|
Tàu chiến USS Fort Worth tuần tra thường kỳ trên vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên biển Đông ngày 11-5-2015. Phía sau là tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yancheng (FFG 546) của hải quân Trung Quốc đeo bám - Ảnh: US Navy |
Những đường băng và các cảng tàu lớn xây dựng được sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh lập kế hoạch xây dựng lực lượng và nắm quyền kiểm soát (biển Đông) bằng cả lực lượng quân sự lẫn bán quân sự.
Các bên khác liên quan đến tranh chấp ở biển Đông hoàn toàn không biết phải làm gì trong vụ tranh chấp này.
Mỹ thể hiện vai trò
Đối mặt với diễn biến này, Mỹ cần phải tái bảo đảm với các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và các quốc gia có nhu cầu đi lại ở biển Đông rằng Mỹ là một quốc gia đáng tin cậy để bảo đảm hòa bình trong khu vực.
Ngoài ra, Mỹ có thể quan ngại về việc Trung Quốc cố gắng kiểm soát biển Đông rồi sau đó bóp nghẹt một trong những huyết mạch hàng hải quan trọng nhất trên thế giới này. Biển Đông cũng đóng vai trò quan trọng đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Chúng ta cần phải lưu ý rằng Mỹ không có ý định chiếm giữ đất đai hay vùng biển ở biển Đông từ bất cứ quốc gia nào.
Mỹ có chính sách phớt lờ các yêu sách về lãnh hải đã vi phạm luật pháp quốc tế. Vì thế, Mỹ từng phớt lờ quan điểm của Trung Quốc về tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Có khả năng Mỹ cũng sẽ phớt lờ các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc bằng cách thực hiện quyền tự do hàng hải tại khu vực này.
Nếu điều này diễn ra, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phản ứng bằng các hành động dẫn đến các cuộc đụng độ như sự kiện tàu Impeccable năm 2009 (phía Mỹ cáo buộc năm tàu Trung Quốc gây khó khăn và tiếp cận một cách nguy hiểm tàu thăm dò đại dương không trang bị vũ khí Impeccable của Mỹ).
Nhưng Mỹ không phải là bên ký kết Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, do đó không thể đơn phương kiện Trung Quốc ra tòa án.
Nhưng điều này cho ta một luận điểm quan trọng: nếu Trung Quốc cố gắng tuyên bố vùng biển chủ quyền 12 hải lý đối với bãi Vành Khăn và bãi Xu Bi, các quốc gia ký kết UNCLOS phải đưa vụ việc này ra tòa.
Đây là một trong các biện pháp có thể giúp ngăn chặn các sự cố có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ.
Xây dựng chiến lược dài lâu tránh đụng độ
Ngoài ra, theo UNCLOS, không có quốc gia nào có quyền ngăn chặn Mỹ thực hiện quyền “qua lại vô hại” trong vùng lãnh hải hay vùng kinh tế đặc quyền của các quốc gia ven biển.
Một lần nữa, nếu Mỹ quyết định làm vậy, Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách hành động dẫn tới các cuộc đụng độ trên biển như vụ tàu Impeccable năm 2009 mà tôi đề cập bên trên.
Những cuộc đụng độ giả thuyết này có thể làm gia tăng căng thẳng bởi vì quần đảo Trường Sa là khu vực cực kỳ nhạy cảm, nằm gần các căn cứ không quân và hải quân của Trung Quốc.
Từ quan điểm pháp lý, tôi thấy hoàn toàn phù hợp để thực hiện quyền tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý của bãi Vành Khăn, bãi Xu Bi và quyền “qua lại vô hại” trong khu vực 12 hải lý của các bãi đá khác.
Nếu Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp đe dọa và cưỡng ép để ngăn chặn các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, thực hiện quyền tự do hàng hải và quyền “qua lại vô hại”, sẽ tạo ra một tương lai xám xịt ở biển Đông.
Tôi đánh giá cao và ủng hộ Mỹ hỗ trợ thực thi pháp quyền ở biển Đông cũng như lập trường của Washington chống lại sự cưỡng ép của các quốc gia khác.
Chắc chắn Mỹ sẽ không có ý định vi phạm chủ quyền và các quyền lợi khác của Việt Nam.
Do đó, nếu Mỹ chọn hành động đưa tàu hải quân hay máy bay do thám đến các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở biển Đông như báo Wall Street Journal đưa tin, tôi tin tưởng rằng họ có lý do đúng đắn để làm việc đó.
Tuy nhiên, tranh chấp ở biển Đông chắc chắn sẽ kéo dài. Do đó, Mỹ và các bên liên quan cần một chiến lược để đạt bước tiến xa hơn.
Nếu Mỹ và các quốc gia khác có thể phối hợp với nhau - như một phần của chiến lược dài hạn - để thách thức yêu sách lãnh hải bất hợp pháp của Trung Quốc, điều đó tốt hơn là các cuộc đụng độ lớn xảy ra trên biển.
Tiến sĩ DƯƠNG DANH HUY (thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông)
Theo: Tuổi Trẻ