|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối (Ảnh - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng) |
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước nghèo, trình độ phát triển kém đang thiếu hụt nguồn vaccine phòng COVID-19 do không làm chủ được công nghệ sản xuất và cũng không đủ ngân sách để nhập khẩu vaccine từ các nước khác. Bên cạnh đó, những quốc gia phát triển, trình độ khoa học công nghệ hiện đại không những nắm công nghệ sản xuất vaccine, có đủ vaccine để tiêm cho người dân trong nước, mà còn có thể làm giàu nhờ xuất khẩu vaccine ra nước ngoài.
Thực tế này đã dẫn đến nguy cơ gia tăng khoảng cách về điều kiện tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo, khiến cho dịch bệnh khó được đẩy lùi trên thế giới. Để khắc phục tình trạng này, nhiều nước trên thế giới đã tiến tới gỡ bỏ tạm thời hoặc lâu dài quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19. Điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về sự lựa chọn giữa sức khỏe cộng đồng với quyền lợi riêng của một số người. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV VietTimes đã trao đổi với với luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối.
- Xin ông cho biết quan điểm của mình về quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Quan điểm của cá nhân tôi, trước hết việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, vaccine phòng COVID-19 là một sáng chế và một giải pháp kỹ thuật được thể hiện dưới dạng sản phẩm để giải quyết vấn đề phòng ngừa mầm bệnh dựa trên kháng thể tự nhiên của con người. Các cá nhân, tổ chức nghiên cứu sáng tạo hoặc đầu tư kinh phí, phương tiện kỹ thuật cho việc nghiên cứu sáng tạo vaccine có quyền đăng ký bảo hộ và được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế đối với vaccine mà mình nghiên cứu hoặc đầu tư kinh phí nghiên cứu ra.
Mặt khác, quyền sở hữu trí tuệ được Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định là một trong những quyền tài sản và là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân tổ chức. Do đó quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 dưới góc độ pháp luật là điều hết sức bình thường và được pháp luật bảo hộ.
|
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý) |
Dưới góc độ xã hội, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine cũng rất hợp lý. Bởi vaccine phòng COVID-19 là thành quả lao động của chủ sở hữu sáng chế. Họ đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật và cả trí tuệ của họ nữa, nên công sức và tiền bạc mà họ bỏ ra tất nhiên phải được pháp luật bảo vệ. Chủ sở hữu sáng chế vaccine được sử dụng tài sản của mình theo ý chí riêng của họ mà không cần phải chia sẻ cho ai. Quyền sở hữu trí tuệ cũng là động lực để những tổ chức cá nhân này tiếp tục cố gắng phát huy cải tiến thành quả của mình để có những loại vaccine tốt hơn nữa.
Mặt khác, để sản xuất được vaccine phòng COVID-19, cần kinh phí và điều kiện vật chất kỹ thuật rất lớn mà không phải tổ chức nào cũng làm được. Do vậy, chủ sở hữu sáng chế không nên chia sẻ rộng khiến cho những doanh nghiệp không đủ điều kiện cũng ồ ạt sản xuất vaccine để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh đại dịch, sự độc quyền công nghệ sản xuất vaccine cũng đặt ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống và sức khỏe cộng đồng. Nó làm hạn chế việc tiếp cận vaccine của phần đông dân số thế giới và cản trở nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trên quy mô toàn cầu.
Trao đổi với PV VietTimes, GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam – cho biết: Việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 do Chính phủ các nước sản xuất vaccine quyết định. Nếu quyền sở hữu trí tuệ của vaccine phòng COVID-19 được gỡ bỏ thì người dân ở các nước có thể tiếp cận một cách bình đẳng với vaccine phòng COVID-19.
|
GS. TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý) |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới tiếp cận bình đẳng đối với vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, hầu hết các nước phát triển trên thế giới vẫn giữ bản quyền của vaccine. Mới đây, Mỹ đã nới lỏng việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19.
“Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nếu quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 được gỡ bỏ, người dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Nếu 2/3 dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì việc COVID-19 lây truyền trong cộng đồng sẽ được ngăn chặn. Vaccine phòng COVID-19 mang lại nhiều hiệu quả đối với người dân, giúp bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Cá nhân người tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ không bị nhiễm bệnh hoặc nếu nhiễm bệnh thì chỉ mắc bệnh nhẹ. Càng nhiều người được tiêm thì hiệu quả càng cao. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng, chống dịch COVID-19 chủ động” – ông Kính nói.
- Việc gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Việc gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân Việt Nam. Khi công nghệ sản xuất không còn độc quyền nữa thì nhiều doanh nghiệp được tiếp cận hơn. Theo đó, số lượng vaccine được sản xuất sẽ nhiều hơn, giá thành vaccine sẽ rẻ hơn và nhiều người được tiêm hơn. Tuy nhiên khi đó cũng xuất hiện bất cập là nhiều tổ chức tham gia sản xuất thì dẫn đến có những doanh nghiệp cung cấp vaccine kém chất lượng và chúng ta phải chọn lọc kỹ càng hơn.
Mặt khác, tôi muốn nhấn mạnh lại việc chúng ta cần gỡ bỏ tạm thời chứ không phải lâu dài quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19. Bởi nếu gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine lâu dài hoặc vĩnh viễn thì cái hại nhiều hơn cái lợi. Việc này sẽ triệt tiêu động lực nghiên cứu sáng tạo vaccine của các nhà khoa học, doanh nghiệp. Họ biết rằng dù nghiên cứu ra vaccine thì thành quả đó cũng không còn là của mình nữa, lợi ích không đảm bảo thì họ sẽ không làm.
Hơn nữa, gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ lâu dài với vaccine sẽ gây ra tâm lý trông chờ và không ai muốn nghiêm túc nghiên cứu sản xuất vaccine. Do đó, theo tôi, chỉ nên gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng COVID-19 trong thời gian ngắn để giải quyết tình hình dịch bệnh nguy cấp trước mắt.
- Tại Việt Nam, việc gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng COVID-19 có vướng phải rào cản pháp lý nào hay không thưa ông?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Việc gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam là một vấn đề mới và pháp luật cũng chưa có quy định cho phép về việc này. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019 quy định chủ sở hữu vaccine phòng COVID-19 trong trường hợp này sẽ được cấp Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền sáng chế này có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế. Hết 20 năm mới hết thời hạn bảo hộ và khi đó quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine mới được gỡ bỏ. Chưa hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế vẫn có thể chấm dứt hiệu lực trong một số trường hợp nhưng cũng không có căn cứ để cơ quan nhà nước được phép gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine vì lý do cần thiết vì điều kiện dịch bệnh như hiện nay.
Như vậy pháp luật hiện hành không cho phép cơ quan nhà nước được gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế trong thời gian tạm thời hoặc lâu dài. Do đó, việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 tất nhiên gặp phải rào cản là hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành.
- Ở góc độ luật pháp, việc gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ có ảnh hưởng gì đến các vấn đề pháp lý quốc tế, hay thông lệ quốc tế không thưa ông?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với sáng chế hay gỡ bỏ độc quyền sáng chế với mục đích khắc phục khó khăn và vì lợi ích chung cho cộng đồng như việc phòng ngừa dịch bệnh lần này là điều chưa từng có trong tiền lệ và thông lệ quốc tế cũng chưa từng có. Thực tiễn như vậy kéo theo các quy định pháp luật quốc tế cũng chưa hề cho phép về vấn đề này. Do đó, thời gian gần đây cộng đồng quốc tế mới có tranh luận gay gắt về việc nên hay không gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì ủng hộ, còn Chính phủ một số nước châu Âu, điển hình là Đức, lại phản đối. Họ tranh luận dựa trên tính hợp lý của quyết định chứ không phải việc có phù hợp với pháp luật quốc tế hay không (do chắc chắn là pháp luật quốc tế hiện hành không cho phép) và mỗi bên đều có lý lẽ riêng cho mình. Dù có được thông qua hay không nhưng quyết định gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 vì mục đích phòng chống dịch bệnh của toàn thế giới cũng là vấn đề mang tính gợi mở đối với pháp luật quốc tế. Sau này khi xây dựng các quy định mang tính quốc tế về sở hữu trí tuệ có thể các nước sẽ cân nhắc đến vấn đề này và sẽ có thay đổi về quy định của các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ trong tương lai.
|
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, động lực sáng tạo của các nhà nghiên cứu sẽ bị hạn chế ít nhiều nếu gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng COVID-19 (Ảnh: NVCC) |
- Liệu việc gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 có làm hạn chế động lực sáng tạo của các nhà nghiên cứu khoa học hay không thưa ông?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Theo tôi, động lực sáng tạo của các nhà nghiên cứu tất nhiên sẽ bị hạn chế ít nhiều nếu chúng ta gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng COVID-19. Như tôi đã nói ở trên, những nhà nghiên cứu sẽ không muốn lao động nếu họ biết chắc chắn rằng họ sẽ không hoàn toàn được hưởng thành quả lao động của mình.
Điều này là vô cùng quan ngại, có thể hậu quả của nó không đến ngay nhưng trong tương lai, nếu virus SARS-CoV-2 có những biến thể mà vaccine hiện tại không có khả năng tạo kháng thể hoặc xuất hiện một dịch bệnh khác nguy hiểm hơn, thì khi đó chúng ta mới thấy hết được tác động của việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ.
Khi đó, số lượng vaccine được nghiên cứu thành công có thể sẽ ít hơn, hiệu quả sẽ thấp hơn hoặc xấu nhất là không có vaccine nào cả. Tác động hạn chế động lực sáng tạo của các nhà nghiên cứu khi gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ của họ với vaccine ít hay nhiều phụ thuộc và cách làm của mỗi nước. Nếu chỉ hạn chế tạm thời cộng thêm bồi thường xứng đáng cho các nhà khoa học sẽ ít ảnh hưởng đến động lực làm việc của họ hơn là gỡ quyền sở hữu trí tuệ bỏ lâu dài và không có ưu đãi tốt đối với họ.
- Thực tế, nếu gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19, lợi ích của các doanh nghiệp ngành dược sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp không muốn tiếp tục đầu tư, nghiên cứu. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Cũng như những người trực tiếp nghiên cứu sáng tạo ra vaccine, những doanh nghiệp đầu tư vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng được coi là chủ sở hữu sáng chế. Do đó nếu quyền sở hữu trí tuệ của họ bị gỡ bỏ thì họ cũng sẽ không muốn tiếp tục đầu tư nghiên cứu nữa. Các doanh nghiệp hoạt động vì lợi ích vì sức khỏe cộng đồng nhưng trước hết và song song với đó họ cũng vì lợi nhuận. Doanh nghiệp là các chủ thể kinh doanh mà kinh doanh thì mục tiêu cuối cùng vẫn là lợi nhuận. Nếu lợi nhuận không đảm bảo thì tất nhiên họ sẽ không kinh doanh nữa mà không kinh doanh thì không có đầu tư nghiên cứu và theo đó là không có vaccine. Doanh nghiệp và nhà nghiên cứu đều như nhau, khi quyền lợi của họ không được đảm bảo thì họ cũng không còn động lực để làm việc nữa.
|
Vaccine phòng COVID-19 là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống đại dịch (Ảnh - Minh Thuý) |
- Hiện, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để chiến thắng đại dịch. Vậy luật pháp và các cơ quan chức năng đóng vai trò gì để giúp người dân sớm tiếp cận với vaccine phòng COVID-19 thưa ông?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Theo tôi các quy định của pháp luật đóng một vai trò nhất định trong việc giúp người dân sớm tiếp cận với vaccine phòng COVID-19, cụ thể như sau:
Thứ nhất, với các loại vaccine nhập từ nước ngoài. Quy định về thủ tục hải quan, nhập khẩu hàng hóa phải thông thoáng để vaccine sớm vào nội địa và sớm đến được người dân. Hơn nữa, vaccine có thời hạn sử dụng không dài, nếu chờ làm thủ tục lâu sẽ không đảm bảo chất lượng.
Thứ hai, Chính phủ và Bộ Y tế cần đặt ra quy trình kiểm định chất lượng vaccine một cách vừa nhanh gọn lại vừa đảm bảo hiệu quả. Không nên để tình trạng vaccine có nhưng mãi không được sử dụng vì quá nhiều khâu nhiều bước và có chồng chéo giữa các cơ quan trong công tác kiểm định.
Thứ ba, Chính phủ cần có biện pháp khuyến khích các tổ chức cá nhân trong nước tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19 “Made in Vietnam” để không bị phụ thuộc vào bên ngoài. Điều này chúng ta đã và đang làm rất tốt, nhiều đơn vị trong nước đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất vaccine để người dân sớm được tiêm vaccine phòng COVID-19 rộng rãi do chính chúng ta tự sản xuất và chúng ta nên tự hào về điều đó.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!