Văn hoá số thay đổi tư duy quản trị, thúc đẩy đổi mới, tạo sự khác biệt

Hội thảo “Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt” và lễ vinh danh 20 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam đã diễn ra chiều nay, tại Hà Nội.

Diễn đàn Quốc gia “Văn hóa với doanh nghiệp (DN)” và trao chứng nhận “DN đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam” diễn ra chiều nay (10/11), tại Hà Nội. Diễn đàn do Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa DN Việt Nam” (Ban tổ chức 248) và Hiệp hội Phát triển văn hoá DN Việt Nam, phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức.

Doanh nghiệp đại sứ quảng bá giá trị văn hóa

Tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, nhấn mạnh Diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá trong góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá DN Việt Nam” do Thủ tướng phát động.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy.

Ban Chỉ đạo Diễn đàn Quốc gia gồm: Ban Tuyên giáo TW, Bộ VHTTDL, Bộ Công Thương, Ban tổ chức 248; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng dẫn lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm về “vai trò đặc biệt quan trọng” của DN và đội ngũ doanh nhân trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam…, đóng vai trò lớn hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho sự thịnh vượng của quốc gia.

“Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư là định hướng quan trọng, sự cổ vũ, động viên to lớn đối với các cơ quan quản lý và đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN” - Thứ trưởng Thuỷ nhấn mạnh.

“Mỗi DN phát triển sẽ trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan toả “sức mạnh mềm” của văn hoá Việt Nam” -Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Ông Lê Doãn Hợp.

Ông Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT và Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam - nhấn mạnh: DN muốn kinh doanh phát triển bền vững phải gắn với văn hóa. Lo cho DN là lo cho văn hoá nước nhà, để ngăn chặn việc thời gian DN khởi nghiệp và khởi tố quá gần.

Đặc biệt, DN phải vươn lên, thực hiện chuyển đổi số, chú trọng ứng dụng CNTT, như việc không dùng tiền mặt thì tiêu cực mới giảm vì mọi thứ minh bạch; không dùng giấy tờ, không cần gặp nhau làm việc trực tiếp, để tiết kiệm nhân lực và thời gian. Đó là nền tảng để DN tự tin ra thế giới, làm giàu chân chính.

Văn hóa số thay đổi tư duy quản trị

Diễn đàn Quốc gia “Văn hóa với DN” đã tổ chức 2 hội thảo “DN thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt” và “Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa”, với sự tham gia của đại diện các DN trong nước và quốc tế.

Đại diện các DN đều khẳng định văn hoá tác động vào xu hướng chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng văn hoá DN: CĐS trước hết cần xác định thay đổi cách nghĩ, cách làm, tư duy của doanh nghiệp. Trong ứng dụng các giải pháp về CĐS, doanh nghiệp cần thay đổi mô hình làm việc, quy trình…, từ đó mang đến những trải nghiệm cho khách hàng cũng như tăng cường hiệu quả làm việc.

CĐS làm thay đổi tư duy quản trị, thói quen sử dụng giấy và thay cách tương tác làm việc trực tiếp bằng trực tuyến, kể cả nội bộ lẫn bên ngoài, để tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Toạ đàm “DN thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt”.

GS. Vũ Văn Tích - Giám đốc Học viện Đổi mới sáng tạo Bộ KH&CN - lưu ý rằng, văn hoá DN trong môi trường số vô cùng quan trọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quản trị trong DN, nhà nước và xã hội, nên cần kích hoạt văn hoá sáng tạo trong nên kinh tế sáng tạo.

Đại diện các DN cũng khẳng định văn hoá số thúc đẩy văn hoá sáng tạo, dám nghĩ dám làm, không dựa vào con người mà dựa vào dữ liệu, các chỉ số. Phối hợp giữa AI và người nếu đạt hiệu quả xuất sắc sẽ tạo giá trị lớn cho DN và xã hội.

Văn hóa số không chỉ là một xu hướng, mà là một chiến lược tổng thể để DN có thể tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh đầy thách thức của thời đại 4.0.

Tại Diễn đàn “Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa”, các nhà khoa học, nhà quản lý, các DN Việt Nam và nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam thảo luận các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, từ đó đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành về cơ chế, chính sách hỗ trợ DN phát triển.

Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hoá DN Việt Nam - trao thưởng cho các cá nhân

Ông Hong Sun – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) - nhấn mạnh: “Văn hoá là nền tảng lớn của Việt Nam, cộng với nguồn nhân lực có chất lượng, nên sẽ không nghi ngờ về sự phát triển của Việt Nam”.

Đại diện các doanh nghiệp cũng thống nhất trong kinh doanh đa quốc gia, 2 bên phải hiểu được văn hoá của nhau và biết được ngôn ngữ địa phương, văn hoá địa phương là quan trọng. Nền tảng văn hoá và sự tự tin sẽ giúp DN tương tác bình đẳng với đối tác.

Các DN trong nước và quốc tế đề cập đến rào cản của môi trường đa văn hóa và chia sẻ kinh nghiệm để khắc phục và kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành những vấn đề cần thiết...

Chiều cùng ngày, lễ vinh danh và trao chứng nhận “DN đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam” cho 20 DN đáp ứng xuất sắc Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng Quốc gia xét duyệt và Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tham gia xây dựng, đã được tổ chức.

Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hoá DN Việt Nam - trao chứng nhận cho các DN đạt chuẩn văn hoá kinh doanh.
Các DN đạt chuẩn văn hoá kinh doanh năm 2024 được trao chứng nhận.

BTC cũng tặng Bằng khen cho 6 doanh nghiệp, 1 diễn đàn và 19 nhà báo đóng góp tích cực trong Cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam.