoạch sử dụng vốn ban đầu của FIT. Còn khoản đầu tư vào CTCP FIT Retail cũng đã biến mất trong phương án sử dụng vốn mới nhất – gắn với Quyết định số 01/2017/QĐ-HĐQT/F.I.T. Trong khi khoản bổ sung vốn lưu động cũng đã bị “thu hẹp” đáng kể, từ 148 tỷ đồng về chỉ còn 90 tỷ đồng.

Nên biết, quyết sách chào bán 31.181.285 cổ phần FIT cho cổ đông chiến lược vốn đã được Đại hội đồng cổ đông công ty này chốt từ đại hội thường niên diễn ra vào ngày 28/02/2015.

Vì Đại hội đã thông qua Tờ trình phương án chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ - trong đó có “thòng” câu: “Ủy quyền cho HĐQT lập phương án sử dụng vốn chi tiết cho từng mục đích nói trên” – nên tất nhiên, phương án sử dụng vốn từ đợt phát hành cổ phần sẽ là “đặc quyền” của HĐQT công ty.

Có lẽ nên nhắc lại rằng, tại kỳ trước, VietTimes từng đề cập 3 cổ đông đã “hào phóng” bỏ ra 359 tỷ đồng để mua hơn 31 triệu cổ phiếu FIT phát hành riêng lẻ - thật bất ngờ - lại là những pháp nhân thân hữu của các thành viên HĐQT FIT.

Về mặt kỹ thuật, thương vụ pha loãng đáng kể tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu. Trong khi thực chất, lại bồi đắp đáng kể phần sở hữu của các lãnh đạo công ty – những người ra quyết sách.

“Nước cờ” Dược Cửu Long

Tại Quyết định số 01/2017/QĐ-HĐQT/F.I.T, hội đồng quản trị FIT đã thông qua việc mua thêm cổ phần DCL, với số lượng mua thêm từ 3 triệu – 5 triệu cổ phiếu và giá mua bình quân không cao hơn 35.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, chưa rõ FIT sẽ mua thêm thêm từ 3 triệu – 5 triệu cổ phiếu DCL bằng cách nào (?). FIT sẽ nhận chuyển nhượng cổ phần DCL từ các cổ đông hiện hữu của công ty này; Hay DCL sẽ lại thực hiện phương án phát hành riêng lẻ cho FIT…

Theo thông tin mới được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM công bố, DCL đã dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 25/02/2017, địa điểm thực hiện dự kiến là tại Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T, tầng 16, Tòa nhà Center Hapulico, Số 01 Nguyễn Huy Tưởng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Với nội dung Đại hội có sự xuất hiện của mục “Một số vấn đề khác”, biết đâu DCL cũng sẽ lên kế hoạch cho một đợt tăng vốn điều lệ bằng hiện phương án phát hành riêng lẻ cổ phần cho cổ đông chiến lược (?).

Cập nhật mới nhất tại ngày 9/12/2016, FIT đang là cổ đông lớn nhất của DCL, với tỷ lệ sở hữu 64,62% (Khối lượng nắm giữ: 36,4 triệu cổ phần). Chủ tịch HĐQT DCL – ông Nguyễn Văn Sang – hiện cũng đang đồng thời đảm nhiệm chức danh tương tự tại FIT.

Nên biết, FIT mới bắt đầu xuất hiện trong cơ cấu cổ đông của DCL kể từ ngày 22/01/2015. Và kể từ sau sự xuất hiện của nhân tố này, DCL cũng ồ ạt tăng vốn điều lệ. Từ mức 99 tỷ đồng vào đầu năm 2015, chỉ trong một thời gian ngắn, đã nâng lên thành 563 tỷ đồng như hiện nay.

DCL sẽ đầu tư 170 tỷ đồng vào Euvipharm - DN vừa bị đình chỉ hoạt động 3 tháng vì sử dụng nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ... (Ảnh: Internet)

Trong một diễn biến mới, ngày 6/1/2017, ông Nguyễn Văn Sang – Chủ tịch Công ty này – đã ký ban hành Nghị quyết HĐQT số 01/NQ.HĐQT, thông qua chủ trương đầu tư vào CTCP Dược phẩm Euvipharm.

Theo Nghị quyết số này, DCL cho hay, vốn điều lệ của Euvipharm là 542,8 tỷ đồng. Và dự kiến trong quý 1/2017, DCL sẽ hoàn thành việc sở hữu 90% cổ phần Euvipharm. Đáng nói, ở bản công bố thông tin phát hành ngày 6/1/2017, DCL lại cho hay, tổng giá trị chuyển nhượng của thương vụ chỉ là 170 tỷ đồng. Có nghĩa, DCL chỉ phải trả chưa đến 3,5 nghìn đồng cho mỗi cổ phần Euvipharm (?!).

Nhấn mạnh rằng, 170 tỷ đồng cũng chính là số tiền mà FIT dự kiến sẽ đầu tư vào DCL, từ phần thu về sau hoạt động phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn vừa rồi.

Liên quan đến Euvipharm, được biết, doanh nghiệp này từng bị đình chỉ hoạt động 3 tháng theo Quyết định số 242/QĐ-QLD ngày 9/6/2016 của Cục trưởng Cục Quản lý Dược.

Lý do công ty bị đình chỉ là do Công ty đã sử dụng nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất thuốc; kiểm nghiệm nguyên liệu làm thuốc không đúng theo tiêu chuẩn đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Công ty bán thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ sau khi đơn vị đã biết nguyên liệu đó không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trở lại với khoản đầu tư vào DCL của FIT, giải thử DCL sẽ lựa chọn phương án phát hành riêng lẻ. Khi đó, thương vụ tăng vốn “hào phóng” của FIT sẽ không chỉ pha loãng sở hữu của các cổ đông tại FIT….