|
Bà Hillary Clinton. |
Dữ liệu thăm dò khả năng trúng cử của hai ứng viên Hillary Clinton (thuộc đảng Dân Chủ) và Donald Trump (đảng Cộng Hòa)do báo The New York Times của Mỹ cập nhật hôm 22.8.2016 cho thấy bà Hillary có 88% cơ hội có thể trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ phần trăm cơ hội mà ông Trump có được.
Số liệu thăm dò cơ hội thắng cử của các ứng viên do The New York Times đăng tải dựa trên việc đánh giá khả năng, kết quả bầu cử tại các bang của nước Mỹ cũng như tổng hợp đánh giá kết quả các cuộc thăm dò dư luận về bầu cử quốc gia Mỹ được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức xã hội của Mỹ thực hiện.
Người viết cũng tin rằng bà Hillary Clinton chắc chắn sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ khi cuộc bầu cử sẽ chấm dứt vào tháng 11 tới đây. Không chỉ căn cứ vào các số liệu thăm dò của The New York Times, cá nhân người viết cho rằng có các yếu tố sau làm căn cứ để dự đoán bà Hillary Clinton sẽ thắng cử:
Thứ nhất, nền tảng của cựu Ngoại trưởng Mỹ.
Trong số các ứng viên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bà Hillary Clinton là người có nền tảng, tố chất và khả năng làm chính trị tốt nhất so với các ứng viên của đảng Cộng Hòa (Donald Trump) và các ứng cử viên độc lập khác.
Bà Hillary Clinton sinh ngày 26.10.1947 (năm nay 69 tuổi). Hillary Clinton gia nhập đảng Dân Chủ từ năm 1968, từng kinh qua nhiều cương vị, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Thượng nghị sĩ New York (Nhiệm kỳ 2001 – 2009); Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 2009 - 2013).
Hillary Clinton cũng từng là Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ từ 1993 đến 2001 (vợ của Tổng thống Bill Clinton - chính khách hàng đầu Hoa Kỳ, người từng cùng cựu Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt vào ngày 11.7.1995).
Ai cũng có thể hiểu rằng đây là nền tảng, truyền thống rất tốt góp phần tạo nên sức mạnh hậu thuẫn bà Hillary Clinton trong quá trình tranh cử tổng thống cũng như điều hành nước Mỹ một khi bà chính thức được lựa chọn làm chủ chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng.
Năm 2013, bà Hillary Clinton tuyên bố từ chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ và chỉ một thời gian ngắn sau đó bà công bố ý định sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ. Bước đi của bà Hillary Clinton khi đó đã chứng minh rằng cựu phu nhân của ông Bill Clinton đã chuẩn bị kỹ lưỡng, dồn nhiều tâm sức thế nào cho một cuộc chơi lớn đang đợi mình ở phía trước.
Ngoài yếu tố cá nhân, nền tảng gia đình, ứng cử viên Hillary Clinton cũng là người được đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (người cùng đảng Dân Chủ) ủng hộ về mọi mặt, đó là một trong những lợi thế mà ông Donald Trump cũng như các ứng viên độc lập khác không thể có được.
Bên cạnh đó, bà Hillary Clinton còn là chủ nhân của kế hoạch chiến lược mang tên "xoay trục sang Thái Bình Dương" vốn đang dần dần được Hoa Kỳ hiện thực hóa bằng các kế hoạch cụ thể của các ngành ngoại giao, quân sự, kinh tế, văn hóa...
Thứ hai, Donald Trump có sự khác biệt rất lớn so với Hillary Clinton.
Thực tế là dù nước Mỹ có truyền thống bất cứ ứng viên nào được bầu làm tổng thống cũng phải duy trì di sản mà nhiệm kỳ tổng thống cũ đã để lại nhưng sẽ là tốt nhất khi ứng viên thắng cử là "tác giả" của các kế hoạch chiến lược đang được chính quyền Mỹ triển khai, hướng tới.
Nếu nhìn theo hướng này, bà Hillary Clinton rõ ràng hơn ông Donald Trump rất nhiều điểm. Những gì tỷ phú Donald Trump bộc lộ trong suốt quá trình tranh cử từ sơ bộ đến giai đoạn hiện nay cho thấy ứng viên này có xu hướng chỉ chăm chăm vào việc đảm bảo lợi cá nhân cũng như có chiều hướng "co cụm, thu hẹp tầm vóc của nước Mỹ".
Trong khi đó, bà Hillary Clinton thể hiện điều ngược lại, đáp ứng được tham vọng và mong muốn của khát vọng Hoa Kỳ đó là tiếp tục mở rộng ảnh hưởng, tầm vóc của nước Mỹ trên khắp châu lục, đặc biệt là ở châu Á - nơi được xem là trung tâm phát triển năng động mới của thế giới.
Tất nhiên, cũng giống như ông Donald Trump, bà Hillary Clinton cũng phải đảm bảo quyền lợi cho các "nhóm lợi ích" đứng sau mình. Có điều, nền tảng, thiên hướng, tư duy chiến lược của bà Hillary đã được đánh giá cao hơn ông Trump.
Ứng viên Donald Trump sinh ngày 14.6.1946 (năm nay 70 tuổi), là người có nhiều tiền, kinh nghiệm điều hành kinh tế doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân khá phong phú và đạt nhiều thành công.
Lý lịch tham gia đảng phái ở Mỹ của ông Donald Trump tương đối phức tạp bởi vị tỷ phú này từng tham gia nhiều đảng khác nhau như: đảng Cải cách (1999–2001); Dân chủ (2001–2009); Độc lập (2011–2012); Cộng Hòa (từ 2012 đến nay; trước đó cũng tham gia đảng Cộng Hòa trong các giai đoan 2009–2011; 1987–1999).
Hiện nay, ông Donald Trump vẫn được đánh giá là một doanh nhân và ngôi sao trong giới truyền thông Mỹ. Ông vẫn đang là chủ tịch kiêm tổng giám đốc của The Trump Organization và là người sáng lập Trump Entertainment Resorts.
Donald Trump nổi tiếng trên toàn nước Mỹ nhờ sự nghiệp, quá trình nỗ lực gây dựng thương hiệu, đời sống cá nhân, sự giàu có và bản tính thẳng thắn của mình. Từ năm 2015, ông Donald Trump chính thức tuyên bố là ứng viên tìm kiếm đề cử của Đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2016. Đến nay, mục tiêu ban đầu của ông Trump đã đạt được như ý nguyện.
Tuy nhiên, khi càng tiến gần vào "trận chung kết", ông Donald Trump càng bộc lộ những yếu điểm, sai lầm và những phát ngôn gây tranh cãi vốn bộc trực bản tính "thẳng thắn" của mình - những thứ không hề mang lại kết quả tốt đẹp cho những người muốn "tham chính" ở cấp độ cao trong nền chính trị Mỹ.
Cách đây vài ngày (17.8.2016), ông Donald Trump đã bất ngờ thay đổi ban lãnh đạo chiến dịch tranh cử trong khi còn chưa đầy 3 tháng nữa là người dân Mỹ sẽ bỏ phiếu chọn trực tiếp ai sẽ là tổng thống kế tiếp.
Theo giới quan sát chính trị, động thái này của ông Trump cũng giống như hành động "thay ngựa giữa đường", bản thân điều đó chứng minh rằng ban lãnh đạo chiến dịch tranh cử cũ của ông Trump về cơ bản đã thất bại ở giai đoạn "chạy đua mới" khi tiến dần vào "trận chung kết".
Động thái này cho thấy bản thân ông Donald Trump bây giờ chỉ còn hy vọng vào các "chiêu trò" mà ban lãnh đạo chiến dịch tranh cử mới của mình sẽ tung ra trong khoảng hơn 2 tháng nữa cũng như việc sử dụng những đồng USD (vốn Trump có rất nhiều) vào lúc "trận chung kết" sắp diễn ra có hiệu quả như thế nào mà thôi.
Tình cảnh cũng tương tự với một số ứng cử viên độc lập, những người gần đây đã tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ, trong số này có Evan McMullin, một cựu đặc vụ của CIA. Khoảng thời gian hơn 2 tháng còn lại trước khi bầu cử Mỹ vào chung kết có lẽ là quá ngắn để các ứng viên chứng minh năng lực, ảnh hưởng và chiến lược của mình.
Hôm 11.8, Trong một động thái khá bất ngờ, tỷ phú Donald Trump cũng bóng gió thừa nhận rằng ông có thể thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và trở về với công việc điều hành kinh doanh.
Trả lời phỏng vấn hãng CNBC, tỉ phú New York từng nói: "Tôi là người thích nói thật. Tất cả những gì tôi làm là nói sự thật. Nếu trong 90 ngày cuối cùng, tôi thất bại, không sao, tôi vẫn sống tốt khi trở lại cuộc sống bình thường".
Trước đó, Donald Trump cũng đã bị chính các thành viên trong nội bộ đảng Cộng Hòa phản đối. Cụ thể, hôm 8.8, một nhóm khoảng 50 quan chức của đảng Cộng hòa từng phục vụ cho các đời Tổng thống từ Richard Nixon đến George W. Bush đã cùng nhau ký đơn, ra tuyên bố nói rằng họ sẽ không bầu cho ông Trump để ông này thành Tổng thống Mỹ.
50 quan chức cấp cao của đảng Cộng hòa này cũng cảnh báo rằng, nếu trúng cử tỷ phú Donald Trump sẽ trở thành “Tổng thống nguy hiểm nhất trong lịch sử Mỹ”.
Hồi tuần trước,INDECLINE - một nhóm theo chủ nghĩa vô chính phủ không hiểu từ đâu đã khiêng tượng ông Donald Trump đi bêu rếu khắp 5 thành phố lớn của nước Mỹ. INDECLINE giải thích rằng họ muốn làm bẽ mặt ông Trump, nhấn mạnh đến khuynh hướng "độc tài" của ứng viên đảng Cộng hòa.
Cảnh sát Hoa Kỳ sau đó đã giải tán những bức tượng này khỏi công chúng nhưng với ông Trump có lẽ nó là một scandal sỉ nhục bởi những bức tượng này mô tả ông Trump là người đã bệ rạc ở cả thể xác.
Khi nhận xét về ứng cử viên Donald Trump, cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bình luận một câu rất sốc rằng: "Sẽ nguy hiểm nếu Donald Trump thắng cử".
Ông Francois Hollande cho rằng ông Donald Trump nếu thắng cử sẽ làm phức tạp quan hệ giữa châu Âu và Mỹ. Tổng thống Pháp khi đó đã ám chỉ việc ứng cử viên của đảng Cộng hòa ủng hộ việc Anh rời Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua tại nước này.
Việc người dân Mỹ có quyền được bầu chọn cho người lãnh đạo mà mình tin tưởng là điều cơ chế bầu cử Mỹ đã tạo ra, ông Donald Trum hay bà Hillary đề có thể thành tổng thống hoặc ngược lại. Nhưng rõ ràng, Hillary có sự khác biệt "tích cực" rất lớn so với đối thủ của mình ở bên kia đảng Cộng Hòa.
Hoa Kỳ có cơ chế bầu cử, chắc chắn cũng có "kỹ thuật" để chọn được người ưu tú nhất trong số các ứng viên tranh cử nhằm trao cho họ chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng thôi thúc, quy trách nhiệm cho họ trong việc đảm bảo được nhu cầu, tham vọng, lợi ích cốt lõi, sự an toàn và vị thế của nước Mỹ trên quy mô toàn cầu.
Thứ ba, quan sát truyền thông Nga, Trung Quốc
Giới quan sát chính trị toàn cầu bình luận rằng cứ nhìn vào hệ thống truyền thông, báo chí của Nga, nếu báo chí Nga "chĩa mũi dùi" vào ứng viên nào nhiều hơn thì khả năng ứng viên đó sẽ trở thành Tổng thống Mỹ kế tiếp.
Về cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, nhìn chung, báo chí Nga cũng đưa nhiều thông tin khách quan về các ứng viên tham gia tranh cử ở Mỹ. Tuy nhiên, nếu so với ông Donald Trump, bà Hillary được truyền thông Nga "chĩa mũi dùi" vào nhiều hơn.
Một số trang báo mạng của Nga cũng đã đăng nhiều bài bình luận, thông tin chỉ trích ứng viên của đảng Dân Chủ, thậm chí nói nữ chính trị gia này "có tư tưởng diều hâu","sẽ là người khó có thể cài đặt lại quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Mỹ nếu là tổng thống" hay "sẽ tiếp tục chiến lược chống Nga (thông qua các chương trình xây dựng hệ thống phòng thủ, thiết lập căn cứ quân sự quanh Nga) như những gì chính quyền tiền nhiệm đã làm"...
Trái với bà Hillary, ông Donald Trump thường được báo chí Nga ít chỉ trích hơn, thậm chí, Donald Trump còn được Tổng thống Nga Putin và nhiều quan chức Nga khen ngợi trên nhiều trang báo, đài truyền hình của hệ thông truyền thông thuộc nhà nước.
Ông Donald Trump cũng được chính quyền Kremlin cảm thấy dễ chịu, hài lòng hơn, đặc biệt là với tuyên bố gần đây của Donald Trump nói rằng "nếu là Tổng thống Mỹ, sẽ cân nhắc thừa nhận bán đảo Crimea thuộc Nga".
Báo chí Trung Quốc dù ít nói, ít đề cập, ít bình luận về cuộc chạy đua tranh cử ở Mỹ nhưng thực chất rất quan tâm đến sự kiện này.
Truyền thông Trung Quốc không phải gần đây mới nói về vai trò của bà Hillary Clinton trong chiến lược xoay trục sang châu Á - chiến lược vốn được Bắc Kinh coi là "để bao vây, kiềm chế Trung Quốc".
So với bà Hillary Clinton, Trung Quốc có lẽ ưa ông Donald Trump hơn bởi tỷ phú này từng tuyên bố sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Nhận Bản, Hàn Quốc nếu các nước này không chia sẻ gánh nặng quân sự với Hoa Kỳ trong tương lai nếu ông ta làm Tổng thống.
Nếu tiềm năng diễn ra đúng như Trump nói, Bắc Kinh chắc chắn sẽ rất hoan hỉ đón nhận tin Donald Trump chiến thắng.
Nói tóm lại, nhận định cho rằng "bà Hillary Clinton chắc chắn sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo" chỉ là phỏng đoán cá nhân, xuất phát từ góc nhìn, lập luận của người viết.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ kết thúc, nếu nói là hơn 2 tháng có vẻ hơi ngắn nhưng về số ngày chắc chắn phải hơn con số 70 ngày.
Bầu cử Mỹ bản chất là một trò chơi chính trị, một cuộc đua quyết liệt giữa những người có nhiều tiền, nhiều quyền lực và ảnh hưởng nên mọi sự thay đổi đều vẫn có thể xảy ra, thậm chí cách "vòng chung kết" vài ngày, thậm chí vài giờ "tỷ số" có thể nhúc nhích hay cách biệt hoàn toàn và điều này phụ thuộc vào việc có "biến cố" hay "bứt phá" nào phát sinh hay không.