Duy trì tăng trưởng cao, dư địa kiềm chế lạm phát eo hẹp hơn
Đánh giá tình hình vĩ mô năm 2018, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm nay sẽ vượt mức mục tiêu Quốc hội đề ra và dao động trong khoảng từ 6,9% - 7,1%. Trong đó, khu vực dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ tăng trưởng, đóng vai trò đầu tàu giúp nền kinh tế phát triển.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp liên tục được duy trì ở tốc độ phát triển cao, đặc biệt tại các thành phố có quy mô công nghiệp lớn như Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh... Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục để lại dấu ấn lớn với sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI nổi bật như Samsung và Formosa.
Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của nền kinh tế đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của cầu tiêu dùng và sự cải thiện trong chi đầu tư phát triển của Chính phủ.
Ngoài ra, các chuyên gia VCBS cũng cho biết sự ổn định của nền kinh tế được đảm bảo với các định hướng chính sách xuyên suốt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Theo đó, mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm 2018 vẫn sẽ đạt được dù gặp nhiều thử thách hơn so với năm trước và được dự báo rơi vào khoảng 3,02%-3,07% cho cả năm 2018. Tỷ giá trung tâm cả năm cũng được dự báo tăng không quá 2%, đưa mức giảm giá của VND ở mức hợp lý so với các nước trong khu vực. Mặt bằng lãi suất huy động chịu áp lực tăng vào cuối năm chủ yếu mang tính thời vụ.
Bước sang năm 2019, với bối cảnh Chính phủ và NHNN tiếp tục duy trì chính sách giống như năm 2018, cùng với sự đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài và cầu tiêu dùng phục hồi tốt, các chuyên gia VCBS dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ duy trì ở mức cao, đạt khoảng 6,6 - 6,8%.
Về lạm phát, các chuyên gia dự báo chỉ số này sẽ ở mức 4 - 4,5% trong năm 2019 do chịu áp lực đáng kể từ diễn biến của giá xăng, dầu và dư địa lùi lộ trình tăng giá các dịch vụ công (giá điện, mức đóng BHYT, dịch vụ giáo dục...) eo hẹp hơn trước.
TTCK năm 2019: Kỳ vọng tăng trưởng cả về lượng và chất
Nhận định về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, các chuyên gia VCBS cho biết TTCK năm 2018 có nhiều sự kiện, biến động mạnh làm thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư.
Báo cáo cho biết, trong nửa đầu năm, chỉ số VN-Index chạm đỉnh vào giữa tháng 4 rồi sau đó rơi vào chu kỳ giảm giá và chạm đáy vào giữa tháng 7. Sang đến nửa cuối năm, thanh khoản tương đối hạn chế trên thị trường khiến cho chỉ số này dù có sự hồi phục nhất định nhưng mức độ chưa thật sự đáng kể.
Sau khi trải qua năm 2018 với nhiều biến động, chuyên gia VCBS kỳ vọng năm 2019 quy mô thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn duy trì được một số điểm sáng, cùng thông điệp điều hành nhất quán từ Chính phủ.
Thị trường chứng khoán năm 2018 trải qua nhiều biến động (Nguồn: VCBS)
|
Với những tập đoàn lớn trong nước đang và sẽ tiếp tục thoái vốn nhà nước trong thời gian tới như VEA, Lilama, Viglacera…, chuyên gia VCBS cho rằng nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng dòng tiền sẽ quay lại thị trường trong năm 2019.
Thêm vào đó, việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp một số ngành có thêm lợi thế cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu, ví dụ như: thủy hải sản, dệt may,…
Đồng thời, TTCK có thể chứng kiến nhiều biến động mạnh do các bất ổn biến động khó lường từ Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu.
Tính chung cho cả năm 2019, sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố trên, mặc dù kỳ vọng vào một kịch bản tích cực của thị trường nhưng chuyên gia VCBS cho rằng các chỉ số chính sẽ dao động trong biên độ khá lớn, khoảng 300-350 điểm.
Nhận định này được đưa ra dựa trên cơ sở 3 giả định chính là: (1) Động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2019; (2) Mỹ và Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện ngay trong năm tới; (3) kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đi cùng với việc kiểm soát tốt lạm phát và tỷ giá dù chịu áp lực lớn hơn.
Các chuyên gia VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cần chú ý theo dõi những thông tin về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như thế giới, những thông tin liên quan đến biến động giá dầu thế giới, vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ - Trung để có thể tối ưu hóa danh mục đầu tư với mục tiêu quản trị rủi ro nguồn vốn hiệu quả và bảo vệ thành quả đã đạt được.
Kỳ vọng tăng trưởng 7% Làm việc với Tổ tư vấn kinh tế ngày 22/12 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị tổ tư vấn hiến kế với Chính phủ, nhằm tìm kiếm các giải pháp để năm 2019 tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, đồng thời giữ được mục tiêu ổn định vĩ mô; hoạch định những ưu tiên không chỉ riêng của năm 2019 mà cho 5 năm và 10 năm tới; đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển; những động lực mới cho tăng trưởng, các đột phá chiến lược; làm sao tránh được "bẫy" thu nhập trung bình, "bẫy" lao động giá rẻ, "bẫy" gia công, "bẫy" ô nhiễm môi trường xảy ra ở Việt Nam. Nhìn nhận nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển biến lớn, các chuyên gia của Tổ tư vấn kinh tế cho rằng, hoàn toàn có thể phát triển với mục tiêu kép, cả chất lượng và số lượng, có thể vừa đạt tăng trưởng cao và giữ được ổn định vĩ mô. Theo đó, Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho giai đoạn 2018 - 2020. Cụ thể, đối với Kịch bản 1 (dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP dự kiến tăng trưởng trung bình 6,86%/năm; đối với Kịch bản 2 là 6,91%/năm và Kịch bản 3 là 7,06%/năm. Riêng năm 2019, Tổ tư vấn kinh tế cho rằng có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP đạt 6,9-7% và lạm phát dưới 4%. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên, theo tính toán của Tổ tư vấn, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019 – 2020 phải đạt khoảng 15% GDP. Bên cạnh đó, Tổ tư vấn cho biết công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính; khu vực tư nhân phải có biện pháp mạnh hơn nữa (so với năm 2018). Tổ tư vấn kiến nghị ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 “nút thắt” căn bản, bao gồm: (1) vướng mắc triển khai dự án lớn; (2) trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; (3) khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; (4) khai thông nguồn lực xã hội. Đây là các “nút thắt” mà Tổ tư vấn cho rằng cần Chính phủ đặt trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành./. |