Ưu tiên phát triển giao thông kết nối Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cần ưu tiên cho các dự án giao thông ven biển, kết nối vùng với duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và một số địa phương của Lào, Campuchia, Thái Lan…

Gặp khó trong thu hút đầu tư công nghiệp quy mô lớn

Sáng 19/5, tại TP Huế, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tổ chức công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng; đề nghị, lãnh đạo các tỉnh, TP, thành viên Hội đồng Điều phối Vùng, đại diện các bộ, ngành cùng các đại biểu cho ý kiến góp ý vào báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ; ưu tiên, lưu ý những nhóm giải pháp phát triển của quy hoạch; các vấn đề khó khăn, thách thức chủ yếu và kiến nghị phương hướng tháo gỡ, khắc phục…

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực hành động quyết liệt; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ; triển khai bài bản, khoa học; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời hạn mục đích cuối cùng là mang lại hiệu quả thực chất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong vùng, đồng thời để sự phát triển của vùng tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ phát triển các vùng lân cận và cả nước.

hoi nghi vung 2.png
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết quan điểm phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ tập trung vào các ngành kinh tế biển để vùng trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm gắn với phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; thể chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện. Việc hoàn thiện Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay các tỉnh thành đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn. Bên cạnh đó, việc phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn. Không những vậy, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.

Chính vì vậy, để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần phổ biến bản Quy hoạch vùng này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.

"Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp với đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong vùng; phá bỏ tư duy cục bộ trước hết là trong việc triển khai thực hiện dự án có vai trò vùng; đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của Vùng", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

hoi nghi vung 1.png
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

Về phía Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã chủ động, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đề xuất rà soát 6 nhóm cơ chế, chính sách. Cụ thể là, nhóm chính sách về đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; nhóm chính sách về phát triển các ngành kinh tế biển, cụm liên kết ngành; nhóm chính sách về phát triển doanh nghiệp và thu hút dự án đầu tư quy mô lớn; nhóm chính sách, pháp luật về tài chính để huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của vùng; cơ chế, chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng: giao thông, y tế, giáo dục,…; nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã thông tin về giao thông kết nối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Đáng chú ý là tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng như, các tuyến đường ven biển liên kết trục dọc; các tuyến cao tốc kết nối Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao quy hoạch vùng, đã được xây dựng hết sức khoa học, công phu, kỹ lưỡng, trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của vùng. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương cần có những chính sách hỗ trợ để các địa phương có nguồn lực phát triển. Đặc biệt cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng nhằm liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng cũng như các quốc gia lân cận. Từ đó tạo nên sức bật, lợi thế khác biệt để vùng phát triển.

Ưu tiên cao cho các dự án kết nối vùng

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, nhằm hoàn thiện báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng; đề xuất với cấp thẩm quyền những giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả chủ trương về liên kết, kết nối, phát triển vùng.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng cho rằng phiên họp của Hội đồng bước đầu đưa ra tiêu chí, cơ sở, lộ trình triển khai kế hoạch với những dự án có ý nghĩa, giá trị liên địa phương, kết nối, tạo ra động lực phát triển chung, nguồn nhân lực chung cho cả vùng.

hoi nghi vung 3.png
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành trao quyết định phê duyệt quy hoạch vùng cho lãnh đạo 14 tỉnh, TP vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

Bên cạnh những nhiệm vụ đã hoàn thành, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ còn lại của Hội đồng như: Đề xuất những công trình, dự án kết nối, lan toả; cơ chế tổ chức, vận hành của các tiểu vùng; cơ sở dữ liệu thông tin của vùng…

Nhấn mạnh vai trò của sự kết nối, Phó Thủ tướng cho biết phải ưu tiên cho các dự án giao thông ven biển, kết nối vùng với duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và một số địa phương của Lào, Campuchia, Thái Lan…; chú trọng phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo để thu hút các dự án đầu tư lớn với các trung tâm năng lượng tái tạo đi kèm cơ chế mua bán điện trực tiếp, hình thành các khu công nghiệp sử dụng điện tái tạo "tự sản, tự tiêu", không đấu nối lên lưới điện quốc gia.

Đối với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu có chính sách cụ thể về đất đai, tài chính, thu hút nhân tài… nhằm xây dựng có những cơ sở giáo dục đại học tầm cỡ, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao vai trò, vị trí pháp lý, trách nhiệm của Hội đồng Vùng với Chính phủ, các Bộ, ngành trong đề xuất, quyết định đầu tư và bố trí nguồn lực cho các dự án có tính kết nối, lan toả nội vùng, liên vùng;...

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh); Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); cùng 2 hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây.