|
Việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt các cá nhân, thực thể Trung Quốc có các hành động gây mất ổn định ở Biển Đông và biển Hoa Đông chắc chắn sẽ gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung (Ảnh: Hket). |
Theo "Đạo luật trừng phạt về Biển Đông và Hoa Đông, 2021" (South China Sea and East China Sea Sanctions Act of 2021), những công dân và thực thể Trung Quốc tham gia vào việc lấp biển tạo đảo ở Biển Đông, xây dựng các ngọn hải đăng, trạm dịch vụ thông tin di động, cơ sở cung cấp điện và nhiên liệu, cơ sở hạ tầng dân sự, kể cả việc lập ra các điểm định cư mới phát sinh từ những dự án nêu trên, cũng như tuyên bố chủ quyền thông qua hoạt động của máy bay và tàu quân sự, đều bị niêm phong tài sản tại Mỹ, từ chối nhập cảnh và hủy bỏ thị thực vào Mỹ nếu đã có.
Đạo luật này sau đó sẽ được đệ trình lên Thượng viện để xem xét và biểu quyết, sau khi được thông qua sẽ được đưa ra Hạ viện để xem xét. Sau khi được Thượng viện và Hạ viện thông qua, nó sẽ được đệ trình lên Tổng thống Joe Biden để ký ban hành. Dự luật yêu cầu Tổng thống Joe Biden phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan trong vòng 60 ngày sau khi dự luật có hiệu lực. Dự kiến những người bị trừng phạt bao gồm tất cả các công ty và nhân viên Trung Quốc đã tham gia xây dựng ở Biển Đông.
Ông Bob Menendez, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho rằng “đây là một dự luật quan trọng ủng hộ Mỹ áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phát triển ổn định và thịnh vượng”.
|
Các hành động phô trương sức mạnh trên biển của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng (Ảnh: AP). |
Thành viên chính của Đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Jim Risch, nhấn mạnh rằng Trung Quốc là thách thức và ưu tiên chính sách đối ngoại lớn nhất của Mỹ. Mỹ nên sử dụng tất cả các công cụ theo ý mình để đe dọa và trừng phạt các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Marco Rubio lần đầu tiên đề xuất dự luật này vào tháng 12 năm 2016, sau đó đề xuất lại vào tháng 3/2017 và tháng 5/2019, nhưng đều không được đưa vào chương trình nghị sự của Ủy ban Đối ngoại và bị loại ra. Tuy nhiên, ông Rubio đã không bỏ cuộc, ông đã nêu trở lại vào tháng 5 năm nay, lần thứ tư đề xuất Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông, cuối cùng đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua hôm 19/10.
Dự luật này được đề xuất với danh nghĩa liên danh 14 thượng nghị sĩ trong đó có Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio của bang Florida và Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin của bang Maryland. Sau khi dự luật được thông qua, ông Marco Rubio tuyên bố rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là những mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
|
Thượng nghị sỹ Marco Rubio, tác giả của dự luật trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông (Ảnh: Thehill). |
Ông Rubio nói: "Những rủi ro mà Mỹ phải đối mặt về lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là có thật. Khi Bắc Kinh tiếp tục kiểm soát trái phép Biển Đông và biển Hoa Đông, Mỹ cần có thêm nhiều công cụ để chống lại Bắc Kinh". Ông kêu gọi toàn bộ Thượng viện nhanh chóng thông qua đạo luật này.
Các Thượng nghị sĩ Rubio và Cardin đã giới thiệu dự luật với các Thượng nghị sĩ vào ngày 17 tháng 5 năm nay. Ông Marco Rubio là Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Đặc biệt Thượng viện và là thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ông Ben Cardin là Chủ tịch Tiểu ban chịu trách nhiệm quản lý Bộ Ngoại giao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
"Hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông không thể không bị kiểm soát", Thượng nghị sĩ Ben Cardin nói. "Dự luật của chúng tôi gửi đi một thông điệp mạnh mẽ và của cả hai đảng rằng, Mỹ sẽ bảo vệ dòng chảy thương mại và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của các đồng minh của chúng ta và thúc đẩy giải quyết hòa bình và bằng phương thức ngoại giao các tranh chấp theo luật pháp quốc tế".
|
Các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia hoạt động lấp biển tạo đảo ở Biển Đông sẽ bị Mỹ trừng phạt (Ảnh: VOA). |
Dự luật cũng cấm Văn phòng Xuất bản của Chính phủ Mỹ xuất bản bất kỳ tài liệu nào coi Biển Đông và Biển Hoa Đông là một phần của Trung Quốc; nghiêm cấm tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư nhất định vào các vùng biển này; không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển này và cấm viện trợ cho một số quốc gia công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển này, v.v.
Tại lưỡng viện của Quốc hội Mỹ, nơi hai đảng thường đối lập nghiêm trọng, nhưng các nhà lập pháp của cả hai đảng đều có sự đồng thuận chung về lập trường cứng rắn chống lại chính phủ Trung Quốc.
Về vấn đề Biển Đông, tuy Mỹ không có lập trường về chủ quyền các đảo ở Biển Đông thuộc về nước nào, tuy nhiên, trong thời kỳ chính quyền Donald Trump, Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết các vùng biển của Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp". Mỹ cũng đã trừng phạt một số công ty và cá nhân Trung Quốc liên quan đến việc lấp biển tạo đảo và quân sự hóa các đảo và bãi đá ngầm. Chính quyền Joe Biden hiện vẫn tiếp tục chính sách này của chính quyền Donald Trump.
|
Trung Quốc thường xuyên đưa tàu đến hoạt động ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, gây nên các vụ va chạm trên biển (Ảnh: Kyodo). |
Trung Quốc hiện có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên một nhóm đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông. Nhóm đảo này được Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku và được Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư. Nhóm đảo không người ở này hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng tàu Trung Quốc thường xuyên tới đối đầu với tàu của Nhật ở gần quần đảo. Chính phủ Mỹ không bày tỏ lập trường về quyền sở hữu cuối cùng đối với nhóm đảo này, nhưng phản đối bất kỳ hành động nào tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng, đồng thời tuyên bố rõ rằng nhóm đảo này hiện thuộc quyền tài phán hành chính của Nhật Bản và nằm trong phạm vi của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật; tức là nếu quần đảo Senkaku bị tấn công, Mỹ sẽ có trách nhiệm giúp Nhật bảo vệ.
Cho đến chiều 20/11, vẫn chưa thấy Trung Quốc có phản ứng gì về vụ này.