New Hampshire tiếp nối với một cuộc sơ bầu cử vào ngày 9/2 và các cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang khác diễn ra sau đó cho đến tháng 6.
Tại hầu hết các tiểu bang, bầu cử sơ bộ sẽ được tiến hành giống như các cuộc bầu cử bình thường, với những người dân đi bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu hoặc bằng đường bưu điện. Các cuộc bỏ phiếu kín thì phi chính thức hơn, thu hút số lượng cử tri đi bầu nhỏ hơn và bị chi phối bởi các nhà hoạt động của mỗi đảng. Các quy tắc áp dụng cho cả hai loại hình bầu cử này khác nhau tùy vào từng bang và từng đảng.
Mục đích của quá trình này là để xác định số đại biểu của mỗi đảng tại mỗi tiểu bang ủng hộ các ứng cử viên trước khi hội nghị quốc gia của mỗi đảng diễn ra, nơi ứng cử viên tổng thống của mỗi đảng chính thức được công bố. Cuộc đua là nhằm giành các đại biểu, chứ không phải giành phiếu bầu: theo một số ước tính thì Hillary Clinton đã giành được nhiều phiếu bầu hơn so với Barack Obama hồi năm 2008, mặc dù bà bị thua nếu tính theo số lượng đại biểu giành được.
Số lượng các đại biểu không được phân bổ tương ứng với số dân. Ví dụ, Texas có 155 đại biểu được dự hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng hòa, tương đương tỉ lệ 0,56% trên mỗi 100.000 dân của bang. New Hampshire có 23 đại biểu, tương đương tỉ lệ 1,73% trên mỗi 100.000 dân. Georgia có 76 đại biểu dự đại hội đảng Cộng hòa, trong khi Ohio chỉ có 66 mặc dù Ohio có dân số đông hơn.
Về phía đảng Cộng hòa mỗi tiểu bang được cử ít nhất mười đại biểu; số đại biểu sẽ được tăng lên dựa trên hồ sơ của bang trong việc bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa trước đây, và ba đại biểu được phân bổ cho mỗi đơn vị bầu cử quốc hội. Mỗi bang cũng có thêm ba đại biểu là đảng viên tự do (chưa cam kết bỏ phiếu cho ai).
Trong các kỳ bầu cử trước, những người dẫn đầu thường tìm cách đạt được chiến thắng ban đầu để tạo đà và thu hút các nhà tài trợ về phía mình, buộc các đối thủ phải rút lui. Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa đã điều chỉnh các quy định để cho phép các bang có lịch bầu cử muộn hơn có tiếng nói lớn hơn. Tác động ngoài dự kiến của điều này có thể sẽ là khiến các cuộc cạnh tranh kéo dài hơn, một điều mà các đảng viên cấp cao (party bigwigs) hy vọng tránh được.
Để giành được đề cử của đảng Cộng hòa, một ứng viên phải đảm bảo giành được 1.237 trong tổng số 2.472 đại biểu của đảng. Tới ngày 15/3, khoảng 60% số đại biểu đảng Cộng hòa sẽ đã được xác định là ủng hộ ai, nhưng gần như tất cả trong số đó sẽ được phân bổ cho các ứng cử viên theo một tỷ lệ nào đó (sau khi họ đạt được một ngưỡng phiếu bầu nhất định). Sau ngày 15 tháng Ba, các bang có thể phân tất cả các đại biểu đảng Cộng hòa của bang mình chỉ cho ứng cử viên nào thắng cuộc bầu cử sơ bộ ở bang mình.
Phải đến đầu tháng 4 thì khoảng hai phần ba tổng số đại biểu mới được phân bổ xong. Trong quá khứ, ứng viên được ưa thích nhất một cách rõ ràng thường sẽ nổi lên sau ngày Siêu Thứ Ba (Super Tuesday), tức ngày 1 tháng 3 năm nay khi 12 bang tổ chức bầu cử sơ bộ cùng lúc – nhưng năm nay sau ngày hôm đó, ba hoặc bốn ứng cử viên vẫn có thể còn cơ hội giành chiến thắng trong cuộc đua của đảng Cộng hòa.
Về phía đảng Dân chủ, theo tính toán mới nhất, bà Clinton có được sự ủng hộ của 380 trong số 713 siêu đại biểu (các quan chức cấp cao được tự do ủng hộ ứng viên nào mà họ lựa chọn), những người sẽ là một phần trong số 4.764 đại biểu tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ. Nhưng vì các siêu đại biểu này không bị ràng buộc phải bầu cho một ứng cử viên nào, nên bà Clinton vẫn muốn giành được một phần lớn của các đại biểu thường (cam kết rõ ràng bầu cho ứng viên nào) về phía mình trước khi hội nghị diễn ra.
Nhân khẩu học cũng đóng một vai trò quan trọng. Các bang phía Nam và bảo thủ sớm nổi bật vào giai đoạn đầu: gần một nửa số bang tiến hành bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa được tổ chức từ ngày 1 tháng 2 đến 8 tháng 3 là những tiểu bang nơi người Tin Lành da trắng chiếm ít nhất 50% số cử tri Cộng hòa. Về phía đảng Dân chủ, cử tri nữ và các sắc dân thiểu số chiếm một phần lớn trong số các cử tri trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở nhiều bang.
Theo the Economist