“Thủ tướng là lực cản, trở ngại lớn nhất đối với tiến trình cải cách tại đất nước này. Ukraine cần một thủ tướng tốt hơn, không phải là người lúc nào cũng chỉ cố tạo lập phe cánh. Ông ấy không phải là một người cải cách, chỉ là ngụy cải cách mà thôi. Ông ta đang diễn, chẳng làm gì hết. Ông ấy cản trở việc bổ nhiệm các bộ trưởng thuộc hàng ngũ của Tổng thống, không hành động vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, mà là vì lợi ích cá nhân, lợi ích của các đối tác doanh nghiệp và các đồng minh chính trị”, Bộ trưởng Shevchenko phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Kyiv Post mới đây.
Trước đó, ông Shevchenko đã từ chối yêu cầu của Thủ tướng Ukraine đòi ông phải từ chức – điều mà vị bộ trưởng nói là lần thứ năm ông Yatsenyuk tìm cách sa thải ông trong 6 tháng nắm quyền. “Người nên từ chức chính là Thủ tướng”, ông Shevchenko bình luận. Đối đầu giữa hai ông đã âm ỉ từ gần nửa năm nay, mới nhất là việc Shevchenko công khai phản đối việc bổ nhiệm 4 thành viên của Cơ quan Chống tham nhũng Quốc gia.
Dư luận Ukraine nhìn nhận, bốn người này được Nội các đề cử (dù ông Shevchenko “chủ động” phản đối), đều là các nhân vật thân cận do Thủ tướng chọn, hoặc là người làm việc cho ông. Điều này là trái luật, vì nhân sự Cơ quan Chống tham nhũng Quốc gia phải do các tổ chức dân sự có tiếng giới thiệu.
Theo Bộ trưởng Shevchenko, đơn giản là bởi Thủ tướng Ukraine muốn kiểm soát cơ quan này, gắn với đặc quyền sẽ đưa/loại ai trong tầm điều tra, làm thay đổi bản chất của cuộc chiến chống tham nhũng. Ông tiết lộ: “Yatsenyuk từng bốn lần yêu cầu tôi viết đơn từ chức ngay tại các cuộc họp của chính phủ, ông ta cáo buộc tôi là người hù dọa nội các. Câu trả lời của tôi là: Tôi đang hy vọng đơn từ chức từ ông”.
Phản pháo nhằm vào Thủ tướng
Theo tiết lộ của Shevchenko, Thủ tướng điều hành công việc và nội các theo cách thức khép kín và độc đoán, muốn kiểm soát mọi thứ và muốn đưa người vào tất cả các vị trí, từ các Phó Thủ tướng, cho đến người đứng đầu, cấp phó của tất cả các cơ quan trực thuộc chính phủ. Đơn cử như hồi tháng 1/2015, ông Yatsenyuk buộc Shevchenko bổ nhiệm Mykola Boyarkin làm Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất trực thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Sinh thái. Tòa án xem việc bổ nhiệm này không hợp pháp, nhưng phán quyết bị treo, rồi ông Boyarkin vẫn leo lên vị trí Tổng cục trưởng.
Là bộ trưởng, thành viên nội các, ông Shenvchenko luôn phản đối các quyết định kiểu như vậy. Đó là lý do khiến ông bị nhiều người trong chính phủ ghét. Đã xuất hiện một loạt những điều tiếng không hay nhằm vào Shevchenko: Ông đi công tác bằng máy bay riêng từ Berlin về Kiev, sai sót trong sử dụng hộ chiếu ngoại giao, quan hệ nam-nữ, tham nhũng… Những đòn đánh kiểu như vậy là “không đẹp” và nó chẳng thấm vào đâu so với mức độ của nhiều vụ tham nhũng lớn mà chính phủ “lờ đi”.
Mọi mâu thuẫn dẫn đến đối đầu đều là vì tiền, Shevchenko bình luận. Tổng cục Địa chất là cơ quan quyền lực, cấp phép, cho phép các công ty khai thác, sản xuất than đá, khí đốt. Ông tin là Thủ tướng Yatsenyuk muốn cài người vào cơ quan này để thu vén lợi ích cho đồng minh tin cậy là nghị sĩ Martynenko. Trùm tài phiệt mới “đứt gánh” Igor Kolomoisky cũng là người có lợi ích từ vị trí này. Theo tiết lộ của Shevchenko, một lý do ông bị Thủ tướng Yatsenyuk tấn công là bởi “dám” ngừng cấp phép cho Tập đoàn dầu khí Ukrnafta thuộc sở hữu nhà nước, nhưng do Kolomoisky - người được Yatsenyuk chống lưng, nắm quyền chi phối.
Ông Shevchenko cũng nhìn nhận, dưới quyền điều hành của mình, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Sinh thái đã có sự chuyển đổi tích cực, từ chỗ là một trong những bộ tham nhũng nhất ở Ukraine. Nổi bật trong số này là việc đã thu hồi được cho nhà nước 22 mỏ khí đốt từ tay các chủ tư nhân. Cùng với đó là việc minh bạch hóa mọi số liệu, quy trình cấp phép, công khai ngân sách hoạt động của Bộ, tinh gọn bộ máy xuống chỉ còn 260 nhân viên. Ông cũng nổi tiếng với quyết định ngày đầu tiên nhậm chức đã cho sa thải Thứ trưởng, toàn bộ người đứng đầu các Tổng cục, Vụ trực thuộc bộ, vì đây là những “con sâu” chuyên đục khoét, tham nhũng.
Trước sức ép từ Thủ tướng và vây cánh, Bộ trưởng Shevchenko tuyên bố sẽ vẫn quyết chiến đấu để bảo vệ danh tiếng và cương vị của mình. Theo ông, đã đến lúc phải “tuýt còi” cung cách điều hành của ông Yatsenyuk, nhất là quy trình ra quyết định của Nội các mà “không cung cấp trước cho các bộ trưởng thông tin cần thiết. Nhiều khi chúng tôi bỏ phiếu mà như người mù”. Ông đồng thời cũng mong đợi quyết định từ Quốc hội và Tổng thống Petro Poroshenko về “số phận” của mình.
Theo: Báo Tin Tức