|
Vui tết Trung Thu. |
Ngôi trường vùng biên ải
“Thuyền ai đậu nước sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Năm nào ăn trung thu ở quê tôi và lũ bạn nhỏ cũng dắt tay nhau ra bờ sông, con sông nằm đối diện trước nhà, nhìn dòng nước sóng lăn tăn theo gió bập bềnh, vài chiếc đó xuôi còn nghe một giọng ngâm đầy truyền cảm hai câu thơ của Hàn Mặc Tử trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ. Trên nửa thế kỷ trôi qua nhưng những hình ảnh về đêm trung thu đầy màu sắc, lộng lẫy và sống động vẫn còn in đậm trong trí nhớ chất chứa không biết bao nhiêu hình ảnh và kỉ niệm vui buồn của tôi. Tình cờ, cận tết Trung thu tôi được theo đoàn thiện nguyện liên quân báo chí tại Nghệ An trọn một ngày đến với các em nhỏ vùng núi Tam Hợp ( huyện Tương Dương) kỉ niệm về đêm trung thu ở quê lại ùa về.
|
Đêm trung thu ở xã biên giới thu hút hơn 300 học sinh và đoàn viên tham gia.
|
Bình minh vừa ló rạng, những đám khói bếp nhà ai hòa vào những đám sương chưa kịp tan trên những tán cây rừng. Đoàn chúng tôi vượt quãng đường 200km quanh co bên những vách núi, vực thẳm, dừng chân nghỉ ngơi ở vột vài địa điểm, cuối cùng cũng đến được Trường trung học (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An ), nơi tổ chức chương trình “Vầng trăng yêu thương” mùa thứ 7. Lúc này những bản làng nơi biên giới đã chìm vào giấc ngủ trưa, nhưng các thầy cô giáo, các em học sinh ở đây vẫn rộn ràng quét dọn, trang trí để đón đoàn. Vừa xuống xe chúng tôi rất phấn khích vì được tiếp đón nồng nhiệt, ngay lập tức cả đoàn bắt tay ngay vào việc chuẩn bị sân khấu và quà cho các em.
|
Chia quà
|
Trường trung học cơ sở tam Hợp nằm đơn độc trên một khu đất cao, cheo leo, heo hút. Toàn trường chỉ có khoảng 200 học sinh với vỏn vẹn 7 phòng học sập sệ cũ kĩ. Sân chơi của các em chủ yếu là một khoảng đất nhỏ. Chủ yêu các em chơi với nhau. Nhưng chơi thì chưa đủ, trẻ em ở đây thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất, thiếu những sân chơi an toàn, thiếu các trò chơi để phát triển tư duy và năng khiếu. Con đường đến trường cũng rất khó khăn, mạo hiểm: băng sông, vượt núi đồi, đạp xe trên những con dốc vắng. Vì vậy các em gần như đều phải ở lại kí túc của trường dăm ba tháng lại về nhà một lần.
Tam hợp là xã nằm sát biên giới Việt – Lào của huyện Tương Dương, Nghệ An, nơi định cư của 507 hộ dân, 24347 nhân khẩu đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú, Tày Phong và dân tộc Kinh.
Ngày tết Trung thu đã đến gần, để đem đến một trung thu ý nghĩa, ngập tràn tình yêu thương cho các em nghèo đã có nhiều nhà tài trợ…. Cùng các cá nhân, đơn vị và hơn 100 phóng viên ủng hộ tiền cùng thực hiện chương trình “Vầng trăng yêu thương”. Đặc biệt, bệnh viện Quốc tế Vinh đã khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hơn 300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tam Hợp trị giá hơn 40 triệu đồng.
|
Ông Lê Văn Giáp (bìa trái), chủ tịch CLB Liên quân báo chí Nghệ An trao quà trung thu cho đại diện 3 trường đóng trên địa bà xã tam Hợp. |
Tùng dinh, tùng tùng dinh…
Tùng dinh, tùng tùng, dinh…. Bất chợt tiếng trống đã vang lên mừng đêm Trung thu. Các em nhỏ ai cũng háo hức chờ đợi giây phút rước đèn, phá cỗ. Trên sân khấu, chú Cuội và chị Hằng đã cười nói để bắt đầu đêm hội. Các bạn nhỏ lần lượt biểu diễn những bài hát Trung thu vui nhộn. Các bạn ngồi dưới thì xếp thành hàng, vừa vẫy tay vừa ca hát theo. Trên bầu trời ông trăng sang vằng vặc, tròn xoe như một chiếc mâm bạc. Đêm Trung thu thiếu ông trăng chắc sẽ buồn lắm. Hình như ông biết, lũ trẻ ở những vùng quê này mừng vui nên càng lúc ông càng lên cao, đổ muôn tia sáng bạc xuống mặt đất. Những chiếc đèn ông sao trên tay của các em nhờ ánh trăng chiếu mà đẹp lấp lánh hơn.
Một hồi trống vang lên báo hiệu một màn diễu hành bắt đầu. Các em vừa đi vừa hát vang “Đêm Trung thu rước đèn ông trăng…”. Sau đấy các em đã được phát rất nhiều kẹo. Đó là cái đêm trung thu vui nhất của các em- một tết Trung thu đúng nghĩa, có lồng đèn, ông sao, có rước đèn phá cỗ, có
có âm nhạc và hát múa, có cả bánh Trung thu. Một năm học mới có cặp sách mới, có phấn và bảng, có áo trắng tinh tươm, thắp sáng cho những hi vọng,… dành tặng cho các em nhỏ nơi đây.
|
Tiết mục múa đặc sắc của các em học sinh trường cấp 1 xã Tam Hợp. |
“Cuộc sông ở nơi biên giới thật khó khăn, tỉ lệ trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số cao, mong rằng thông qua chương trình sẽ có nhiều đơn vị, các nhà hảo tâm luôn đồng hành cùng chúng tôi để đem đến những chương trình ý nghĩa thiết thực như thế này nữa đến với trẻ em nghèo, khó khăn”- ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch CLB Liên quân báo chí Nghệ An chia sẻ.
Đêm hôm nay ở xã biên giới này dưới ánh đèn của đuốc lồ ô, màu áo xanh của các chiến sỹ biên phòng hòa lẫn với màu sắc rực rỡ trên những tấm váy của các cô giáo vùng dân tộc trong điệu múa xòe duyên dáng. Họ múa và cùng nhau hát say sưa những bài hát tự sáng tác ca ngợi cuộc sống mới của dân bản, tinh thần chiến đấu của đồng bào các dân tộc.
Bộ đội biên phòng ở đây làm gì cũng được các thanh niên của bản tham gia: cùng nhau khai hoang đất sản xuất cho đồng bào, đào mương và vận chuyển lương thực, vũ khí cho đồn biên phòng, vào rừng đốn gỗ về đóng bàn ghế để các em ở ngôi trường này có bàn học, đóng gường cho trạm xá của xã…. Với phương châm “Trận địa là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt” của chiến sỹ vũ trang vùng biên giới quả thật có một nội dung rất cụ thể, sinh động.
Trở về mang theo nỗi trăn trở về điều kiện học tập và sinh hoạt của những em nhỏ nơi ngôi trường năm đơn độc cheo leo giữa núi rừng. Những em nhỏ gầy rộc, bé loắt choắt, những em nhỏ khi thấy khách đến chỉ nhìn lén qua kẽ của sổ.
Tôi chú ý quan sát, nhìn xuống thung lũng sâu vời vợ, rồi ngước lên dãy núi cao chất ngất có mây trắng che mờ đỉnh núi cũng chẳng thấy một lối mòn sợi chỉ nào giăng qua, nói chi đến đường quan vừa rộng vừa dài nhìn thẳng tận chân trời như dưới xuôi. Tất cả đều ảo huyền trong một mầu mây trắng bồng bềnh ở giữa một rừng xanh ngút ngàn thăm thẳm
Thời tiết đang hạ mà khí hậu ở đây gần như cuối thu: lạnh và se. Buổi sang miền biên giới thật yên bình!