|
Bà Aung San Suu Kyi |
Hội nghị hòa đàm giữa chính quyền mới của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi với những nhóm sắc tộc nổi dậy ở Myanmar đang trong tiến trình, đây là mong mỏi cũng là thử thách lớn nhất đối với bà Aung San Suu Kyi. Từ vị thế một nhà đấu tranh dân chủ nhân quyền đến vị thế quản trị quốc gia là hai chuyện khác, bà Suu Kyi phải tính toán thế nào giữa chủ nghĩa lý tưởng của bà và lợi ích thiết thực của quốc gia hiện nay?
Theo thông tin, hội nghị hòa đàm giữa chính quyền mới của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi với những nhóm sắc tộc nổi dậy ở Myanmar sẽ kéo dài 5 ngày (từ 31/8), quy tụ hàng trăm lãnh đạo của những nhóm sắc tộc thiểu số nổi dậy về thủ đô Naypyidaw. Tại hội nghị còn có đại diện của những phái đoàn quốc tế, trong đó có nhân vật nổi tiếng cựu tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan. Hội nghị hòa đàm sắp diễn ra tại Myanamar này được mệnh danh là ‘Palong Thế kỷ thứ 21’ nhằm gợi lại thỏa thuận mà tướng Aung San, thân phụ của bà Suu Kyi, từng ký kết vào năm 1947 (theo đó những nhóm sắc tộc thiểu số lớn ở Myanmar được trao quyền ở cấp tự trị, nhưng sau khi tướng Aung San bị ám sát thì thỏa thuận không được thực thi). Hiện bà Suu Kyi muốn thành lập một nhà nước liên bang, dù chưa rõ tình hình cụ thể như thế nào.
Thế kẹt của bà Aung San Suu Kyi
Để thực hiện hòa đàm lần này bà Aung San Suu Kyi đã phải hạ cố nhờ đến sự giúp đỡ từ phía Trung Quốc, đây có lẽ là thử thách mà bà Suu Kyi không mong muốn. Về lý luận, nhà dân chủ Suu Kyi của Myanmar không thể dung hợp với thể chế của Trung Quốc hiện nay. Bà Suu Kyi là một trong những nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền được thế giới ngợi ca, việc Liên minh Dân chủ của bà lên nắm quyền là một tín hiệu không vui đối với chính quyền Trung Quốc. Xưa nay, Trung Quốc luôn ủng hộ chính quyền quân sự ở Myanmar, lo lắng tư tưởng dân chủ của bà Suu Kyi ảnh hưởng vào trong nước.
Nhưng có quan điểm cho rằng, từ vị thế một nhà đấu tranh dân chủ nhân quyền đến vị thế quản trị quốc gia là hai chuyện khác. Bà Suu Kyi phải đấu tranh tư tưởng đặc biệt khó khăn trong tính toán giữa chủ nghĩa lý tưởng của bà và lợi ích thiết thực của quốc gia.
Để thỏa mãn mong ước của bà Suu Kyi muốn kết thúc nội chiến kéo dài suốt 70 năm qua với những tổ chức nổi loạn người dân tộc thiểu số, phía Trung Quốc đã bố trí “lễ vật” tặng bà (tuyên bố của những tổ chức nổi loạn muốn tham gia đàm phán hòa bình), nhắc nhở Trung Quốc muốn trở thành người bạn tốt của Myanmar. Bà Suu Kyi cũng phát biểu trong buổi họp báo sau đó: “Tôi tin, với vai trò là một người hàng xóm tốt, Trung Quốc sẽ làm mọi khả năng để thúc đẩy tiến trình hòa bình của chúng tôi”. “Mục đích quan trọng nhất của tôi là thực hiện đoàn kết và hòa bình giữa các dân tộc khác nhau trong liên bang chúng tôi. Không có hòa bình thì không thể có phát triển”…
Có thể nói, sau những tín hiệu thân thiện trong chuyến thăm Trung Quốc, thế giới đang chú ý không biết bà Suu Kyi sẽ đi những bước tiếp theo trong thời gian tới như thế nào. Người ta cũng đặt câu hỏi vì sao chuyến xuất ngoại đầu tiên ngoài Đông Nam Á sau khi nắm quyền của bà Suu Kyi là Trung Quốc chứ không phải Mỹ?
Nếu bà Suu Kyi chọn Trung Quốc thì có thể đánh mất lòng dân và sự ủng hộ quan trọng của phương Tây. Ngược lại, bà có thể đánh mất ủng hộ của Trung Quốc trong phát triển kinh tế, nhưng đặc biệt quan trọng là vấn đề hòa giải dân tộc.
Tính toán của Trung Quốc
Quan hệ Trung Quốc – Myanmar không chỉ là vấn đề quan hệ giữa hai nước. Hiện nay châu Á là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, nhưng cùng với căng thẳng quan hệ Trung – Mỹ leo thang, khu vực này cũng trở thành một khu vực nhạy cảm chính trị thế giới, và quan hệ Trung Quốc - Myanmar khó tránh có ảnh hưởng đối với an ninh chính trị toàn khu vực.
Trung Quốc đang khao khát đưa Myanmar vào quỹ đạo Trung Quốc vì rất nhiều lợi ích: quan hệ đối ngoại của Trung Quốc với những nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc hiện đang rất kém; nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đều tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, muốn kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc; khôi phục lại nhiều dự án của Trung Quốc tại Myanmar từng bị người dân Myanmar phản đối phải đình lại; lôi kéo Myanmar ủng hộ Trung Quốc trong lập trường Biển Đông…
Trong việc hối thúc các tổ chức nội dậy tham gia đàm phán hòa bình, Trung Quốc mong muốn kết thúc trận chiến dai dẳng sau nhiều năm ủng hộ những tổ chức vũ trang này. Xung đột đã khiến hoạt động buôn bán gỗ và ngọc bích bất hợp pháp có điều kiện phát triển mạnh mẽ, khiến hoạt động thương mại hợp pháp vùng biên giới Trung Quốc – Myanmar rơi vào tình cảnh bế tắc.
Đặc biệt, việc lập lại hòa bình ở Myanmar còn giúp Trung Quốc trong kế hoạch triển khai xây dựng tuyến đường sắt và đường quốc lộ kéo từ Trung Quốc - Myanmar - vịnh Bengal, mở ra con đường cung cấp dầu khí mới cho Trung Quốc mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào con đường trên Biển Đông, giúp tăng cường thương mại giữa Trung Quốc và khu vực Trung Đông…
Mỹ và ân tình với bà Aung San Suu Kyi
Trên trang “Đồng thuận” (Gongshi), tác giả Diêu Dĩnh đã có bài phân tích toàn cảnh bức tranh quan hệ của Mỹ - Myanmar, cho thấy nhiều ưu thế của Mỹ so với Trung Quốc trong quan hệ với Myanmar.
Tác giả đã nhìn lại lịch sử chính sách của Mỹ đối với Myanmar kể từ sau khi Myanmar độc lập (1948) đến nay và cho rằng, chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Myanmar dao động tùy theo mục đích ưu tiên ngoại giao trong các thời khác nhau cùng vấn đề định vị chiến lược của Mỹ. Dĩ nhiên Mỹ không tán thành chính quyền quân sự, chỉ ủng hộ chính quyền do dân bầu. Trong thời chiến tranh lạnh Xô – Mỹ, Mỹ ưu tiên ngăn chặn Myanmar về phe Trung Quốc và Liên Xô hơn là vấn đề “dân chủ hóa” hoặc nhân quyền. Thời U Nu cầm quyền vào thập niên 50 thế kỷ trước, Mỹ không mấy thiện cảm đối với chính quyền dân cử của U Nu vì thái độ không quyết liệt, và không thể ổn định cục diện rối loạn ở Myanmar.
Ngược lại, người Mỹ yên tâm hơn trong ổn định cục diện của phe quân đội, vì thế vào thập niên 1960 đã hỗ trợ phe quân đội dưới sự lãnh đạo của Ne Win. Một mặt Mỹ hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Myanmar để ngăn chặn Myanmar ngả theo phe Trung Quốc và Liên Xô, mặt khác âm thầm ủng hộ quân Quốc dân đảng ở phía bắc Myanmar. Sau chiến tranh lạnh, chính sách này không còn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, hai nước tăng cường hợp tác trong ngăn chặn hoạt động ma túy tại vùng Tam giác vàng.
Theo bài viết, sau đàn áp phong trào sinh viên của chính quyền đảng cầm quyền Myanmar (ngày 8/8/1988), vấn đề dân chủ hóa và nhân quyền dần trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Myanmar. Năm 1991 bà Suu Kyi được giải Nobel Hòa bình gây ảnh hưởng mạnh đối với phương Tây, từ đây những tiếng nói yêu cầu chế tài cấm vận Myanmar tại Quốc hội Mỹ ngày càng mạnh mẽ. Năm 1997, Tổng thống Clinton ký lệnh trừng phạt Myanmar. Đây là giai đoạn mà bà Suu Kyi trở thành nhân tố có ảnh hưởng quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với Myanmar, sức ảnh hưởng của bà Suu Kyi đối với người dân cũng như Quốc hội Mỹ cùng quan hệ thân mật của bà Suu Kyi với đệ nhất phu nhân Laura Bush khi đó là nguyên nhân trực tiếp nhất thúc đẩy lệnh cấm vận của Mỹ đối với Myanmar. Chuyên gia vấn đề Myanmar là Steinberg cho rằng “tại Mỹ khi đó không có người nước ngoài nào có tầm ảnh hưởng đối với chính sách quốc gia của Mỹ như bà Suu Kyi”. Năm 2003, chính quyền của Tổng thống Bush ký “Dự luật Tự do và Dân chủ Myanmar”, đẩy mạnh cấm vận Myanmar.
Từ 2008 đến nay, chính quyền của Tổng thống Obama điều chỉnh chiến lược mạnh mẽ trong chính sách của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, người khởi xướng đầu tiên là cựu Trợ lý Ngoại trưởng Campbell cho biết, lợi ích căn bản của Mỹ ở Myanmar là thực hiện “một Myanmar thống nhất, hòa bình, phồn thịnh, dân chủ, tôn trọng quyền lợi của nhân dân”. Sau năm 2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thực hiện chính sách “tiếp xúc thiết thực” đối với Myanmar. Năm 2011, dưới thời ông Thein Sein, quan hệ Mỹ - Myanmar được cải thiện, thể hiện chính ở bốn phương diện: giới chức cấp cao hai nước tăng cường giao lưu; đa dạng hóa hoạt động giao lưu; thúc đẩy thương mại; các dự án hỗ trợ và đầu tư song phương và đa phương.
Về chính trị: gặp gỡ giữa chính giới Mỹ và Myanmar diễn ra thường xuyên, quan chức các cấp của Mỹ đến thăm Myanmar tăng cao. Cuối năm 2011, bà Hillary đến thăm, ông Obama hai lần đến thăm Myanmar vào năm 2012 và 2014, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Myanmar khi tại nhiệm. Năm 2013 ông Thein Sein được Obama mời thăm Mỹ và có bài diễn thuyết tại Liên Hiệp Quốc, trở thành chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của nguyên thủ Myanmar sau 47 năm.
Về đa nguyên hóa hợp tác: hoạt động giao lưu giữa các tổ chức thuộc chính phủ, quân đội, phi chính phủ hai nước được đẩy mạnh. Tổ chức tư vấn chiến lược giữa Mỹ và Myanmar bắt đầu thúc đẩy hợp tác từ năm 2012, giao lưu giữa tổ chức xã hội dân sự và trường đại học cũng không ngừng tăng cường. Đáng chú ý nhất là quan hệ quân sự Mỹ - Myanmar có chuyển biến lớn từ 2012. Năm 2012 Mỹ mời Myanmar làm quan sát viên tập trận chung Cobra Gold giữa Mỹ và Thái Lan, tuy nhiên vì bị Quốc hội Mỹ phản đối nên đành hoãn lại. Năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel gặp Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar là Waylon tại Hawaii thảo luận hợp tác trong các lĩnh vực phi truyền thống. Năm 2014, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shi Dawei phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh trước Quốc hội Mỹ rằng, hợp tác quân sự giữa hai nước là thiết yếu cho tiến trình dân chủ của Myanmar. Bộ Quốc phòng Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng, dù chưa bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Myanmar.
Về kinh tế: Mỹ từng bước giảm chế tài kinh tế đối với Myanmar, tăng cường hoạt động thương mai giữa hai bên. Ngoài ngọc lục bảo và ruby, những cấm vận nhập khẩu khác đối với Myanmar về cơ bản đều được dỡ bỏ. Trước 2010, ngoại thương giữa Mỹ - Myanmar rất yếu ớt, việc nhập khẩu hàng Myanmar của Mỹ gần như bằng không, sau đó đã tăng vọt.
Cuối cùng, từ phương diện hỗ trợ và đầu tư, Mỹ đã cổ vũ đồng minh cùng nhiều tổ chức quốc tế tham gia đầu tư vào Myanmar. Các dự án hỗ trợ kinh tế của Nhật, Hàn, châu Âu phát triển mạnh ở Myanmar, ngoài ra còn nhiều dự án viện trợ khác nhau của IMF, Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc.
Tác giả kết luận, chính sách của Mỹ đối với Myanmar hiện nay nằm trong ván cờ quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cho dù Mỹ luôn nhấn mạnh việc Mỹ quay lại châu Á – Thái Bình Dương không phải để “kiềm chế Trung Quốc”, nhưng thực tế Mỹ không muốn Trung Quốc xưng bá ở châu Á – Thái Bình Dương thách thức địa vị của Mỹ. Đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, Mỹ luôn muốn ASEAN thống nhất quan điểm phù hợp với đường lối của Mỹ. Myanmar là một thành viên của khối ASEAN, và Mỹ muốn Myanmar gần gũi với Philippines và Việt Nam, giảm thiểu phụ thuộc vào Trung Quốc.
Về động thái của bà Suu Kyi với Trung Quốc, New York Times ngày 22/8 đã trích lời của ông Hans W. Vriens thuộc công ty tư vấn đầu tư vào Myanmar là Vriens & Partners cho biết: “Trung Quốc luôn dùng giao dịch đổi chác trong bất cứ vấn đề gì nhằm tìm lợi cho mình, nhưng họ có thể kỳ vọng quá cao, bà Suu Kyi muốn dùng lá bài Trung Quốc lập lại cân bằng, nhưng bà ấy sẽ không bao giờ rời xa Mỹ. Vai trò của Washington đối với quá trình dân chủ hóa Myanmar rất quan trọng, và vai trò đó không hề giảm đối với chính quyền kế nhiệm của bà Suu Kyi hiện nay”. Bài viết còn trích lời của ông Sumlut Gun Maw (Thủ lĩnh Kachin) từng chia sẻ với một quan chức của Tổng thống Obama tại Washington rằng, việc quan hệ với Trung Quốc có thể sẽ mang đến hậu quả không như mong đợi. Ông nói, tộc Ngõa và tộc Quả Cảm có quan hệ “đồng chí” với Trung Quốc, Trung Quốc đưa họ vào tiến trình hòa bình thì cũng đòi hỏi họ phải báo đáp không hề nhỏ.