UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án sơ tán tất cả những người dân sống trong các căn nhà không kiên cố, nhà ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt do bão, đến nơi an toàn. Thời gian bắt đầu từ chiều ngày 13/11 và chậm nhất đến 11h ngày 14/11 phải hoàn thành.
Để đảm bảo hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận huyện lên số lượng sơ tán dự kiện và có biện pháp đảm bảo an toàn cho những nơi tránh trú.
Đồng thời, UBND TP yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 14/11 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Đối với lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, tàu thuyền neo đậu, các lán trại công trình đang xây dựng, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu không được để người ở lại, hoàn thành công tác đảm bảo an toàn trước 15h ngày 13/11. Kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn…
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, UBND TP yêu cầu Sở GD&ĐT thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14/11. Tiếp tục theo dõi diễn biến bão, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học và chịu trách nhiệm trước UBND TP.
UBND TP yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP thông báo, nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến, ra khơi, phối hợp với các địa phương và các lực lượng tiến hành kiểm đếm, đưa toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang. Thời gian hoàn thành trước 15h ngày 13/11.
Đặc biệt, đối với các công trình xây dựng, UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng yêu cầu các công xây dựng, có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công ngừng thi công, hạ tất cả các cần trục, tháp cẩu và các phương tiện thiết bị thi công trên cao trước 17h ngày 13/11 và có biên bản cam kết và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Cùng ngày, Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia thông báo, vào hồi 10h ngày 13/11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10h ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/h), giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 13 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Đến 10h ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 11.
Đường đi của bão số 13 |
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 10h ngày 16/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 103,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).
Do ảnh hưởng của bão số 13, từ ngày 14/11 đến ngày 16/11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250 mm, có nơi trên 350 mm; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3