Sở TT&TT TP Đà Nẵng đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và người dân sử dụng Hệ thống theo dõi mưa, ngập trên ứng dụng Danang Smart City để chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài.
Ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - cho biết, để giảm thiệt hại về người và tài sản, hỗ trợ công tác phòng tránh thiên tai trên địa bàn TP, Sở TT&TT TP đã hoàn thiện Hệ thống theo dõi mưa, ngập nước phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành trong mùa mưa, bão, lũ.
Để chủ động theo dõi, ứng phó với mưa lớn, Sở TT&TT đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của tình hình mưa lũ trong chức năng “mức mưa, ngập nước” trên ứng dụng Danang Smart City.
Tại chức năng này, người dân có thể theo dõi lượng mưa (44 trạm đo mưa trên địa bàn TP, tham chiếu với lượng mưa lịch sử ngày 14/10/2022); theo dõi mức ngập nước (để chủ động trong di chuyển, đi lại hoặc ứng phó); tham khảo dữ liệu các điểm, đường ngập tại đợt mưa lớn ngày 14/10/2022 (khoảng 400 điểm ngập, đường ngập). Đồng thời có thể gửi mức ngập nước tại vị trí của mình lên ứng dụng để chia sẻ, cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, người dân có thể gửi yêu cầu cứu hộ khẩn cấp đến cơ quan chức năng và xem thông tin các nhà sơ tán (hơn 1.000 địa điểm); các số điện thoại khẩn cấp theo địa bàn…
Các cơ quan quản lý có thể xem, xét duyệt các dữ liệu ngập do người dân, cộng đồng gửi lên, để có thông tin phục vụ cho công tác ứng phó, chống ngập; tiếp nhận các yêu cầu cứu hộ khẩn cấp của người dân trên địa bàn để chủ động hỗ trợ… Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có thông tin về tình hình mưa, ngập trên địa bàn để hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó.
“Để Hệ thống theo dõi mưa, ngập nước hoạt động hiệu quả, cung cấp, chia sẻ kịp thời thông tin lượng mưa, các điểm ngập đến người dân, cộng đồng, hỗ trợ các cơ quan chuyên trách xử lý, ứng phó với mưa, ngập, Sở TT&TT đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp thông báo, truyền thông ứng dụng đến người lao động, người dân trên địa bàn biết, sử dụng, phục vụ bản thân, gia đình.
"Riêng với Tổ công nghệ số cộng đồng; Đoàn thanh niên; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của các quận/huyện, phường/xã trực thuộc cử cán bộ để tiếp nhận, xử lý các thông tin cứu hộ khẩn cấp của người dân gửi qua app Danang Smart City, nhằm hỗ trợ kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân trên địa bàn”- ông Trần Ngọc Thạch chia sẻ.
Cảnh báo ngập lụt trên địa bàn TP Đà Nẵng
Trong buổi sáng nay, 13/10, tại TP Đà Nẵng đã có mưa to, tổng lượng mưa một số nơi như sau: Sơn Trà 44.4mm, Bà Nà 19.2mm, Suối Lương 18.8mm… Hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia sông Cẩm Lệ đang ở mức thấp.
Cảnh báo trong 3-6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra ngập cục bộ tại các vùng trũng thấp và khu đô thị đặc biệt là các quận, huyện. Cụ thể, quận Hải Châu (phường Bình Hiên, Bình Thuận, Hải Châu I, Hải Châu II, Hoà Cường Bắc, Hoà Cường Nam, Hoà Thuận Tây, Hoà Thuận Đông, Nam Dương, Phước Ninh, Thạch Thang, Thanh Bình, Thuận); quận Thanh Khê (phường An Khê, Chính Gián, Hoà Khê, Tam Thuận, Tân Chính, Thạc Gián, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Vĩnh Trung, Xuân Hà); quận Ngũ Hành Sơn (phường Hoà Hải, Hoà Quý, Khuê Mỹ, Mỹ An); quận Sơn Trà (phường An Hải Bắc, An Hải Đông, An Hải Tây, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, Thọ Quang); quận Cẩm Lệ (phường Hoà An, Hoà Phát, Hoà Thọ Đông, Hoà Thọ Tây, Hoà Xuân, Khuê Trung); quận Liên Chiểu (phường Hoà Hiệp Bắc, Hoà Hiệp Nam, Hoà Khánh Bắc, Hoà Khánh Nam, Hoà Minh); huyện Hòa Vang (Hoà Bắc, Hoà Châu, Hoà Khương, Hoà Nhơn, Hoà Liên, Hoà Ninh, Hoà Phong, Hoà Phú, Hoà Phước, Hoà Sơn, Hoà Tiến).
Thời gian ngập có khả năng diễn ra đến 15h ngày 13/10. Độ sâu ngập lớn nhất từ 0.3-0.5m, có nơi sâu hơn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt: cấp 1. Tình trạng ngập có thể xảy ra tại các tuyến đường trũng thấp, ảnh hưởng đến giao thông, tài sản của người dân.