|
Các nhà khoa học từ lâu đã muốn nghiên cứu về ứng dụng công nghệ mRNA vào điều chế vaccine ung thư (Ảnh: FT) |
Moderna và Merck đang chuẩn bị để khởi động cho quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 của một loại vaccine ngừa ung thư công nghệ mRNA, sau khi nghiên cứu mà họ thực hiện cho thấy nó có thể được sử dụng để điều trị một dạng ung thư da nguy hiểm – u hắc tố.
Dữ liệu được Moderna công bố trong hôm thứ Ba cho thấy, sự kết hợp giữa vaccine ung thư thử nghiệm của họ với liệu pháp miễn dịch Keytruda của Merck làm giảm tỷ lệ tử vong hoặc sự trở lại của u hắc tố ở những bệnh nhân có rủi ro cao tới 44% nếu so với quá trình điều trị chỉ sử dụng Keytruda.
Thử nghiệm giai đoạn 2 được thực hiện trên 157 tình nguyện viên đăng ký được tùy chọn. Những người này đều từng trải qua phẫu thuật liên quan tới u hắc tố và được theo dõi trong một năm. Một số bệnh nhân được tiêm 9 liều vaccine ung thư thử nghiệm, có mã mRNA-4157/V940, cùng với Keytruda. Những người khác chỉ được sử dụng Keytruda, vốn là liệu pháp điều trị tiêu chuẩn đối với khối u hắc tố có nguy cơ cao.
Liệu pháp mới được thiết kế để nhằm điều trị các khối u đột biến cao. Vaccine hoạt động cùng với Keytruda của Merck, được gọi là "chất ức chế trạm kiểm soát" được thiết kế để vô hiệu hóa một loại protein có tên PD-1, giúp các khối u trốn tránh hệ miễn dịch.
Để chế tạo vaccine, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu khối u và mô khỏe mạnh của chính bệnh nhân. Sau khi phân tích các mẫu để giải mã trình tự di truyền của chúng và phân lập các protein đột biến chỉ liên quan đến bệnh ung thư, thông tin đó được sử dụng để điều chế một loại vaccine ung thư phù hợp với từng cá nhân.
Khi được tiêm vào bệnh nhân, các tế bào của bệnh nhân hoạt động như một nhà máy sản xuất, tạo ra các bản sao hoàn hảo của các đột biến để hệ thống miễn dịch luyện tập nhận biết và tiêu diệt.
Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành của Moderna, cho hay kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 đã giúp cho Merck và Moderna có thêm cơ sở để thực hiện thử nghiệm giai đoạn 3. Đây là giai đoạn mà các cơ quan quản lý yêu cầu phải thực hiện trước khi phê duyệt một phương pháp điều trị mới.
Phần lớn các loại thuốc được chứng minh là thành công trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai sau đó thất bại trong các cuộc thử nghiệm cuối cùng.
Hai hãng dược phẩm cũng thử nghiệm phương pháp kết hợp vaccine với thuốc miễn dịch này với nhiều bệnh nhân mắc các dạng ung thư khác. “Chúng tôi tin rằng nó sẽ có tác dụng đối với nhiều loại khối u, chứ không chỉ riêng gì khối u hắc tố,” ông Bancel nói trong một cuộc phỏng vấn.
Giới khoa học từ lâu đã nghiên cứu về ứng dụng tiềm năng của công nghệ mRNA – vốn nổi tiếng nhờ ứng dụng thành công trong điều chế vaccine ngừa COVID-19 – để cho ra mắt một loại vaccine có thể dạy cho hệ miễn dịch của người tấn công các khối u ung thư.
Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán sớm ung thư vú bằng trí tuệ nhân tạo
Phát hiện loại thuốc ức chế thành công gene gây ra nhiều bệnh ung thư phổ biến
Các kỹ sư khoa học Mỹ thiết kế enzyme nhân tạo, bảo vệ xương trong quá trình điều trị ung thư
Theo Financial Times